LTS: Sau các tác phẩm ‘Coi đua thuyền sông Kiến Giang', ‘Đà Lạt và tuyến đường sắt răng cưa’, ‘Bên dòng Kiến Giang huyện thoại’, ‘Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano’ được đón nhận trên Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, tác giả Coca, học sinh lớp 7 - Hà Nội, tiếp tục đem đến những cảm xúc rất đặc biệt về ngày Thống nhất Tổ quốc 30/4/1975.
Tháng Tư về, mang theo những tia nắng đầu hè chan chứa mà cũng chạm vào tim người Việt Nam bằng biết bao cảm xúc khó tả. Đó không chỉ là thời khắc của cây cối phát triển, của những mùa thi sắp đến, mà còn là dịp để cả dân tộc cùng tưởng nhớ một mốc son lịch sử – ngày đất nước hoàn toàn thống nhất: 30 tháng 4 năm 1975.

Quân giải phóng cùng xe tăng tiến vào Sài Gòn trong buổi sáng ngày 30/4/1975. Ảnh tài liệu.
Chiến tranh đã lùi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng những dư âm của một thời máu lửa vẫn luôn hiện hữu trong những câu chuyện ông bà kể, trong từng thước phim tư liệu, những trang sách, hay chỉ đơn giản là lời nhắc “hồi chiến tranh…” mà chúng tôi vẫn thường nghe. Có lần đọc đến cuốn sách "Chân trần, chí thép" của Trung tá Thủy quân lục chiến Mỹ – James G. Zumwalt, tôi không khỏi xúc động. Không phải vì một giọng kể quen thuộc từ phía người Việt, mà chính bởi đây là góc nhìn từ bên kia chiến tuyến, một người lính Mỹ từng có mặt tại chiến trường Việt Nam, nay viết bằng sự cảm phục trước tinh thần quật cường của những người dân nhỏ bé trên dải đất hình chữ S.
Hình ảnh bìa sách – một chiến sĩ du kích chỉ còn một bàn tay, vẫn ôm mìn gạt hiên ngang giữa vòng vây máy bay và lính Mỹ như một biểu tượng sống động của tinh thần “chân trần, chí thép”. Tôi bắt gặp tinh thần ấy một lần nữa khi xem bộ phim Địa đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Nhân vật Tư Đạp – một người lính du kích kiêm thợ cơ khí – không chỉ gan dạ mà còn thông minh, sáng tạo. Anh tự tay tháo bom, chế mìn để đánh phá xe tăng Mỹ, bảo vệ địa đạo và đồng đội. Hình ảnh của anh Tư Đạp trong phim giống y như hình ảnh người chiến sỹ trên bìa sách “Chân trần, chí thép”.

Sách 'Chân trần, chí thép' của James G. Zumwalt
Giữa cuộc sống hiện đại hôm nay, chiến tranh đôi khi trở thành một từ quen thuộc nhưng thực sự là không gây nhiều cảm xúc đối với thế hệ gen z, gen y chúng tôi. Mỗi dịp 30/4 là những ngày chúng tôi sung sướng được nghỉ học, được đi du lịch... mà không nghĩ gì nhiều. Nhưng những câu chuyện như trong cuốn sách của James G. Zumwalt hay những bộ phim về chiến tranh đã khiến những học sinh như tôi xúc động và hiểu sâu sắc hơn rằng hòa bình hôm nay không tự nhiên mà có, mà phải đánh đổi bằng máu, nước mắt, và sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Tôi bỗng nhớ lại một chuyến đi từ thuở bé. Đầu năm 2018, khi chuẩn bị vào lớp Một, tôi được mẹ dẫn đi thăm Dinh Độc Lập, rồi ngược ra Củ Chi thăm địa đạo và một số địa danh khác. Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ, chẳng hiểu nhiều, chỉ thấy những căn hầm dưới lòng đất thật tối và lạnh, khiến tôi sợ, chỉ biết ôm chặt chân mẹ, không dám bước xuống. Nhưng giờ đây, khi đã lớn hơn, khi xem xong phim “Địa đạo”, lòng tôi bỗng thôi thúc muốn quay trở lại thăm Củ Chi và mong được lắng nghe câu chuyện của những ông bà du kích năm xưa.
Từ khi học tiểu học, tôi đã biết tới cụm từ "chiến tranh nhân dân" qua những tiết học lịch sử. Nhưng phải đến khi phim “Địa đạo” kết thúc, và phần phỏng vấn những nhân vật có thật từng sống và chiến đấu trong địa đạo Củ Chi như ông Tô Văn Đực và nhiều du kích khác được phát lên, tôi mới thật sự hiểu. Hóa ra, “chiến tranh nhân dân” không chỉ là khái niệm trong sách mà là nơi mỗi người dân là một người lính, không phải ai cũng cầm súng, nhưng ai cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc bằng cách của riêng mình.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực. Ảnh: VTC News.
Tôi đã tìm hiểu và biết, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực, sinh năm 1942 tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những chiến sĩ du kích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông được biết đến với biệt danh "cỗ máy phá tăng". Ông đã chế tạo thành công mìn gạt áp dụng để đánh chặn xe tăng địch, tiêu diệt phương tiện cơ giới của quân Mỹ. Ông chính là người tạo cảm hứng cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xây dựng thành nhân vật anh Tư Đạp trong phim “Địa đạo”.
Nhìn lại dòng lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, ta sẽ thấy rằng “lấy dân làm gốc” luôn là nguyên lý quan trọng của mọi cuộc kháng chiến. Thời nhà Trần, với tư tưởng “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, hay chủ trương “Ngụ binh ư nông” đã tạo nên những chiến thắng hiển hách, đặc biệt là ba lần chiến thắng quân Mông Nguyên. Chính “chiến tranh nhân dân” trong thời kỳ đó đã giúp chúng ta đánh bại các thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Các tác phẩm như bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” tương truyền là của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi hay “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có một điểm chung, đó là khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cả quân và dân ta trong việc bảo vệ đất nước. “Lấy dân làm gốc” – chiến tranh nhân dân chính là nền tảng vững chắc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt quân và dân ta đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Đây là chiến thắng huyền thoại, không chỉ mang ý nghĩa quân sự mà còn là chiến thắng tinh thần của một dân tộc.
Sau hiệp định Gieneva 1954, nước ta tạm chia cắt làm hai miền Nam – Bắc, toàn dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt để thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam đã phải đối mặt với một kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh hàng đầu thế giới.
Như Trung tá Mỹ James G. Zumwalt đã viết trong cuốn “Chân trần, chí thép”: “Người Mỹ dựa vào công nghệ, còn người Việt Nam dựa vào tinh thần dân tộc, vào truyền thống ngàn đời chống giặc ngoại xâm… Cuối cùng, chính chí thép ấy đã đánh bại công nghệ của siêu cường mạnh nhất thế giới”. Cuộc chiến không cân sức ấy, rốt cuộc lại là minh chứng chói lọi cho sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của ý chí con người khi được hun đúc bằng khát vọng độc lập và tự do.
Địa đạo Củ Chi trở thành một biểu tượng tiêu biểu của cuộc chiến tranh nhân dân. Địa đạo được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp và được mở rộng trở thành hệ thống phòng thủ kiên cố trong lòng địch những năm kháng chiến chống Mỹ. Các du kích nơi đây là những người nông dân không chỉ tấn công bất ngờ vào các căn cứ quân sự Mỹ mà còn trực tiếp bảo vệ an toàn cho lực lượng chiến đấu, đồng thời cung cấp hậu cần, vũ khí cho quân ta.

Hệ thống Địa đạo Củ Chi.
Năm 1967, quân đội Mỹ triển khai chiến dịch lớn mang tên Cedar Falls nhằm phá hủy hệ thống Địa đạo Củ Chi và tiêu diệt lực lượng du kích đang bám trụ tại vùng đất thép này. Quân Mỹ có trực thăng, xe tăng, vũ khí hiện đại, còn du kích Việt Nam chỉ có những khẩu súng tự chế, mìn gạt thủ công, hoặc thậm chí không có vũ khí mà phải tự mình mày mò chế tạo từ vật liệu thu nhặt được.
Trong bối cảnh khốc liệt ấy, bộ phim “Địa đạo” đã tái hiện sinh động hình ảnh 21 chiến sĩ du kích với sự chỉ huy của Bảy Theo tại căn cứ Bình An Đông – những người nhận nhiệm vụ đặc biệt: bám trụ, chiến đấu, bảo vệ từng mét địa đạo. Họ phải đối mặt với những trận càn, bom đạn rải thảm và cả chiến thuật “lính chuột cống” – những người lính Mỹ được huấn luyện để bò vào địa đạo tiêu diệt du kích. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn kiên cường chiến đấu, vừa đánh vừa luyện tập bám đất, giữ làng.
Chiếc B40 đan bằng tre xuất hiện nhiều lần, súng được vẽ mô phỏng tỉ mỉ trên mặt bàn, không chỉ là đạo cụ cho các du kích luyện tập mà còn là hình ảnh ẩn dụ sâu sắc cho khát khao cháy bỏng có được vũ khí thật để chiến đấu. Một chi tiết khác cũng khiến người xem nghẹt thở là khi anh Tư Đạp cưa bom, tháo kíp nổ – hành động liều lĩnh và cực kỳ nguy hiểm. Từ quả bom chết chóc, anh lấy được nguyên liệu để chế tạo mìn gạt, vũ khí giúp đối phó với xe tăng Mỹ. Đó là minh chứng cho trí tuệ của người nông dân cầm súng, cho khả năng biến phế liệu thành vũ khí, biến bất lợi thành sức mạnh, của một dân tộc lấy nhỏ thắng lớn.

Phim 'Địa đạo' ra rạp , kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình thống nhất.
Chiến tranh nhân dân trong phim “Địa đạo” không chỉ là sự góp sức của già trẻ gái trai, mà còn là sự cộng hưởng kỳ diệu giữa con người và môi trường sống. Khi lòng đất cũng biết căm thù giặc ngoại xâm. Khi con rắn, rễ cây... và cả con tắc kè cũng cùng đồng lòng “ra trận”, thì dù quân địch có mạnh đến đâu cũng phải chờn bước. Đó chính là sự khác biệt trong kháng chiến của người Việt Nam.
Trong cuộc chiến không cân sức giữa bom đạn hiện đại của Mỹ và vũ khí thô sơ, tự chế của Việt Nam, yếu tố quyết định thắng lợi nằm ở ý chí con người. Trung tá Thủy quân lục chiến James G. Zumwalt – đã phải thốt lên: “Người Mỹ dựa vào công nghệ, còn người Việt Nam dựa vào tinh thần dân tộc”. Và chính tinh thần ấy – chân trần nhưng chí thép đã làm nên lịch sử.
Chúng tôi biết ơn thế hệ đi trước - những người đã bám trụ trong lòng đất chật hẹp để chiến đấu giành độc lập dân tộc cho thế hệ hôm nay được sống và học tập trong bầu trời hòa bình để tự tin bước vào một kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Coca Coca