Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Quả sấu tròn

Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

"Mấy hôm trước còn hoa

Mới thơm đây ngào ngạt,

Thoáng như một nghi ngờ.

Trái đã liền có thật.

 

Ôi! Từ không đến có

Xảy ra như thế nào?

Nay má hây hây gió

Trên lá xanh rào rào".

- Xuân Diệu -

O Huệ gửi sấu Hà Nội vào làm quà cho tôi, đùa rằng sấu ở phố Phan Đình Phùng o tự tay vặt giờ tan tầm. Mấy bịch sấu già và một hũ sấu non dầm. Làm sấu dầm rất công phu vậy mà o vẫn tranh thủ dù đang rất bận việc ở hãng phim. O còn kĩ lưỡng chắt bớt nước cho dễ vận chuyển. Sấu già thì để làm gia vị. Ai đã có chút dính dáng đến ẩm thực miền Bắc đều khó quên vị sấu chua thanh trong bát canh rau muống ngày hè. Trong ngăn đá tủ lạnh giữa Sài Gòn mà có sẵn mấy quả sấu thủ đô cùng nấm tràm miền Trung trữ đông dùng dần thì còn gì bằng, lòng dạ cứ gọi là lâng lâng.

Thân thuộc với nông nghiệp Việt Nam là ngô khoai, tưởng chừng lâu đời nhưng thực ra mới du nhập vào từ thế kỉ 16, sau khi tìm ra những giống cây này từ châu Mỹ. Ngay cả cây ớt cũng vậy. Trong khi đó, cây sấu là loài bản địa đất Bắc, lặng thầm chứng kiến nền văn minh lúa nước trỗi dậy ở đồng bằng sông Hồng. Quả sấu tham gia vào nền ẩm thực lâu đời chứng tỏ sự thích nghi tinh tế của người Việt với thiên nhiên. Thời Pháp thuộc, sấu được chọn cho quy hoạch đường phố Thủ đô nên càng gắn bó với hình ảnh Hà Nội. Sấu được lựa chọn vì ưu điểm rễ cọc, tán gọn, thân thẳng, ít rụng lá, ít gãy đổ. Có quả là một nhược điểm của cây trồng đô thị, tuy vậy quả sấu lại trở thành thương hiệu nổi bật cho cây sấu và những con đường sấu phủ màu xanh như phố Phan Đình Phùng.

 Vị chua của quả sấu chủ yếu đến từ acid citric, giống như chanh, và pha trộn với acid malic của táo, tạo nên sự thanh dịu nhẹ nhàng. Vị chua này khác với kiểu chua gắt của khế, thường dùng trong ẩm thực miền Trung, hay kiểu chua đậm sắc của me trong những món ăn miền Nam. Có thể thấy dọc theo dải đất nhiệt đới, người Việt luôn kiếm tìm vị chua để giải khát, thanh nhiệt. “Mỗi bát canh chua đỡ cung đường vất vả”, không chỉ làm no bụng mà còn phấn chấn tinh thần, được quê hương tiếp sức cho hành trình đằng đẵng.

Quả sấu góp mặt trong bữa cơm hàng ngày.

Quả sấu góp mặt trong bữa cơm hàng ngày.

Hình dạng quả sấu là cả một quá trình chọn lọc tự nhiên để phát tán giống cây đến mảnh đất thích hợp. Cây sấu không chọn cách mượn lực gió thổi như chò nâu, hay bám vào động vật như cỏ may. Bài hát “Hà Nội những năm 2000” nhạc sĩ Trần Tiến có viết “trái sấu chín lăn lăn trên hè”. Trong môi trường tự nhiên, trái sấu chín rụng sẽ lăn theo triền đồi, theo dòng suối, rời cây mẹ đến những vùng miền mới. Vì những lợi ích cung cấp bóng mát, gỗ, gia vị… cho con người mà cây sấu có mặt trong những vườn ươm giống. Cân bằng cho đi và nhận lại, đó là một chiến lược của loài cây này.

Cũng như con người, cây cối khi lớn lên trong đô thị gặp phải rất nhiều thách thức. Tác giả Peter Wohlleben đã phân tích trong cuốn “Đời sống bí ẩn của cây” một loạt vấn đề: Đất trồng nghèo dinh dưỡng, bị nén chặt, bê tông và nhựa đường nóng nực gò bó xung quanh; Việc tỉa tán hàng năm làm cây tổn thương, dễ bị nấm xâm nhập, chất sáp sơn lên những vùng hư hại làm hơi ẩm không thoát ra được; Cây lớn vội trong giai đoạn đầu đầy ánh nắng chứ không phải từ từ một cách vững chắc dưới bóng râm của rừng già nên chất gỗ xốp yếu, khó chống đỡ sức nặng mưa gió; Cây đơn độc không có những cây cùng loài xung quanh tiếp sức khi gặp vấn đề; Khói xe và bụi bẩn đô thị có thể làm bỏng tán và giảm sức sống của cây mỗi ngày… Những vấn đề này diễn ra chậm rãi, dài hạn nên loài người với tuổi thọ trung bình 70 năm (quá ngắn ngủi so với thực vật thân gỗ) khó có cái nhìn bao quát. Chuyện gãy đổ của cây trồng đô thị thật khó tránh khỏi. Vì vậy sự tồn tại khỏe mạnh trăm năm trên đường phố thủ đô thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ của mỗi cây sấu vươn tầm thành cổ thụ.

O Huệ và con gái bên hàng sấu phố Phan Đình Phùng.

O Huệ và con gái bên hàng sấu phố Phan Đình Phùng.

Với tôi, o Huệ cũng là một bóng cây kỳ vĩ. Tôi rất thích nghe o kể thời đạp xe lọc cọc từ quê ra Hà Nội ôn thi đại học với 2 củ khoai làm bữa ăn chính trong ba lô. Có hôm tiện đường giúp mẹ thu mua giấy vụn, o ghé vào cơ quan đang phát động cuộc thi viết văn để hỏi thông tin. Người bảo vệ vừa thấy đã xua tay ngay, bảo ở đây không bán phế liệu. Lọt qua vòng gửi xe, câu đầu tiên khi o gặp bác Chủ tịch Hội văn học ở đó là: “Giải nhất bao nhiêu tiền hả chú?” làm bác đứng hình một chốc. Và y như một tập phim “giả nghèo và cái kết”, con người dắt xe đồng nát tuềnh toàng kia sau đó đã bá đạo ẵm gọn giải nhất.

Từ hoa sấu li ti chuyển sang kết trái rất nhanh, nên nếu lơ là mấy hôm là người ta sẽ ngỡ ngàng “từ không đến có” xảy ra bao giờ. Những ý tưởng nảy ra trong đầu còn khó quan sát hơn quá trình từ không đến có ra làm sao. O Huệ thì ý tưởng phản ánh hiện thực cuộc sống dường như có sẵn trong túi, chỉ cần chờ lấy ra. Xem việc viết những bài dự thi như làm bài tập ở lớp, o chỉ bận tâm đến vế phần thưởng để trang trải cuộc sống sinh viên. Nhưng cũng có lần về nhà thấy bố nâng niu treo cái bằng đạt giải (mà o nhận xong chẳng nhớ) giữa nhà, o mới nhận ra mình cần phấn đấu cho niềm tự hào của người thân ở phía sau đang dõi theo. Điều đó trở thành động lực cổ vũ o hướng tới những thành tựu công việc sau này.

Tốt nghiệp thủ khoa lớp Biên kịch điện ảnh khóa 23 Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, o Huệ xin vào làm ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Những cuốn phim o thực hiện luôn chú tâm đến những thân phận nhạt nhòa trong xã hội. Cũng giống như việc trồng cây lưu niên, những câu chuyện có thật như tập “Tái sinh” kể về cuộc sống của một cậu bé dân tộc thiểu số từ lúc ẵm ngửa được bố mẹ nuôi bảo vệ sinh mạng trước hủ tục, đến lúc lớn lên học đại học, rồi đi làm giáo viên, cưới vợ... cần nhiều năm tháng theo dõi, chăm lo mới cho ra kết quả. Dẫu vậy, o Huệ không chờ đợi việc mải mê truyền nhiệt huyết và cảm hứng cho những người mình gặp mỗi ngày. Với sự khuyến khích của mẹ, con gái o cũng đang vui thích tìm tòi, khám phá con đường chữ nghĩa.

Dưa hấu, đào, lê và các loại trái cây khác trong một khung cảnh - Giovanni Stanchi.

Dưa hấu, đào, lê và các loại trái cây khác trong một khung cảnh - Giovanni Stanchi.

Nhìn vào bức tranh tĩnh vật của Giovanni Stanchi thời Phục Hưng, ta có thể thấy chủ nghĩa tiêu dùng thể hiện rõ ràng trong việc chiều chuộng sở thích của con người. Quả dưa hấu của thế kỷ 17 nhợt nhạt, rỗng ruột khác hẳn hình ảnh quen thuộc bây giờ. Thật may mắn cây sấu vẫn giữ được vị chua thanh từ buổi ban đầu. Chưa có âm mưu nào lai tạo giống sấu chua hơn như người ta đã khiến quả dưa hấu hiện đại mọng đường.

Đến men răng cứng rắn của những loài vật như hà mã cũng không chịu nổi trước những thứ củ quả được nghiên cứu sao cho ngày càng ngọt để phục vụ ham muốn con người. Củ khoai nằm trong đáy ba lô của o Huệ ngày trước không thể so sánh lượng đường với những giống khoai mới được cải tiến bây giờ - như những chiếc bánh ngọt ngụy trang. Cái bẫy thỏa mãn nhất thời được giăng ra để người ta trượt chân vào những căn bệnh phát sinh vì việc no bụng quá dễ dàng.

Tác giả, bác sỹ Đặng Quốc Thành.

Tác giả, bác sỹ Đặng Quốc Thành.

VTV vừa chiếu lại một bộ phim tài liệu mà o Huệ thực hiện. Là một biên kịch, đạo diễn Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, o để tâm quan sát và nhận ra giá trị nhân văn từ những điều nhỏ bé, bình dị của cuộc sống. Cách những người tìm tòi chiết tách vị ngon từ những cây trái thô cứng, xù xì sẵn có quanh mình cũng giống vậy chăng? Mơ nhiều mà rất thực tế. Nhưng đó cũng là quá trình nghiền ngẫm ngược dòng dễ khiến lòng ta thao thức, cô đơn nghe tiếng rụng ngoài ngõ vắng.

Không bị thúc ép năng suất, quả sấu đến với bữa ăn trong trạng thái khá tự nhiên, không thuốc tăng trưởng. Khá là hiếm hoi để có một thực phẩm như vậy trong thời kỳ này. Người ta vẫn leo trèo để hái sấu như thuở chưa biết hiện đại là gì. Ngồi bàn giấy quá lâu tạo ra những tổn thương tích tụ làm thoái hóa cột sống vốn dành cho việc trên cây là chính. Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Bình Thạnh, 07/2025

Bác sỹ Đặng Quốc Thành

Tin khác

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/07/2025
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 30/06/2025
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/06/2025
Cây liễu trước gió thôn tôi

Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/06/2025
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/06/2025
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/05/2025