Đời cười & Cười đời - Câu chuyện thứ ba: Tất cả đều vươn lên tiến sĩ

Lê Thiếu Nhơn - Thứ Tư, 12/04/2023 , 06:30 (GMT+7)

Làng Siêu Phát ấp ủ bao nhiêu thiên tài giấu mặt, chỉ cần xoa tay nhẹ nhàng là cầm luôn cái bằng tiến sĩ như món trang sức phổ thông.

Tranh biếm của N.Diệp.

Bài liên quan

Rời khỏi làng Siêu Phát đã lâu, Tí Tởn chuẩn bị sẵn tâm lý chín bỏ làm mười cho lần về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Sau lũy tre làng chắc cũng cảnh cũ tình xưa, những ngôi nhà nhỏ bé và những con người lầm lũi. Thế nhưng, làng Siêu Phát bây giờ thịnh vượng ngoài sức tưởng tượng của kẻ ly hương cầu thực nặng lòng quê cha đất tổ như Tí Tởn.

Xác định mình đã nhầm to, nhưng Tí Tởn không thể nào lý giải được vì sao làng Siêu Phát lại có thể vươn lên thần kỳ như vậy. Tí Tởn quyết tâm tìm hiểu, để viết một cuốn sách ngợi ca xứ sở địa linh nhân kiệt, mà mình vinh dự được cất tiếng khóc oe oe chào nhân gian mến thương.

Quán nước đầu đình đã biến thành nhà hàng đặc sản. Những cô phục vụ chân dài tới nách vừa bưng bê vừa hát bolero, đúng mốt thời thượng văn hóa cấp tiến trên ti vi. Các bô lão tóc lóng lánh ánh bạc và túi long lanh ánh kim, đang chụm đầu bàn chuyện thời sự quốc tế trong tương quan so sánh với làng Siêu Phát. Tí Tởn rón rén đến bên các bô lão, khom lưng lễ phép xin được lắng nghe vài lời vàng ngọc để khai trí và khai giác.

Bô lão trán hói cất giọng du dương: “Làng Siêu Phát trở thành khu phố đáng sống, nhờ kiến thiết trên nền tảng kinh tế tri thức. Việc học không chỉ giúp đổi đời mà còn giúp đổi vận. Tấm gương sáng chói nhất là trưởng làng Hợm Hĩnh, chiều chiều đi đánh tennis mà vẫn lấy được bằng tiến sĩ bên Mỹ. Cứ nhiệt tình ghi danh qua mạng, cứ tích cực đóng đủ chi phí, đúng ngày đúng tháng thì học vị tiến sĩ bay nửa vòng trái đất về đến nhà. Bây giờ trí tuệ gửi vào đường truyền internet và thông qua tài khoản ngân hàng, mới là chọn lựa tối ưu!”.

Tí Tởn giật thót, ngày xưa trưởng làng Hợm Hĩnh học chung lớp với mình, đâu có tư chất gì nổi bật. Sao xoay qua xoay lại trưởng làng Hợm Hĩnh đã thành tiến sĩ nhanh thế nhỉ? Trưởng làng Hợm Hĩnh danh vọng ngất ngưởng dường kia, làm sao nghi ngờ cái học vị rực rỡ được. Chắc chắn là Tí Tởn không có đôi mắt xanh để đoán anh hùng giữa trần ai…

Bô lão kính cận nối theo câu chuyện của bô lão trán hói: “Trưởng làng Hợm Hĩnh của chúng ta đích thực chân nhân bất lộ tướng, tranh thủ lấy bằng tiến sĩ lúc mọi người đều bất ngờ. Nhờ tinh thần tích tụ tài sản để vươn lên học vị cao của trưởng làng Hợm Hĩnh, mà con gái tui cũng thành tiến sĩ. Tui hỏi mấy vị xem có ảo diệu không? Con gái tui đâu có làm tiến sĩ bình thường, mà làm tiến sĩ nghệ thuật. Con gái tui nhờ một ông thầy sân khấu hướng dẫn làm luận án về điện ảnh. Giáo sư sân khấu mà đào tạo nên tiến sĩ điện ảnh, thì có phải món quà độc đáo của tạo hóa không!”.

Bô lão râu dài đang lim dim bên chén rượu ngâm 101 loại sâm hảo hạng, bừng tỉnh chen ngang: “Thằng cháu tui còn đặc biệt hơn. Nó theo vợ nó sang Tây buôn bán ở chợ người Việt. Vậy mà chỉ sau dăm năm, đã quay về tự xưng là tiến sĩ quy hoạch địa cầu. Tầm vóc của nó lớn quá, đâu có ai kiểm tra học vị làm gì. Nó quay về phụng sự cho sự phồn vinh làng Siêu Phát, chứ nó khoe bên kia đi làm cho tụi Tây thì lương mỗi tháng hơn 100 cây vàng”.

Bô lão mũi khoằm nãy giờ im lặng, đằng hắng góp giọng: “Làng Siêu Phát đáng sống vì sức bật tri thức. Con trai tui tốt nghiệp đại học, về làng thì thất nghiệp. Không có nghề, thì đi học tiếp. Hiện tại, con trai tui đã có bằng tiến sĩ và được sắp xếp cho một chân giữ xe! Làng Siêu Phát đáng sống, chỉ có ít tên đáng khinh là những đối tượng không có bằng tiến sĩ”.

Câu chuyện đang sôi nổi thì trưởng làng Hợm Hĩnh xuất hiện. Các bô lão đồng loạt đứng dậy để nhường chỗ cho trưởng làng Hợm Hĩnh. Thế nhưng, trưởng làng Hợm Hĩnh lịch sự từ chối và chọn cái ghế nhỏ bên cạnh Tí Tởn. Vừa đặt mông, trưởng làng Hợm Hĩnh vỗ vai Tí Tởn: “Thế nào ông bạn già, đã có bằng tiến sĩ chưa?”. Tí Tởn ấp úng: “À, ừ, ờ... mình vẫn đang nằm ở dạng cử nhân thôi”.

Trưởng làng Hợm Hĩnh quát lên: “Kém thế! Công dân của làng Siêu Phát mà chưa cầm học vị tiến sĩ à? Tưởng dứt áo tha phương thì làm được chuyện gì vĩ đại lắm. Thôi, cứ về đây, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục cũng ra một loài tiến sĩ như nhau”. Tí Tởn ngượng ngùng: “Nói thật với bạn, mình tài trí tầm thường, có nằm mơ cũng không dám mơ thành tiến sĩ đâu”.

Trưởng làng Hợm Hĩnh bật cười sảng khoái, an ủi: “Ông bạn già cứ yên tâm. Làng ta bây giờ đã có chuyên gia đẳng cấp thế giới là Trạng Lười, có thể giúp đỡ bất kỳ ai trở thành tiến sĩ”. Tí Tởn hơi chột dạ: “Trạng Lười có phải là cái tên mà ngày xưa mình đặt cho cậu Ngơ Ngác cùng lớp không?”. Trưởng làng Hợm Hĩnh gật đầu: “Đúng rồi. Trạng Lười vừa nâng cấp hai ông phó của tớ lên hàng tiến sĩ đấy”.

Theo lời kể của trưởng làng Hợm Hĩnh thì Trạng Lười đã tư vấn hàng trăm luận án tiến sĩ. Tất nhiên, Trạng Lười rất lười, không động bút viết dùm luận án, nhưng gợi ý đề tài thì không chê vào đâu được. Khi thấy phó làng thường trực Nịnh Nọt bức xúc vì tệ nạn đái bậy đến mức suốt ngày dán khẩu hiệu “Cấm tiểu tiện bừa bãi”, Trạng Lười liền khuyên về làm luận án “Sự bất thường của hệ bài tiết trong đời sống công nghiệp hiện đại - Thực trạng và giải pháp”. Lập tức, phó làng thường trực Nịnh Nọt thành tiến sĩ.

Còn khi triều cường gây ngập úng khiến người dân phải dùng thùng xốp để tát nước, thấy phó làng không thường trực Xun Xoe xoắn quần chỉ đạo chống lụt, Trạng Lười bèn khuyên về làm luận án “Kỹ năng dịch chuyển hỗn hợp chất lỏng bằng vật thể rắn có kết cấu tổ ong - Cơ hội và thách thức”. Kết quả, phó làng không thường trực Xun Xoe cũng thành tiến sĩ luôn.

Tí Tởn choáng váng. Thì ra, làng Siêu Phát ấp ủ bao nhiêu thiên tài giấu mặt, chỉ cần xoa tay nhẹ nhàng là cầm luôn cái bằng tiến sĩ như món trang sức phổ thông. Nếu còn nấn ná, không khéo Tí Tởn phải ngất xỉu vì thành tựu tiến sĩ. Tí Tởn rón rén ra ngoài, bước đi khấp khểnh như một gã mộng du.

Lê Thiếu Nhơn
Tags:
Tags:
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân