Tản văn Tạ Duy Anh: Chuột đồng nướng

Tạ Duy Anh - Thứ Tư, 24/08/2022 , 08:47 (GMT+7)

Bạn đừng vội kết tội tôi dễ dãi trong ăn uống. Tưởng cao lương mỹ vị gì, chứ ai lại ăn thịt chuột.

Nhà văn Tạ Duy Anh. Ký họa của họa sỹ Nguyễn Hồng Hưng.

Vâng, tôi cũng sợ thịt chuột chứ, nhất là khi ngày ngày nhìn thấy chúng lúc nhúc nơi những bãi rác, chui trong các loại cống rãnh, ăn bất cứ thứ gì vớ được, trong khi người thì hôi rình.

Bạn cũng đừng vội nhăn mặt nhăn mũi như vừa được nghe tên một món ăn kinh dị.

Tôi đang kể về món chuột đồng nướng và nói cho nhanh, giờ còn hơn cả cao lương mỹ vị, bói cũng không ra chứ đừng nói tìm ở đâu. Bởi vì nó là món ăn trời bù đắp cho những tuổi thơ khốn khổ, thiệt thòi một thời.

Những con chuột đồng dùng để làm món nướng mà tôi đang kể, luôn sống ngoài những cánh đồng lúa mênh mông, những chân ruộng thường khô ráo để có thể cấy loại lúa đặc sản. Đến cả đất cũng thơm, chưa chưa nói đến lúa. Hương lúa mùa gặt là thứ chỉ có thể gọi là hương trời, vì không gì trên đời so với nó được. Và những con chuột được ướp mình trong thứ hương thơm ấy nhiều tháng trời, cho đến khi chúng bị bắt. Chúng thường béo núng nính, lông óng mượt. Thích nhất và chúng tôi cũng mong ngóng nhất là vào mỗi vụ gặt tháng mười.

Quê tôi, chỉ vụ tháng mười khô ráo người ta mới cấy lúa nếp, đương nhiên là lúa nếp cái hoa vàng kén đất hơn mẹ chồng thời ấy kén dâu. Bọn chuột vốn là loại tinh ranh, lại rất sành ăn, thường dồn về những ruộng lúa nếp, cũng là những thửa ruộng gặt sau cùng. Khi cánh đồng lúa thu hẹp dần, lũ chuột buộc phải tìm cách ẩn náu trong hang.

Hang chuột phát hiện không khó. Chúng đầy rẫy trên khắp cánh đồng. Cái khó nhất là đoán xem trong hang có chuột hay không, chuột to hay bé. Khi quyết định tấn công một hang chuột nào đó, chúng tôi có đủ các cách khác nhau. Thông dụng nhất là dùng thuổng đào. Nếu gặp đất rắn, việc đào khó khăn thì có thể dùng ngay rạ trên đồng đốt lên rồi quạt khói hun chuột. Còn có cách nữa là thay nhau múc nước đổ vào tổ hang. Chuột không chịu được khói và nước sẽ phải theo ngách thoát hiểm ra ngoài và chúng tôi chỉ chờ có thế để chịt cổ.

Nhưng hun khói và đổ nước chỉ hữu hiệu với những con chuột chưa từng trải, ít kinh nghiệm sống, sức chịu đựng kém. Còn với những con đã lão luyện trường đời, kinh qua muôn cảnh ngộ, đã từng ăn đủ lộc, đủ đòn của thiên hạ thì hai cách trên nhiều khi chỉ được “lông chuột”. Khi đào hang để trú ẩn, những con chuột này hình như cũng đã lường tới tình huống bị tấn công bằng khói và nước, chắc do tổ tiên của chúng truyền lại thành thứ tự vệ bản năng.

Vì thế, chúng vô cùng cáo già trong việc tạo lối thoát hiểm. Chỉ cần trong hang có một khe nhỏ, bí mật thông lên trên lấy không khí, luôn được ngụy trang bằng cây cỏ tự nhiên, chỉ vừa cho con chuột đút mũi vào đấy, thì chúng tôi có hun khói hay đổ nước cả ngày!

Bắt chuột là cả một nghệ thuật và sự hứng thú.

Nhưng cùng nhau nướng chuột thì mới thực sự là không khí của ngày hội.

Những con chuột đồng săn được nhanh chóng bị vùi vào tro nóng để việc làm lông trở nên vô cùng dễ dàng. Sau đó chúng được thui như người ta vẫn thui chó. Da con chuột, từ trắng tinh trắng nõn chuyển sang mầu vàng, căng lên, ngấm theo ra một chút mỡ khiến toàn thân nó bóng nhoáng.

Và thơm, lẫn mùi khen khét đến điếc cả mũi. Mùi thơm của mỡ chuột đồng, quyện với mùi lông chuột cháy có lẽ là thứ mùi quyến rũ nhất trên đời. Nếu bạn chưa từng được một lần ngồi thui chuột trên đồng, có nghĩa là cuộc đời bạn còn thiếu thốn và đơn điệu đấy!

Công việc tiếp theo là mổ bỏ nội tạng chuột. Chỉ với một mảnh tre, việc này dễ hơn mổ cá rất nhiều, nhất là đối với lũ trẻ thạo nghề kiếm sống như chúng tôi. Và hoàn toàn mổ khô, tức là không được rửa qua nước. Con chuột sau đó bị banh ra để rắc lên vài hạt muối và ép vào đó lá ổi đã bị bóp nát, thứ lá ổi bánh tẻ hái từ những cây ổi găng cho quả có mùi thơm kỳ dị luôn được chúng tôi chuẩn bị từ ở nhà. Nhất thiết phải là lá ổi. Lá ổi đi với chuột nướng kỳ diệu hơn lá mơ đi với thịt chó nhiều. Và tất nhiên là thịt chó lá mơ không bao giờ có thể sánh được với thịt chuột nướng lá ổi của chúng tôi hồi bé.

Mỡ chuột nhỏ xuống than đốt từ gốc cây lúa nếp, kêu xèo xèo cùng với nước miếng tứa ra khắp chân răng. Những cái bụng học trò chả mấy khi được no cơm, xuân thu nhị kỳ mới nom thấy miếng thịt, đồng loạt réo lên. Chỉ một lát sau mặt đứa nào đứa ấy bóng nhẫy, cười nói hể hả trong khi tâm hồn trở nên phơi phới, vừa hát váng vừa độ lượng rong trâu về, bỏ lại những đống lửa nướng chuột cháy bập bùng trên khắp cánh đồng chỉ còn chân rạ và một thứ mùi thơm được gió đưa đi làm ấm cả không gian.

Sẽ chẳng có cao lương mỹ vị nào trên thế gian này đủ sức thế chỗ món chuột đồng nướng lá ổi trong ký ức lũ trẻ của chúng tôi ngày ấy.

Tạ Duy Anh
Tin khác
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.