Sáng 20/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra số đánh giá về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH). Báo cáo khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời chỉ rõ những vấn đề cần được làm rõ và hoàn thiện để bảo đảm hiệu quả, tránh sơ hở, trục lợi chính sách.

Quốc hội nghe báo cáo dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội sáng 20/5. Ảnh: Quochoi.vn.
Thống nhất về sự cần thiết, nhưng cần thận trọng với chính sách mới
Ủy ban PLTP đồng thuận với các lập luận trong Tờ trình của Chính phủ, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về NOXH ngày càng cao. Ủy ban cũng ủng hộ việc trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Tuy nhiên, UBPLTP lưu ý rằng dự thảo lần này bổ sung ba chính sách mới so với Kết luận của Bộ Chính trị, vì vậy cần có báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để bảo đảm tính hợp pháp và thống nhất trong triển khai.
Đáng chú ý, UBPLTP đánh giá các chính sách đề xuất đều là những đột phá lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến nguồn lực nhà nước và các chủ thể trong xã hội. Dù đây là những bước đi cần thiết, song Ủy ban cảnh báo nguy cơ bị lợi dụng, gây thất thoát, tham nhũng, tiêu cực nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Do đó, kiến nghị cần bổ sung cơ chế phòng ngừa rủi ro, đảm bảo việc xây dựng và phát triển NOXH thực sự hiệu quả, minh bạch, đúng mục tiêu.
Ủng hộ thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia nhưng cần làm rõ vai trò, cơ chế tài chính
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở T.Ư và địa phương, được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, quỹ hình thành nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Các khu nhà ở xã hội sắp được xây dựng phục vụ nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mua, thuê. Ảnh minh hoạ.
Quỹ sẽ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Lý giải cho đề xuất này, Chính phủ cho biết hiện chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.
Liên quan đến đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia (Điều 4), UBPLTP bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí xác định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị làm rõ chức năng "đầu tư xây dựng" của Quỹ để tránh hiểu lầm rằng Quỹ sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án NOXH.
Ngoài ra, do Quỹ hướng đến đối tượng rất rộng, toàn bộ người lao động trong xã hội. Do đó, UBPLTP đề nghị cần xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa theo đúng tinh thần Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư.
Cơ chế giao chủ đầu tư không qua đấu thầu: Cần minh bạch, chặt chẽ
Về quy định tại Điều 5 về việc giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, UBPLTP cơ bản tán thành. Tuy nhiên, Ủy ban lưu ý nội dung này cần được rà soát kỹ để phân biệt rõ giữa dự án sử dụng và không sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm phù hợp với từng loại hình dự án.
Đặc biệt, UBPLTP cho rằng cần làm rõ đối tượng áp dụng (NOXH và nhà ở cho lực lượng vũ trang), đồng thời bổ sung đầy đủ các điều kiện giao chủ đầu tư và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm tính công bằng, minh bạch, hạn chế lợi ích nhóm.
Đề nghị cân nhắc kỹ chính sách hoàn trả tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư
Một nội dung gây nhiều tranh luận là quy định tại Điều 11 về việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư nếu họ có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận chuyển nhượng đất. UBPLTP cho rằng chính sách này có thể ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước, trong khi chưa có đánh giá tác động đầy đủ và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban đề nghị nếu tiếp tục giữ nội dung này, cần quy định rõ thời điểm hoàn trả tốt nhất là sau khi chủ đầu tư hoàn thành dự án nhằm phòng ngừa rủi ro, tránh tình trạng dự án không đạt yêu cầu nhưng ngân sách nhà nước đã bị chi trả trước.
UBPLTP khẳng định việc ban hành Nghị quyết là cần thiết và có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển NOXH, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, hỗ trợ người dân, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động từ việc sáp nhập đơn vị hành chính.
Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả, UBPLTP kiến nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định, bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Cụ thể, với dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép giao chủ đầu tư mà không cần đấu thầu.
Các tiêu chí ưu tiên lựa chọn chủ đầu tư gồm: có chức năng kinh doanh bất động sản; đảm bảo về dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu; có đủ vốn chủ sở hữu theo quy định; đồng thời có kinh nghiệm và năng lực tài chính phù hợp.
Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn nhiều thủ tục như lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; không phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật.
Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng.