Hà Nội hồi sinh sông 'chết': [Bài 1] Chậm bổ cập nguồn nước, Tô Lịch sẽ thành sông khô

Minh Phúc - Kiên Trung - Thứ Tư, 26/02/2025 , 14:41 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, việc Hà Nội bổ cập nước sông Tô Lịch bằng giải pháp bơm chỉ là 'giải pháp tình thế', có thể chấp nhận được trong 10-15 năm.

LTS. Thời gian qua, câu chuyện Hà Nội đề xuất chi hơn 500 tỷ đồng để thực hiện dự án bổ cập nguồn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm “hồi sinh” dòng sông “chết” nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Thông qua Báo Nông nghiệp Việt Nam, giới chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý chuyên ngành cùng “mổ xẻ” phương án của Hà Nội, đồng thời đề xuất các giải pháp trên tinh thần xây dựng để cùng chính quyền Thủ đô “giải” bài toán trước mắt và lâu dài cho tất cả các dòng sông ô nhiễm.

Tổng Bí thư, Thủ tướng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND TP Hà Nội triển khai ngay dự án bổ cập nước sông Tô Lịch, nhất là khi 100% nước thải dọc theo dòng sông được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ Hà Nội sớm hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án "hồi sinh" sông Tô Lịch. Ngày 22/2, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Hoàng Hiệp về vấn đề này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về giải pháp trước mắt và lâu dài hồi sinh các dòng sông nội đô của Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại nhiều tuyến sông rất nặng nề. Thậm chí có nhiều dòng sông bà con hay gọi là “sông chết”, vì bản thân nó không có dòng chảy và là trung tâm hứng nước thải hằng ngày.

Bài liên quan

Ngoài góp phần tạo ra hệ sinh thái cân bằng, phục vụ đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, các dòng sông còn cung cấp nguồn nước đầu vào của hệ thống công trình thủy lợi. Nếu nước trong hệ thống thủy lợi không sạch thì chúng ta không thể có nông sản sạch. Do đó, hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan để rốt ráo xử lý, hy vọng vấn đề này sẽ được xử lý bài bản, căn cơ hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lấy ví dụ, với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Tổng Bí thư hay Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Công trình đầu tiên mà ngành nông nghiệp làm để hiện thực hóa vấn đề này là xây dựng Trạm bơm dã chiến Xuân Quan (tại khu vực cống Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Đây là công trình mang tính giải pháp tình thế nhằm bổ cập nguồn nước cho sông Bắc Hưng Hải vào mùa kiệt, mực nước sông Hồng tụt xuống quá thấp.

"Nhưng, sau khi đưa trạm bơm được đưa vào vận hành thì một điều rất đáng mừng là trong giai đoạn lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ đông xuân (2024-2025) vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra các địa phương ở Hưng Yên, Hải Dương thì 100% bà con nông dân đều khẳng định là năm nay nguồn nước không còn bị ô nhiễm. Nguyên nhân là trước khi cấp nước vào đồng ruộng phục vụ đổ ải, Trạm bơm dã chiến Xuân Quan đã bơm nước từ sông Hồng để đẩy dòng nước của sông Bắc Hưng Hải", thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt. Về lâu dài, vẫn phải xử lý để các dòng sông không phải là sông "chết" nữa. Các dòng sông không phải là nơi hứng chịu nguồn thải ô nhiễm nữa.

Dùng bơm bổ cập nước cho sông Tô Lịch: Chỉ là giải pháp tạm thời

Câu chuyện thứ hai mà Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề cập, đó là vừa qua, khi làm việc với Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm giao cho Hà Nội không chỉ giải quyết ô nhiễm cho dòng sông Tô lịch mà là khôi phục lại, trả lại nguyên trạng các dòng sông như ngày trước. Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án bổ cập nguồn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch bằng biện pháp bơm, và chúng tôi cũng đã chủ động tham gia cùng với Hà Nội để đưa ra các giải pháp.

Sông Tô Lịch đoạn chạy dọc theo đường Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Kiên Trung.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thẳng thắn chia sẻ rằng: “Thực ra, phương án giải quyết một dòng sông như Tô Lịch thì còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Đó là điều đương nhiên, vì khôi phục một dòng sông không đơn giản. Đầu tiên là phải thu gom nước thải, để nước bẩn không đổ ra sông Tô Lịch, thì Hà Nội đang làm. Và dự án thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) chắc chắn sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Vấn đề thứ hai là bổ cập nước thế nào? Bởi vì khi không còn nước sinh hoạt, nước thải đổ vào sông Tô Lịch thì nó không còn là sông "chết" nữa mà là sông khô trơ đáy. Mà sông khô sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về sụt lún, bụi bẩn, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả một dòng sông "chết". Như vậy, phải cấp bách bổ cập nguồn nước cho sông Tô Lịch bằng giải pháp bơm.

Hà Nội đang trình phương án làm đường ống thông qua đường Võ Chí Công, sau đó đưa nước vào hồ lắng và bổ cập cho sông Tô Lịch. "Tôi cho rằng đây là giải pháp tình thế, có thể chấp nhận được trong 10-15 năm, còn về lâu dài thì thành phố không thể bỏ tiền mãi để bơm nước được vì rất tốn kém”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Xây 3 đập trên sông Hồng, sông Đà, sông Đuống để 'trả lại nguyên trạng cho các dòng sông'

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề lâu dài, như Tổng Bí thư chỉ đạo là “trả lại nguyên trạng các dòng sông” của Hà Nội, thì phải có giải pháp căn cơ.

Hà Nội đang rốt ráo triển khai nạo vét sông Tô Lịch để đón nguồn nước bổ cập từ sông Hồng. Ảnh: Kiên Trung.

“Điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến, là phải làm các đập dâng trên hệ thống sông Hồng. Trong Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng tôi đưa vào 2 đập dâng. Trong đó, một đập dâng trên sông Hồng ở khu vực cống Xuân Quan và một đập dâng trên sông Đuống ở cống Long Tửu. Và nếu xây dựng thêm một đập dâng trên sông Đà ở khu vực cầu Trung Hà (huyện Ba Vì, Hà Nội) thì sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề nguồn nước tự chảy cho cả sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích, sông Bắc Hưng Hải. Chỉ khi có nguồn nước tự chảy thì mới không bị lắng đọng phù sa và các dòng sông mới trở lại như xưa.

Về bài toán kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống đập dâng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, có rất nhiều cách để huy động, trong đó có cả hình thức đầu tư PPP, doanh nghiệp có thể bỏ tiền xây đập, sau đó Nhà nước đổi đất hai bên sông hoặc kết hợp các dự án khác.

Đương nhiên, đó mới chỉ là nguồn nước đầu vào, Hà Nội vẫn phải tiếp tục triển khai các giải pháp thu gom để nước thải không đổ ra các dòng sông này nữa.

Trước câu hỏi Hà Nội bổ cập lưu lượng nước bao nhiêu cho sông Tô Lịch là phù hợp? Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói: "Với Hà Nội hiện nay, việc bổ cập lưu lượng nước bao nhiêu m3/s là câu chuyện lớn, vì nó ảnh hưởng đến dòng chảy và quy mô đầu tư. Nhưng như trên tôi đã nhấn mạnh, cái này để giải quyết tình thế thôi.

Cũng như Trạm bơm dã chiến Xuân Quan, để giải quyết tình thế nên chỉ làm trạm bơm 16m3/s, nếu để đẩy được toàn bộ nước sông Bắc Hưng Hải đi thì phải làm trạm bơm công suất mấy chục m3/s nữa. Và, đã là trạm bơm dã chiến thì không thể làm quy mô lớn đến mấy chục m3/s được.

Bởi vậy tôi cho rằng, Hà Nội làm trạm bơm dã chiến 3-5 m3/s để bổ cập nước cho sông Tô Lịch cũng là chấp nhận được, còn nếu làm đầy đủ để đẩy được nguồn nước như một dòng sông tự nhiên thì có thể phải đầu tư trạm bơm lên tới 16-20m3/s".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, có hai cách làm hồ lắng phù sa trước khi đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Cách thứ nhất là dẫn nước vào một số hồ trồng sen trên địa bàn quận Tây Hồ như Hà Nội đang trình. Cách thứ hai là bơm thẳng vào sông Tô Lịch và làm một đập ngăn sông ở ngay khu vực Hoàng Quốc Việt với vai trò như một hồ lắng, và chỉ cần nạo vét phù sa ở ô đó thôi, vì dự án chỉ cần bổ cập lưu lượng 3m3/s, để giải quyết tình thế thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Minh Phúc - Kiên Trung
Tin khác
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Dáng đứng Việt Nam được bồi đắp từ sự hy sinh của những thương binh liệt sĩ, còn mãi vang vọng trong những áng thơ kiêu hãnh và tự hào.

Bánh tráng Tân Nhiên đưa ẩm thực Việt ra thế giới
Bánh tráng Tân Nhiên đưa ẩm thực Việt ra thế giới

Tây Ninh Tận dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, Tân Nhiên đã đưa bánh tráng Việt Nam xuất khẩu tới hơn 8 quốc gia, chinh phục khách hàng bằng sự tiện lợi và chất lượng.

Đặt lại bài toán chống lũ: Từ ứng phó sang chiến lược quốc gia
Đặt lại bài toán chống lũ: Từ ứng phó sang chiến lược quốc gia

Thực tiễn đặt ra câu hỏi: Việt Nam sẽ tiếp tục "chạy lũ" theo từng mùa, hay đã đến lúc phải xây dựng một chiến lược quốc gia về phòng chống lũ, thích ứng dài hạn...

Thứ trưởng Võ Văn Hưng: Việt Nam-Senegal cùng hành động vì nền nông nghiệp xanh
Thứ trưởng Võ Văn Hưng: Việt Nam-Senegal cùng hành động vì nền nông nghiệp xanh

Thứ trưởng Võ Văn Hưng đề xuất 5 trọng tâm hợp tác Việt Nam - Senegal tại tọa đàm đối thoại chính sách song phương.

Vì sao đề tài ý nghĩa lại bị kết luận là thất bại?
Vì sao đề tài ý nghĩa lại bị kết luận là thất bại?

Hai đề tài dược liệu đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng tốt, giá trị thực tiễn cao, nhưng vẫn bị kết luận “không hoàn thành”, để lại day dứt...

Hành trình Đồng Giao
Hành trình Đồng Giao

Năng lực chế biến của DOVECO đã đạt gần 220.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu giai đoạn 2020-2025 vượt 12.000 tỷ đồng với kim ngạch xuất khẩu 436 triệu USD. Đời sống hơn 15.000 hộ nông dân liên kết ngày một nâng lên.

Nơi những giấc mơ không khép lại
Nơi những giấc mơ không khép lại

Giữa đại ngàn xứ Quảng, cây thuốc hồi sinh cùng giấc mơ giữ rừng, giữ người, giữ lấy một hy vọng chưa từng tắt trong những cuộc đời nhiều lặng lẽ.

Một đời giữ lại cho dược liệu quý
Một đời giữ lại cho dược liệu quý

Từ vùng rừng nghèo khó, cây thuốc trở thành sinh kế mới, giúp người dân giữ rừng, sống khỏe và sung túc hơn.

65 năm Bác Hồ về thăm Đồng Giao: Đi theo kim chỉ nam của Người
65 năm Bác Hồ về thăm Đồng Giao: Đi theo kim chỉ nam của Người

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nông trường quốc doanh Đồng Giao cách đây 65 năm trở thành kim chỉ nam để DOVECO đạt được những thành tựu rực rỡ hôm nay.

TS Trần Văn Đạt: Xây dựng nông nghiệp thông minh
TS Trần Văn Đạt: Xây dựng nông nghiệp thông minh

Các nước phát triển đã thực hiện những tiến bộ rất lớn trong ngành nông nghiệp. Họ trải qua nhiều thập niên để công nghiệp hóa đất nước, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng mô hình nông nghiệp chính xác, và tiên tiến trong nông nghiệp số hay nông nghiệp thông minh; trong khi Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác bị bỏ lại phía sau khá xa.

Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp
Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp

Nhiều quốc gia châu Phi đồng thuận trong việc xem OCOP là giải pháp khả thi giúp khắc phục các thách thức trong sản xuất, từ đó mở rộng chuỗi giá trị bền vững.

Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam
Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Việt Nam cam kết đồng hành cùng các quốc gia châu Phi, châu Á phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.