Đời cười & Cười đời - Câu chuyện thứ tư: Người cô đơn không rơi lệ

Lê Thiếu Nhơn - Thứ Năm, 13/04/2023 , 06:20 (GMT+7)

Lời ong đến tiếng ve cứ bủa vây, Ba Cua cố gắng không rơi lệ để chịu đựng sự cô đơn của một vĩ nhân trong bể khổ tiền tiêu không hết.

Tranh biếm của Cận.

Bài liên quan

Dạo này xôn xao nhiều chuyện quá, khiến Ba Cua lâm vào trầm cảm. Miệng thì của thiên hạ, làm sao ngăn cản. Thế nhưng, càng suy nghĩ Ba Cua càng ấm ức. Ngồi ở vị trí oai nhất làng, có dễ chút nào đâu. Ba Cua phải hy sinh bao nhiêu niềm vui riêng tư. Ba Cua thích cấy lúa, thì cấp dưới dành lấy cái cày. Ba Cua thích đào ao, thì cấp dưới đã dành lấy cái cuốc. Ba Cua thích trồng cây, thì cấp dưới cũng dành lấy luôn cái xẻng. Ba Cua là lãnh đạo, chả lẽ lại tranh phần lao động với nhân viên dưới quyền. Ba Cua phải cắn răng nhường cho họ phô diễn năng lực. Tấm lòng mênh mông của Ba Cua, có trời xanh làm chứng!

Thói thường, trên cao bao giờ cũng lắm gió. Muôn vạn khó khăn, Ba Cua gánh vác được. Rượu ngon, Ba Cua cũng uống dùm bá tánh. Món quý, Ba Cua cũng ăn dùm bá tánh. Nhà sang, Ba Cua cũng ở dùm bá tánh. Vậy mà, xã hội nhiễu nhương, lời ong đến tiếng ve cứ bủa vây, không cho Ba Cua yên tâm phụng sự cộng đồng.

Họ đồn thổi Ba Cua phê duyệt dự án khuất tất, Ba Cua không thèm chấp, vì hiểu rằng những kẻ phàm phu chẳng biết gì về kinh tế vĩ mô. Họ đồn thổi Ba Cua dùng ngân sách để nuôi bồ nhí, Ba Cua cũng không thèm chấp, vì hiểu rằng những tay thô lỗ chẳng biết gì về sứ mệnh nâng liễu hứng hoa. Tóm lại, họ đồn thổi trăm hồng nghìn tía thì Ba Cua cũng bỏ ngoài tai, vì Ba Cua luôn ý thức sâu sắc bản lĩnh của mình. Trí tuệ siêu phàm của Ba Cua, đạo đức sáng ngời của Ba Cua, văn minh tột đỉnh của Ba Cua, thì dễ gì tìm thấy tri kỷ trên cõi nhân gian bé xíu hôm nay. Ba Cua cố gắng không rơi lệ để chịu đựng sự cô đơn của một vĩ nhân trong bể khổ tiền tiêu không hết!

Tuy nhiên, khi bọn thối mồm rêu rao khắp nơi về chuyện Ba Cua bổ nhiệm người nhà vào các vị trí béo bở, thì Ba Cua không thể nhịn được. Ba Cua bổ nhiệm vợ làm chức phó cho mình ư? Ba Cua bổ nhiệm em trai làm vệ sĩ cho mình ư? Ba Cua bổ nhiệm cháu gái làm thư ký cho mình ư? Ba Cua bổ nhiệm anh em cọc chèo làm kế toán cho mình ư? Thật là lũ vu khống! Thật là lũ bố láo! Bằng chứng đâu, có cái quyết định bổ nhiệm nào do Ba Cua trực tiếp ký đâu? Tất cả đều do quần chúng chủ động tham mưu và đề xuất. Ba Cua dùng đúng nghi lễ ngày xưa, liên tục ba lần lắc đầu khước từ rồi mới gật đầu đồng ý thực hiện các kế hoạch nhân sự ấy! Thanh danh cả đời của Ba Cua không thể bị hoen ố vì thị phi này. Ba Cua quyết định cho Tư Ếch ra mặt đính chính dư luận.

Tư Ếch đã theo Ba Cua nhiều năm. Tư Ếch lau xe cho Ba Cua. Tư Ếch rót trà cho Ba Cua. Khi Ba Cua mỏi mệt, Tư Ếch đấm lưng cho Ba Cua. Khi Ba Cua nhậu say, Tư Ếch cõng Ba Cua về. Người chia sẻ trọn vẹn mọi nhiệt huyết cống hiến của Ba Cua trên đời, không ai bằng Tư Ếch. Cho nên, Ba Cua chọn Tư Ếch làm trợ lý cũng hợp lý hợp tình.

Ba Cua nói: “Chú theo anh lâu rồi, chú thừa biết anh minh bạch và trong sáng trong công tác cán bộ. Chú phải giảng giải cho đám lau nhau ngoài kia được tường tận về tư tưởng chân chính của anh trong việc miễn cưỡng để cho người nhà đảm đương nhiều công việc nặng nề ở làng ta. Chú lạ gì, bây giờ vật giá leo thang, giá xăng tăng tuần trước thì giá điện tăng tuần sau. Tài chính đang gặp khó khăn, mà mỗi cuộc họp thì lại tốn kém. Cả nhà anh đều làm lãnh đạo, thì anh không phải tổ chức cuộc họp ở cơ quan. Cuối tuần, anh gặp mặt thân mật gia đình rồi bàn bạc công vụ luôn cho thuận tiện và tiết kiệm”. Tư Ếch gật gù: “Dạ, quan điểm của anh thực sự là đột phá cải cách hành chính. Em sẽ tuyên truyền để nhân rộng mô hình ích nước lợi dân của anh”.

Trên cõi đời phàm tục có quá nhiều ô trọc này, Ba Cua chỉ tin cậy duy nhất một người ngoài dòng tộc là Tư Ếch. Chỉ cần Ba Cua gạch đầu dòng ba câu, Tư Ếch sẽ viết thành bài diễn văn dài ba trang, mà vẫn nắc nỏm: “Em vẫn chưa thể nào diễn đạt hết những phát kiến cao siêu của anh!”. Và khi Ba Cua đọc diễn văn xong, Tư Ếch đã vồn vã thán phục: “Hay quá anh ơi. Em nghe như nuốt từng chữ!”. Ba Cua nhún vai khiêm tốn: “Thì anh chỉ đọc đúng nguyên bản do chú đưa thôi!”. Tư Ếch phân tích ngay: “Đâu phải thế. Em viết chấm phẩy tùy tiện, nhưng anh ngắt chỗ nào, anh lên giọng chỗ nào khiến giá trị của nó tăng theo cấp số nhân. Nhất là cái đoạn “cần chú trọng xây dựng làng ta theo hướng hiện đại hóa, hội nhập hóa”, anh đã chém bàn tay vào khoảng không để nhấn mạnh thêm “vấn đề là chuyên nghiệp, vấn đề là đẳng cấp” mà sáng tỏ mọi chủ trương. Đấy, em theo anh nhiều năm mà vẫn không tưởng tượng được chiều kích bộ óc cao rộng của anh. Não của anh hoàn toàn vượt trội so với não của các nhà bác học”.

Tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ cũng đồn xa, Ba Cua lọt vào tầm ngắm của chiến dịch đẩy lùi tiêu cực “đả hổ diệt ruồi bắt cáo”. Dù không vướng tù tội, nhưng Ba Cua vẫn bị cho thôi chức vụ. Hội nghị cuối cùng chủ trì với tư cách trưởng làng, Ba Cua phải nhắc mấy lần thì Tư Ếch mới chịu chìa ra cái diễn văn ngắn củn. Chắc Tư Ếch đang buồn theo mình, nên không tập trung chuyên môn. Ba Cua nghĩ vậy và trịnh trọng bước lên trình bày những tâm tư gửi gắm lại cho tập thể đoàn kết vững mạnh.

Sau một tràng “kính thưa”, Ba Cua dừng lại chờ tràng pháo tay, mà thấy bốn bề không một âm thanh. Chắc họ đang tập trung để nghe nội dung chính, vì xưa nay phát biểu của Ba Cua luôn có giá trị sống còn với mọi người. Ba Cua đọc từng chữ, rõ và vang. Sao vẫn nghe vài câu xì xào bên dưới? Chắc họ đang sửng sốt vì những chỉ thị văn minh và sáng tạo của Ba Cua! Đọc xong, Ba Cua ngẩng đầu lên, sẵn sàng đón nhận sự tán thưởng nhiệt liệt. Lác đác vài người ngồi bàn đầu vỗ tay, còn các dãy ghế sau chẳng ai tỏ thái độ hào hứng.

Ba Cua về chỗ ngồi, chẳng thấy Tư Ếch nhúc nhích gì. Ba Cua quay sang khều nhẹ: “Diễn văn thế nào, chú?”. Tư Ếch như vừa thoát khỏi giấc mộng liêu trai, thảng thốt: “Ủa, anh nói xong rồi hả? Em đang bận nhắn tin chúc mừng anh Năm Tôm chuẩn bị thay vị trí trưởng làng của anh”.

Lê Thiếu Nhơn
Tags:
Tags:
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân