![]() |
Sóng thần đã ập vào Tongatapu, hòn đảo lớn nhất của Tonga. Ảnh: CNN |
OCHA tuyên bố, đảo Mango đã phát tín hiệu cầu cứu. Theo số liệu điều tra dân số của Tonga, hòn đào này hiện có hơn 30 người sinh sống. Ba ngày sau khi vụ phun trào núi lửa xảy ra, hầu hết các đường dây liên lạc của quần đảo Thái Bình Dương đã bị chia cắt, làm gián đoạn thông tin liên lạc trong khu vực.
OCHA lo ngại rằng liên lạc hạn chế sẽ gây cản trở việc đánh giá tác động của vụ phun trào núi lửa và sóng thần, đồng thời người dân Tonga cũng có nguy cơ đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước uống và cây trồng và nhu cầu về nguồn cung cấp nước sinh hoạt an toàn.
Trao đổi với Radio New Zealand, bà Jenny Salesa, thành viên Quốc hội New Zealand thuộc khu vực bầu cử có đông người dân Tonga cho biết: "Hiện chưa có thông tin chính xác về tình trạng sức khỏe hay mất tích của các thành viên gia đình ở Tonga. Về cơ bản, tình trạng thiếu thông tin liên lạc đang gây lo lắng cho những người thân ở New Zealand. Mọi người đều đang cầu nguyện cho người dân Tonga".
Sóng thần đã gây thiệt hại nặng nề tại các bãi biển phía Tây hòn đảo chính Tongatapu của Tonga. Ngoài ra, 2 người đã mất tích, một số khu nghỉ dưỡng và nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng.
Mặc dù chưa có thông báo chi tiết về những trường hợp mất tích, nhưng anh trai của một phụ nữ người Anh bị sóng thần cuốn trôi cho biết thi thể của em gái họ đã được tìm thấy. Nạn nhân là bà Angela Glover, 50 tuổi, quốc tịch Anh, sinh sống cùng chồng ở Tonga và điều hành một tổ chức từ thiện phúc lợi động vật, cung cấp nơi ở cho những chú chó hoang. Bà đã thiệt mạng khi cố gắng giải cứu những chú chó này.
Ngày 17/1, Lực lượng không quân New Zealand và Australia đã tiến hành các chuyến bay khảo sát trên bầu trời Tonga và đang chuẩn bị các chuyến bay tiếp theo để vận chuyển hàng hóa cứu trợ khẩn cấp đến quốc gia này.