Tản văn Tạ Duy Anh: Nhà ngang

Tạ Duy Anh - Thứ Ba, 23/08/2022 , 06:40 (GMT+7)

Bất kể gia đình nhà quê Bắc bộ nào, hễ có chút cơ hội, là nhất định sẽ dành sẵn chỗ, để bất cứ lúc nào cũng có thể cho mọc lên căn nhà ngang.

LTS: Nhà văn Tạ Duy Anh trở lại với bạn đọc NNVN qua những câu văn mộc mạc nhưng ý tứ sâu sắc, hóm hỉnh. Sự tài tình của nhà văn ở chỗ chỉ bằng có nghìn từ ông giúp chúng ta sống lại một thuở chưa xa. Xin kính mời bạn đọc.

Nhà văn Tạ Duy Anh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Không phải gia đình nhà quê Bắc bộ nào xưa kia cũng có nhà ngang. Khi ăn còn chả đủ, một chỗ chui ra chui vào chưa thưng kín vách, nền đất vẫn mối đùn chuột rúc thì nhắc đến nhà ngang chẳng khác nào nói mỉa ngọt nhau.

Một gia đình cơ nghiệp chưa có, hoặc lưng vốn còn mỏng, chưa bị áp lực phải có thêm không gian, chắc chắn chưa cần phải có nhà ngang, Một gia đình mới ra ở riêng sau khi tách hẳn khỏi bố mẹ, cho dù đủ điều kiện kinh tế, cũng chưa nghĩ đến nhà ngang làm gì. Nhiều việc khác quan trọng, cấp thiết hơn phải làm trước. Vả lại, đời còn đủ dài để mà xây đắp, ước muốn.

Bài liên quan

Nhưng bất kể gia đình nào, hễ có chút cơ hội, là nhất định họ sẽ dành sẵn một chỗ, để bất cứ lúc nào cũng có thể cho mọc lên căn nhà ngang.

Nhà ngang là vật chứng cho một gia đình có bát ăn bát để, thuộc hạng phong lưu, cần phải có nơi chứa riêng những thứ được coi là của nả, tách hẳn ra với nơi ở chính.

Trong quan niệm về không gian có phần cảm tính của người nhà quê, chính diện là chiều dọc, cũng là chiều của nề nếp, quyền lực. Vì thế, gọi nhà ngang vì nó nằm vuông góc với nhà chính, ở phía mắt phải đưa ngang nhìn sang mỗi khi bước vào nhà chính hoặc mỗi khi từ nhà chính bước ra, có tính chất phụ, chứ không phải căn cứ theo chiều khổ đất hay phương hướng quy ước nào? Điều chắc chắn là nhà ngang luôn phải thấp, nhỏ hơn nhà chính, thường chỉ ba gian mà rất ít khi có thêm hai chái.

Nhà ngang, một khi xuất hiện, lập tức đảm nhiệm gần như mọi chức năng. Nó thay vai trò một cái kho khi là nơi chứa tất tật mọi thứ mà một gia đình làm nghề nông phải có như dụng cụ sản xuất, dụng cụ chế biến lương thực như cối xay lúa, cối xay bột, nồi lớn, chảo đại… Tất tật đều cất ở nhà ngang.

Rồi nào là cỏ dự trữ cho trâu bò, cám cho lợn, khoai sắn chưa dùng đến… cũng đều để tạm ở nhà ngang. Nhà nhiều thóc lúa thì một phần sẽ cất ở nhà ngang. Nó, căn nhà ngang, cũng chia bớt nhiệm vụ với cái bếp khi nhà có khách hoặc khi có đánh chén, cần phải nấu nướng nhiều thức ăn. Bình thường nhiều gia đình dùng ngay nhà ngang làm nơi ăn cơm, nhất là vào mùa đông tháng giá.

Ấm áp nhà xưa. Tranh của họa sỹ Trần Nguyên.

Thậm chí, lúc cần thiết nhà ngang còn có thể là nơi nhốt tạm thời gà vịt ngan ngỗng khi chúng còn nhỏ, trước khi đem ra chợ bán hoặc mỗi khi có dịch cần một nơi sạch sẽ để cách ly giữa con mắc bệnh và con chưa bị mắc bệnh. Nhà có chó đẻ thì một là ở bếp, hai là nhà ngang, không mấy khi được ở nhà chính.

Tuy thế nhà ngang dứt khoát không phải là cái kho, không phải là cái bếp phụ, càng không bao giờ là chuồng trại. Nó là một ngôi nhà thực sự, ngôi nhà dành cho việc ở, sinh hoạt của con người. Từ kết cấu không gian đến vị trí sinh thái trong cái tổng thế kiến trúc, trật tự của một gia đình đều toát lên cái chức phận to lớn ấy. Nhà ngang không bao giờ là nhà tạm (thêm, khác xa với tạm), vì thế nó thường là được chuẩn bị công phu về vật liệu để xây kiên cố, y như nhà chính, tất nhiên là luôn nhỏ hơn, thấp hơn.

Vì thế, nhà ngang thực chất là không gian mở rộng, nối dài của ngôi nhà chính.

Chỉ có một thứ không bao giờ được đặt ở nhà ngang, ấy là chiếc bàn thờ. Chính sự khác nhau này mà nhà ngang vĩnh viễn chỉ là ngôi nhà thêm nếm, đóng vai trò phụ trợ.

Tuy nhiên mọi thứ không cố định trong cái trật tự mang tính quy ước ấy: Có hai trường hợp xảy ra sẽ biến nhà ngang trở thành hoàn toàn là một ngôi nhà.

Thứ nhất: Khi người con trai trưởng lấy vợ mà chưa thể tách khỏi bố mẹ, hoặc trong thời gian chờ để thay vào vị trí của bố mẹ (trước khi hai cụ về giời), thì nhà ngang là nơi ở, sinh hoạt của đôi vợ chồng trẻ. Thời gian có thể kéo dài nhiều năm, hoặc nhiều chục năm nếu vẫn không có điều kiện tách hộ sang một không gian khác biệt lập.

Thứ hai, điều này ngày nay hầu như đã chấm dứt, ông gia trưởng muốn cưới thêm một bà vợ lẽ. Khi đó nhà ngang là nơi ở của người đến sau. Khi bà ta sinh con, đẻ cái thì chúng cũng ở luôn cùng mẹ, trừ một số trường hợp đứa con nào đó được gia trưởng đặc cách cho ở nhà chính. Dù với bất cứ lợi thế nào, thì việc phân chia lãnh địa vẫn không mấy khi thay đổi. Nhà chính của bà cả, thuộc loại “vợ cái con cột”, còn nhà ngang của bà vợ lẽ. Nó xác định dứt khoát vai vế chính-phụ trong đại gia đình.

Một gia đình nhà quê truyền thống xưa kia ở vùng Bắc bộ nhất định cứ phải có cái nhà ngang sau căn nhà chính, nếu muốn khép kín một không gian sinh tồn mơ ước, nơi mà tính biểu tượng luôn được đề cao hơn mọi giá trị thật.

Tạ Duy Anh
Tin khác
Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.