Kinh nghiệm làm du lịch nông thôn Nhật Bản: Một đêm ở Tokeida

Hoài Minh - Thứ Năm, 14/03/2024 , 20:01 (GMT+7)

Chúng tôi hiểu vì sao loại hình du lịch nông thôn đem lại nhiều lợi ích và tự hào cho người dân đến thế.

Ngôi nhà của ông Sakai.

Được sống cùng gia đình nông dân Nhật Bản hiếu khách, chất phác và gần gũi, được đắm mình trong cuộc sống và phong tục, chúng tôi hiểu vì sao loại hình du lịch nông thôn đem lại nhiều lợi ích và tự hào cho người dân đến thế.

Năm 1979, tỉnh trưởng tỉnh Oita (Nhật Bản) đã đề xuất phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" (OVOP) với mục đích làm sống lại vùng đất quê hương vốn rất trù phú trước đây bằng cách hỗ trợ mỗi làng quê chọn một sản phẩm mang nhiều tính chất của làng quê mình, khu vực mình để tập trung phát triển, mang lại thu nhập cho người dân quê và thu hút của cải từ mọi miền về làm giàu cho quê hương họ.

Các sản phẩm được chọn rất đa dạng và phong phú. Có nơi chọn cây mận, cây quít, cây nấm hay con tôm như thị trấn Oyama, Kunisaky… Nhưng cũng có nơi chọn những dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch như thị trấn Showa, thị trấn Ajimu…

Ajimu là một thị trấn nông nghiệp thuần túy  thuộc thành phố Usa, có dân số 8.548 người, đa phần là theo Phật giáo. Sản phẩm chủ yếu của địa phương là lúa gạo và nho. Tham gia phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, với quyết tâm làm sống lại vùng đất quê hương, chính quyền và nhân dân ở đây đã sáng tạo ra hình thức “du lịch xanh” hay còn gọi là du lịch tại gia (Green tourism hay Farm stay, Home Stay) nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp và truyền thống văn hóa của địa phương. Hình thức du lịch này, cũng như du lịch nông nghiệp hiện nay cũng đang là kỳ vọng của nhiều cấp lãnh đạo và người dân ở nước ta.

Bà Sakai làm cơm truyền thống mời khách.

Trong một chuyến du lịch Nhật Bản, tôi đã tình cờ đến nhà ông Sakai ở Tokeida (một thôn nhỏ của thị trấn Ajimu) vào đầu buổi chiều một ngày đầu tháng 5, khi hoa anh đào đã tàn. Đón chúng tôi là một người đàn ông Nhật Bản có vẻ mặt hơi khắc khổ song lại rất niềm nở. Sau những trao đổi làm quen, biết chúng tôi chỉ có thể lưu lại đây một đêm, ông Sakai hào hứng mời chúng tôi cùng vợ chồng ông tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, trồng khoai…

Ông cho biết cũng đã có một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từng ở đây trong dịch vụ du lịch tại gia như chúng tôi và cũng đã tham gia cấy lúa, làm nông nghiệp cùng họ. Cuối buổi chiều, ông Sakai hồ hởi hướng dẫn chúng tôi đến tắm tại nhà tắm công cộng của làng.

Ban đầu tôi hết sức ngạc nhiên cả về chuyện mời tham gia cấy lúa, lẫn mời đi tắm ở nhà tắm công cộng và có gì đó tỏ ra khó chịu vì đa phần người Việt Nam chúng ta đã quá quen với việc cấy lúa trồng khoai cũng như rất khó chịu với những kiểu nhà tắm công cộng thời bao cấp khốn khó.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ càng mới thấy việc sản xuất nông nghiệp là một nét văn hóa rất khác biệt của vùng quê này (nghề truyền thống của vùng này là trồng lúa và nho mà), việc đến nhà tắm công cộng của làng là một trong những nét đẹp truyền thống hiếm có của khu vực nông thôn Nhật Bản từ xưa, nay vẫn còn được duy trì.

Người đến tắm ở đây đều là "tắm tiên", thậm chí ngày trước cả đàn ông lẫn đàn bà, thanh niên trai, gái đều tắm trong những nhà tắm công cộng này và người dân Nhật Bản ngày nay vẫn tự hào về truyền thống này. Cũng như chồng, bà Sakai, mặc dù rất bận cho công việc bếp núc, song rất niềm nở đón tiếp và trao đổi với chúng tôi về nét đẹp của vùng núi quê hương bà cũng như về truyền thống sản xuất nơi đây và dịch vụ du lịch homestay mà gia đình bà đang cùng dân làng thực hiện.

Bàn thờ phật.

Căn nhà của gia đình Sakai tuy nhỏ, nhưng được bố trí rất ngăn nắp. Bàn thờ Phật được bố trí ở một nơi trang trọng trong phòng khách. Các vật dụng truyền thống của người dân nơi đây như ấm đồng pha trà dùng than củi, bàn cờ vây… được bố trí xung quang phòng nghỉ, rất tiện cho du khách tìm hiểu, và sử dụng chúng nếu thấy cần.

Chứng chỉ được phép thực hiện du lịch tại gia do chính quyền địa phương cấp được treo trang trọng trong căn phòng lớn vừa dùng để tiếp các đoàn khách du lịch đến tìm hiểu văn hóa địa phương, vừa là nơi ngủ của họ khi đêm xuống tạo nên một cảm giác yên tâm cho các đoàn khách ngoại quốc. Phòng tắm và phòng vệ sinh được lắp đặt cả theo lối cổ truyền của người Nhật lẫn kiểu hiện đại của phương Tây chứng tỏ một sự chuyên nghiệp của chủ nhà trong cách làm du lịch.

Khoảng 7 giờ tối, sau khi tham gia các hoạt động tìm hiểu văn hóa địa phương và công việc đồng áng, cả đoàn dùng bữa tối cùng gia đình chủ nhà. Các món ăn đặc trưng của làng quê được chính tay bà chủ nấu và mang ra.

Lò và ấm pha trà cổ truyền.

Cơm nấu bằng gạo Japonica hạt tròn, ăn với cá hồi sống trong món sushi tại một ngôi làng cổ của Nhật bản mới thú vị làm sao! Sự hứng khởi cao độ cho anh bạn cùng đoàn trưa hôm sau cứ nhất quyết mua bằng được mấy cân gạo Japonicao về cho vợ ở nhà cùng thưởng thức, cho dù giá gạo ở đây đắt gấp 4-7 lần giá gạo ở nhà.

Rượu sake cùng với câu chuyện về phong tục địa phương và sự hiếu khách của chủ nhà quện với không khí se lạnh cuối mùa xuân của vùng núi cao khiến cho du khách như dứt khỏi những ồn ào của cuộc sống công nghiệp, như đắm mình vào chuỗi kỷ niệm êm đềm của làng quê nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Câu chuyện cứ nhẹ nhàng lâng lâng không dứt cho dù đêm đã về khuya. Đã quá nửa đêm, song ông chủ Sakai còn rất hào hứng mời chúng tôi xuống chân núi tìm xem đom đóm bay và coi đó là một cái gì rất đỗi tự hào như chỉ riêng vùng quê của ông mới có.

Buổi sáng, khi chúng tôi đang dùng bữa cùng vợ chồng ông Sakai, cô con gái khoảng 14 tuổi của chủ nhà đi từ trên gác xuống, cúi rạp người xuống đất để chào khách trước khi ngồi vào bàn cùng mọi người. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, người bạn Nhật đi cùng giải thích rằng đó là phong tục của vùng quê này.

Chúng tôi lại càng thấy được ý nghĩa của việc du lịch tại gia ở đây vì chẳng những chúng tôi được sống trong một khung cảnh êm đềm của làng quê mà còn biết được thêm phong tục độc đáo của con người nơi đây- cái mà những người đi du lịch, ở khách sạn chẳng bao giờ có được. Đúng là "đi một ngày đàng, học một sàng khôn".

Chia tay ông bà Sakai trong bin rịn.

Được sống cùng gia đình nông dân Nhật Bản hiếu khách, chất phác và gần gũi, được đắm mình trong cuộc sống và phong tục của người dân quê, chúng tôi hiểu vì sao loại hình sản phẩm du lịch này của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm" lại đem lại nhiều lợi ích và tự hào cho người dân đến thế; vì sao mà ngày càng có nhiều người Nhật Bản cũng như du khách nước ngoài muốn tham gia vào loại hình dịch vụ này đến thế. 

Phải chăng cũng chính vì vậy mà mặc dù chỉ mới hình thành từ năm 1996 nhưng mỗi năm thị trấn Ajimu cũng có đến 165.000 khách du lịch (gấp 20 lần dân số địa phương) từ khắp nơi đổ về và sự thành công của mô hình “Du lịch xanh” ở Ajimu đã hình thành một phương pháp làm du lịch mới ở Nhật Bản - Phương pháp Ajimu.

Chia tay ông bà Sakai mến khách, chúng tôi vô cùng lưu luyến, ước mong có được cơ hội quay trở lại Tokeida nhiều lần nữa để tìm hiểu thêm về cách làm du lịch độc đáo mà hiệu quả của người dân nông thôn nơi đây, để có thể mang những kinh nghiệm đó về Việt Nam sao cho mỗi làng quê chúng ta đều có thể trở thành một Tokeida như ở đây.

Hoài Minh
Tin khác
Nuôi gà du mục kiểu ‘lười’
Nuôi gà du mục kiểu ‘lười’

Phú Thọ Không xây chuồng trại, không gây ô nhiễm môi trường. Anh Đức dùng ô tô cũ làm chuồng di động, đưa gà ra đồi kiếm ăn, vừa nuôi gà, vừa làm cỏ, cải tạo đất.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản
Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản

Trường Excel Career College triển khai một chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí, nhằm trang bị kiến thức về ứng dụng AI cho lực lượng lao động trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả

Nuôi kiến vàng giúp vườn cây có múi giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, tiết kiệm chi phí nhưng ít nhà vườn áp dụng.

Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng
Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng

Một nữ tiếp viên hàng không ở Trung Quốc đã nghỉ việc và quay về quê nhà để làm nghề nuôi lợn, kiếm được 28.000 USD, tương đương 686 triệu đồng chỉ trong 2 tháng.

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng
Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa
Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa

Tại ĐBSCL, các địa phương đã thả hàng trăm triệu con ong ký sinh cùng các thiên địch khác để khống chế dịch sâu đầu đen hại dừa.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Agribank - Hành trình 37 năm khẳng định vị thế, vinh danh thương hiệu quốc gia
Agribank - Hành trình 37 năm khẳng định vị thế, vinh danh thương hiệu quốc gia

Hơn ba thập kỷ không ngừng đổi mới và phát triển, Agribank đã trở thành trụ cột quan trọng của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam.

NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ
NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ

Hà Tĩnh sẽ đưa các giống chè mới chất lượng tốt và khả năng chịu hạn vào sản xuất như PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…