Khi cả nước tưng bừng hướng về Sài Gòn – nơi kỷ niệm tròn 50 năm ngày đất nước thống nhất, tôi cũng đã từng háo hức như thế. Từng mơ ước được đặt chân vào thành phố mang tên Bác, chỉ để một lần tận mắt nhìn thấy lễ duyệt binh oai hùng, nơi khí phách dân tộc hiện lên rõ nét nhất qua từng bước chân mạnh mẽ, qua từng hàng quân nối dài trong niềm tự hào bất tận. Tôi đã từng đứng bên đường ray, ngẩng đầu dõi theo những đoàn tàu rợp sắc đỏ sao vàng, chở những người lính lên đường vào phương Nam diễn tập diễu duyệt binh chuẩn bị cho lễ kỷ niệm – và mong muốn biết bao được trở thành một phần trong đoàn quân ấy.
Nhưng rồi, giữa không khí rộn ràng và hào sảng đó, tôi lại nhớ và chỉ muốn về bên ông, người lính già mà tôi yêu thương, kính trọng. Bởi với tôi, cuộc đời ông là một phần rất quan trọng trong cuộc duyệt binh lớn lao của đất nước. Ông tuy đã già, bước chân không còn vững nhưng ông cùng với thế hệ của mình đã làm lên chiến thắng, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Ngày 30 tháng 4 này, nếu bạn đi đâu đó để vui, để nhớ, để tự hào – thì tôi, tôi chỉ muốn đi về với ông tôi. Và chuyến đi ấy, chuyến đi "về với ông", thật ra không bắt đầu từ một nhà ga cụ thể nào, và cũng không bắt đầu từ một địa danh cụ thể nào. Nó bắt đầu từ một hành trình khác – hành trình trải nghiệm.

Tác giả Coca Coca (bên phải) về thăm ông và mệ Quảng Bình.
Trong kỳ nghỉ đầu tháng Tư, tôi đã có một chuyến đi đầy bất ngờ cùng gia đình bác A3 – bác Thái Hà. Điểm đến là Khe Sanh, rồi từ đó quay về thăm Thành cổ Quảng Trị – mảnh đất lịch sử thấm đẫm máu và lửa, nơi biết bao người lính trẻ đã ngã xuống vì hai tiếng thiêng liêng: Độc lập, Tự do. Khi chuyến tàu bắt đầu lăn bánh rời ga Hà Nội, tôi mang theo trong lòng sự háo hức của một đứa trẻ yêu thích khám phá – nhưng tôi chẳng thể ngờ rằng, chính chuyến đi ấy lại lặng lẽ đánh thức trong tôi biết bao điều sâu lắng. Những điều không có trong sách vở, không thể đo bằng thời gian hay khoảng cách – mà chỉ có thể cảm nhận bằng những trải nghiệm của cảm nghĩ.
Đoàn tàu lăn bánh về vĩ tuyến 17, tôi mở lại bộ phim Mùi cỏ cháy. Dù đã từng xem, nhưng lần này, giữa khung cảnh thực tế, giữa những con đường dẫn về Quảng Trị, tôi như lặng lẽ bước cùng đoàn lính sinh viên năm ấy. Những người lính Hoàng, Thành, Thăng, Long… gác bút nghiên lên đường đánh Mỹ, và biết bao người lính trẻ khác lần lượt ngã xuống.
Tuổi đời của họ khi đó chỉ vừa đôi mươi – có thể cũng từng là những học sinh như tôi bây giờ, từng viết nhật ký vào những trang giấy học trò, từng nuôi một giấc mơ bình dị về ngày mai. Nhưng họ đã chọn đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chọn ra trận, chọn hy sinh. Tiếng "mẹ ơi" bật lên đầy đau đớn và thiêng liêng giữa dòng Thạch Hãn trong phim cứ ám ảnh, ngân mãi trong tâm trí tôi – như một lời nhắc nhở rằng tự do hôm nay được đánh đổi bằng cả máu xương và tuổi trẻ của biết bao người.
Lúc ấy, tôi lại nhớ đến một người lính khác – không phải trong phim, mà trong sách: cha của bác Phan Thúy Hà – người lính mà tôi từng đọc trong “Qua khỏi dốc là nhà”. Ông từng là sinh viên khoa Sử, từng đoạt giải Nhì Văn toàn miền Bắc, rồi rời giảng đường bước vào chiến trường. Khác với những người lính trong phim, ông sống sót trở về – để rồi tiếp tục cuộc sống thường ngày của một người nông dân chịu khó, chịu khổ và giàu tình yêu thương khiến tôi thay đổi nhiều suy nghĩ.

Thế hệ các ông đã viết nên trang sử hào hùng dân tộc Việt Nam.
Rời Thành cổ Quảng Trị, tôi trở về Lệ Thủy – trở về với ông, người lính già mà tôi thương quý. Tôi ngồi trên xe bác A3 lái, lặng lẽ nhìn qua cửa kính khi bánh xe lăn qua cầu Hiền Lương – cây cầu bắc ngang dòng sông Bến Hải. Chỉ mất vài phút. Nhưng để có được những phút giây xe bon bon ấy, thế hệ ông tôi đã phải đánh đổi bằng 21 năm chia cắt, bằng những tháng ngày kháng chiến khốc liệt, và bằng máu xương của biết bao người con đất Việt.
Dưới dòng sông tưởng chừng bình yên ấy, có biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại – để nối đôi bờ không chỉ bằng thép và xi măng, mà bằng cả lòng yêu nước, khát vọng hòa bình và thống nhất. Tôi bỗng nhận ra những khoảnh khắc mình đang sống – nhanh, nhẹ, và yên ả – thực ra được dựng xây từ những năm tháng dài dằng dặc, từ những hy sinh âm thầm mà vô cùng lớn lao của một thế hệ.
Bên dòng Kiến Giang, cờ Tổ quốc tung bay khắp ngõ xóm hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Tôi nhớ, có những buổi chiều đi chơi với ông, ông đã đưa tôi ghé thăm những người bạn của ông – những người lính năm xưa sống trong cùng xã. Mỗi căn nhà ở Lệ Thủy mà tôi đã đến, dù đơn sơ đến mấy, khi bước vào cũng đều thấy nổi bật những tấm huân chương, những tấm huân chương có sức nặng vô biên – chứng tích một thời tuổi trẻ của các ông. Người lính ngày nào giờ tóc đã bạc trắng, lưng còng đi, nhưng ánh mắt vẫn giữ nguyên vẻ cương nghị. Tôi hiểu, người hùng nào rồi cũng già đi.
Tôi lặng lẽ nhìn các ông – những người từng cầm chắc tay súng giữa lằn ranh sinh tử. Giờ đây, trong đời sống bình dị, họ mang trên mình không chỉ tuổi tác mà cả ký ức của một thời oanh liệt. Và tôi chợt hiểu: giá trị của những tấm huân chương ấy không nằm ở thứ hạng nữa.
Những đêm ông không chợp mắt vì ký ức thời chiến trỗi dậy. Ông nói chuyện, kể chuyện nhiều hơn về những ngày bom đạn ấy.
Ông mở chiếc hộp sắt đã cũ, mở ra từng bức ảnh đen trắng, từng tấm huân chương, danh sách bạn bè ông ghi trong cuốn sổ tay và nhiều kỉ vật đều được ông gìn giữ, trân trọng suốt nửa thế kỉ. Ông đưa bức ảnh đen trắng đã ố màu giới thiệu cho tôi từng người trong ảnh. Ông lặng lẽ tô lại tên của từng người bạn chiến đấu. Trải qua bao nhiêu năm, những nét chữ có thể phai đi nhưng sẽ không bao giờ mai một đi trong kí ức của ông. Tôi bảo: “Ông đọc cho con, để con gõ lại trên ipad giúp ông”. Ông gật đầu. Tên từng người được ông gọi lên – như gọi về một thời tuổi trẻ. Chiếc ipad thường ngày được tôi sử dụng với mục đích học và chơi, nhưng bây giờ, nó được làm một nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa là chép tên những người chiến sĩ đã góp phần viết nên những trang lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông lại nhắc lại một mong muốn, nhưng lần này, giọng ông đầy tha thiết như thể mong ước ấy vừa sống dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết:
"Ông có một nguyện vọng. Ông muốn đi... muốn gặp lại các ông ấy trong dịp 30/4 này. Không biết ai còn, ai mất…".
Tôi sững lại. Có những lời nói không dài dòng, không hoa mỹ, nhưng chứa đựng cả một trời ký ức, cả một thời tuổi trẻ đã gửi lại nơi chiến trường khốc liệt. Một nguyện vọng tưởng chừng bình dị, nhưng tôi cảm thấy rất thiêng liêng.
Tôi chẳng biết phải nói gì. Chỉ ngồi lặng bên ông, nghe tiếng giấy cũ khẽ sột soạt giữa kỉ vật và câu chuyện về những người bạn năm xưa, những đồng đội đã cùng ông đi qua một thời máu lửa.
Trong số những kỉ vật, ông còn có cất giữ bài thơ của người con trai Đặng Hiếu Dân tặng ông. Tôi đón bài thơ từ bàn tay già nua của ông và đọc lại cho ông nghe:
“Con biết khóm hoa trang bông đỏ
Mọc dại đồi quê ba tự tay trồng
Biết rứt từng cánh hoa trang nhỏ
Ngậm môi nghe mật ngọt hương lừng
Thưa ba cho con thăm lại vạt rừng
Chiến trường xưa nơi ba từng sinh tử
Cảm ơn loài hoa đỏ từ khi nụ
Nguỵ trang quân thù áo lính nở hoa
Cho con rẽ từng lối cỏ theo ba
Đi dọc chiến hào đạn bom dích dắc
“ Lạ một điều cả trong Nam ngoài Bắc
Có chiến hào nào không mọc hoa trang?...”
Người lính già cúi thắp một nén nhang
Bó hoa dại cháy lên ngàn que diêm nhỏ
Chiều Trường Sơn và hoàng hôn nhuốm đỏ
Núi đồi nào không phải chiến trường xưa?
Núi đồi nào không phải chiến trường xưa,
Có chiến trường nào không máu xương đồng chí?
“Thoảng, Được, Dược, Lỵ...
nơi đâu chúng mày yên nghỉ
Xin hoa thay người thắp nén nhang thơm”.
Thưa ba cho con lạy phía biên cương
Nơi đồng đội ba hóa thân màu hoa đỏ
Bốn mươi tuổi đầu thưa ba con mới rõ
Khóm trang ba trồng bật máu những hoàng hôn”.
Ông trầm ngâm nhớ về những người đồng đội của mình. Ông kể về ông Lư, ông Thái Nhẫn là đặc công rừng Sác – những người cùng huyện Lệ Thủy mà ông vẫn hay nhắc. Những người có thể giờ chỉ còn lại trong danh sách cũ. Ông nói muốn đi dự một buổi lễ nào đó dịp 30/4. Nhưng rồi ông lại thôi:
– Ông không đến dự cũng không sao… Bao nhiêu người cũng có về dự được đâu… Có chăng là linh hồn họ về dự, về ngồi với nhau cho ấm cái ngày ni thôi. Ông cũng rứa, cũng như mấy ông trong cuốn sách con gửi cho ông đó – “Đừng kể tên tôi”.
Tôi không rõ buổi lễ chung riêng ấy ở đâu. Nhưng tôi biết, trong lòng ông, lễ kỷ niệm lớn nhất là được nhớ – được sống lại một phần ký ức. Và ông yên tâm, vì “lễ kỷ niệm” đó luôn có con đây, con ngồi dự, ngồi nghe ông kể chuyện. Ông là người ông ở xa về mặt địa lý nhất, nhưng lại rất gần gũi trong lòng con. Ông mệ mỗi ngày một già và yếu đi nhiều…
Tôi không còn nghĩ về kỳ nghỉ lễ như trước. Không còn là dịp để đi đâu đó cho vui, để chụp ảnh check-in. Mà là dịp để trở về – về bên ông, bên những câu chuyện mà không cuốn sách lịch sử nào ghi đủ. Tất cả những gì tôi thấy, tôi đọc, tôi nghe – từ chiến trường Khe Sanh, từ Thành cổ Quảng Trị, từ phim, từ sách, và từ chính ông tôi – đã hòa thành một dòng cảm xúc không thể gọi tên. Những người cha, người ông không cần ghi danh, chỉ cần đất nước yên bình cho thế hệ sau.

30/4, tôi chỉ muốn về với ông mệ.
Tôi cảm thấy biết ơn với những người đã ngã xuống. Biết ơn với những người còn sống – tiếp tục sống một cuộc đời bình dị mà đẹp đẽ như ông tôi. Và đó là lý do 30/4 năm nay, tôi không đi đâu cả. Tôi chỉ muốn về với ông mệ. Chiều hôm qua, lúc đi học về, mệ điện thoại hỏi “…khi nào con vô…?” khiến lòng tôi chộn rộn, náo nức.
Coca Coca
Bên dòng sông Kiến Giang hiền hòa, mệ mỉm cười ngồi bến Đá hóng mát. Tôi khoác tay ông, chậm rãi đi qua những cánh đồng lúa đang vào độ chín vàng. Hương lúa thơm ngai ngái phảng phất trong gió, khiến bước chân tôi như nhẹ hơn, lòng cũng thênh thang kỳ lạ. Tôi cùng ông bước đi giữa khung cảnh mênh mang ấy – không vội vã, không ồn ào – chỉ có tiếng ông kể chuyện, trầm ấm vang lên như nhịp sóng khẽ vỗ vào vùng ký ức.
Nhưng rồi, giữa những bước chân tưởng như đang rong ruổi cùng ông, tôi bỗng nghe vẳng bên tai tiếng còi tàu xa vắng, tiếng người gọi nhau vội vã. Tàu xe ngoài kia vẫn nhộn nhịp, còn tôi thì đứng giữa một khoảng lặng mơ hồ. Tôi chớp mắt – và mọi thứ tan biến. Thì ra, tất cả chỉ là một giấc mơ – giấc mơ đêm qua dịu dàng mà tha thiết, nơi tôi đã được trở về bên ông, với dòng Kiến Giang hiền hòa, có tiếng kể chuyện trầm ấm vang vọng mà tôi thân thuộc từ thủa nhỏ.