100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Tuy Hòa - Thứ Sáu, 16/05/2025 , 17:40 (GMT+7)

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Nhà văn Đoàn Giỏi (1925-2025) qua nét vẽ của Nguyễn Đình Phúc.

Nhà văn Đoàn Giỏi, tên thật Đoàn Văn Hòa, sinh ngày 17/5/1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Em ruột của nhà văn Đoàn Giỏi là bà Đoàn Thị Tuyết nói về gia cảnh họ: “Hồi đó ông bà nội tôi là hội đồng, giàu có nhứt nhì xứ này. Không biết đất đai ông bà được bao nhiêu nhưng hễ con trai có vợ là được chia liền 100 mẫu (khoảng 120ha), còn con gái có chồng được hồi môn 60 mẫu (hơn 70ha). Với số đất đai được chia ấy, anh em chúng tôi không cần phải động tay động chân vẫn mặc sức thừa hưởng. Anh Đoàn Giỏi là con thứ tư, trên ảnh là một anh trai và hai chị gái, nhưng vì người anh trai Đoàn Văn Hai mất từ nhỏ nên anh năm được tấn lên hàng trai trưởng là “quyền huynh thế phụ”, có quyền lớn nhất trong nhà. Thế nhưng anh Đoàn Giỏi đã không an phận để thụ hưởng”.

Sau khi học tại trường Collège ở My Tho và trường Petrus Ký ở Sài Gòn, nhà văn Đoàn Giỏi bắt đầu rời mái ấm đi theo cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Đoàn Giỏi công tác ở Sở Thông tin Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc tại Nhà xuất bản Văn Hóa và tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước tuổi 30, nhà văn Đoàn Giỏi đã có một số tác phẩm viết ở chiến trường Nam bộ như kịch thơ “Người Nam thà chết không hàng”, kịch thơ “Chiến sĩ Tháp Mười”, bút ký “Những dòng máu Nam Kỳ”, tập truyện “Đường về gia hương” và tập thơ “Giữ vững niềm tin”.

Sau tuổi 30, nhà văn Đoàn Giỏi tiếp tục sáng tác tại Hà Nội một số tác phẩm khác như truyện ký “Trần Văn Ơn”, truyện ký “Ngọn tầm vông”, truyện dài “Cá bống mú”, truyện dài “Hoa hướng dương”, truyện dài “Cuộc truy tầm kho báu”...

Danh tác "Đất rừng phương Nam".

Tác phẩm nổi bật những ngày nhà văn Đoàn Giỏi sống và viết ở miền Bắc là truyện dài “Đất rừng phương Nam”. Để chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 1957, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt hàng nhà văn Đoàn Giỏi viết một cuốn sách về thiếu nhi Nam bộ. Nhà văn Đoàn Giỏi đã dành một tháng để hoàn thành truyện dài “Đất rừng phương Nam” có độ dày 100 trang, gồm 10 chương. Đến năm 1966, nhà văn Đoàn Giỏi viết thêm 10 chương nữa cho “Đất rừng phương Nam”.

Dù năm 1982, nhà văn Đoàn Giỏi có chỉnh sửa chút ít, thì truyện dài “Đất rừng phương Nam” vẫn giữ nguyên 20 chương ổn định tận hôm nay. Chương 1: Xóm chợ nhỏ một vùng quê xa lạ. Chương 2: Trong tửu quán. Chương 3: Ông lão bán rắn. Chương 4: Đêm kinh khủng. Chương 5: Ôn lại ngày cũ. Chương 6: Bước đầu cuộc sống lưu lạc. Chương 7: Gia đình bố nuôi tôi. Chương 8: Đi câu rắn. Chương 9: Đi lấy mật. Chương 10: Trong lều người đàn ông cô độc giữa rừng. Chương 11: Rừng cháy. Chương 12: Chạm trán với hổ. Chương 13: Cái chết của Võ Tòng. Chương 14: Mũi tên thù. Chương 15: Phường săn cá sấu. Chương 16: Qua Sóc Miên. Chương 17: Sân chim. Chương 18: Rừng đước Cà Mau. Chương 19: Du kích trong rừng. Chương 20: Lên đường chiến đấu.

Hơn nửa thế kỷ qua, “Đất rừng phương Nam” đã được in hàng chục vạn bản, giúp công chúng hình dung một không gian sinh động: “Trên vùng rừng U Minh bạt ngàn, khi trời tối, người ta nghe tiếng hú của cọp, tiếng kêu xé rừng của chim cú, như lời nhắn nhủ của tổ tiên đất phương Nam còn hiện diện đâu đây”.

Truyện dài "Hoa hướng dương".

Lúc sinh thời, nhà văn Ðoàn Giỏi bày tỏ: “Không phải người U Minh chỉ đặt ra cốc rượu phải uống chia đôi mà cục đường, trái ớt, con cá, củ khoai... nhất nhất đều chia đôi. Họ bảo rằng đó là tục lệ cha ông thời mở đất với muôn ngàn khó khăn gian khổ, nhưng cùng nhau đoàn kết yêu thương, cho nên ngọt bùi cùng hưởng, cay đắng cùng chia, bây giờ, việc ấy trở thành tập tính của họ”.

Và vùng U Minh ấy, được ông kiến tạo một vẻ đẹp đầy chất sử thi: “Tía nuôi tôi thả trôi theo nước như vậy, có khi hàng hai ba giờ liền. Bao giờ ông cũng phải uống một tô nước mắm cốt, để trầm dưới nước lâu không nhiễm lạnh. Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mang chỉ lấp lóe "ánh đèn thiêng" và đôi mắt sáng ngời của tía nuôi tôi. Đang trôi xuôi, cả người ông bỗng bị xô lùi lại bởi một luồng nước tống lại cực mạnh. Nghe khì...ì... một tiếng, rồi một cái bườu trắng to cái bát trừng lên. Con cá sấu nổi lên, há họng thè lưỡi liếm mỡ cháy trong cây đèn”.

Đất nước thống nhất, nhà văn Đoàn Giỏi định cư ở TP.HCM. Những năm tuổi già, ông tập trung viết chuyên khảo, mà tác phẩm tiêu biểu phải kể đến là “Những chuyện lạ về cá”. Nhà văn Đoàn Giỏi được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Truyện dài "Cá bống mú".

Nói về sự nghiệp văn chương Đoàn Giỏi, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) đánh giá: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam Bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam Bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”. Tương tự, nhà văn Anh Đức (1935-2014) biểu dương: “Với một đời văn trên bốn mươi năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ, đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc. Văn của nhà văn Đoàn Giỏi vừa mang chất trữ tình lại vừa mang tính chất lạ kỳ, sôi động”.

Tác phẩm được tái bản nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi, một lần nữa giới mộ điệu càng nhận rõ thêm tình yêu mà ông dành cho Nam bộ: “Càng đổ về hướng Mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá... Từ khi qua Chà Là, Cái Keo... rồi bỏ con sông Bảy Háp xuôi thuyền trôi theo dòng... Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn”.

Tuy Hòa
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân