Yêu cầu cao về kiểm dịch
Vừa qua, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y với sản phẩm tổ yến.
Văn bản này không chỉ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động xuất khẩu tổ yến mà còn thể hiện sự cam kết song phương trong việc thúc đẩy thương mại bền vững đối với một mặt hàng có giá trị cao và tiêu chuẩn kỹ thuật đặc biệt nghiêm ngặt.

Dây chuyền sản xuất tổ yến. Ảnh: TTXVN.
Tổ yến là một trong những mặt hàng có giá trị kinh tế cao bậc nhất của Việt Nam, với giá trị thương mại lên đến hàng nghìn USD mỗi kilogram trên thị trường quốc tế. Trong giai đoạn 2022 - 2023, dù chưa chính thức mở cửa chính ngạch, tổng kim ngạch xuất khẩu tổ yến của Việt Nam đã đạt khoảng 300 triệu USD/năm, chủ yếu thông qua hình thức tiểu ngạch và xuất khẩu không chính thức.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hơn 300 tấn tổ yến mỗi năm, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu toàn cầu, từ lâu được xem là thị trường chiến lược. Tuy nhiên, do yêu cầu chặt chẽ về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, việc đưa sản phẩm này vào Trung Quốc theo đường chính ngạch luôn là một thử thách với doah nghiệp.
Việt Nam chính thức xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 11/2023, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho kênh thương mại chính ngạch. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng kênh này, doanh nghiệp vẫn cần một hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn, nhằm chuẩn bị đầy đủ năng lực tổ chức, kỹ thuật để xuất khẩu bền vững.
Nghị định thư vừa ký đã giải quyết vấn đề này. Theo đó, chỉ các cơ sở nuôi chim yến, sơ chế tổ yến thô và chế biến tổ yến sạch đã được phía Trung Quốc phê duyệt, đăng ký mã số mới được phép tham gia chuỗi xuất khẩu chính ngạch. Sản phẩm chỉ hợp lệ nếu được sản xuất sau thời điểm đăng ký. Quy định này nhằm bảo đảm rằng toàn bộ quá trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt và có thể truy xuất nguồn gốc đầy đủ.
Đặc biệt, tổ yến - dù là thô hay đã làm sạch - đều phải được xử lý nhiệt ở nhiệt độ tâm sản phẩm không thấp hơn 70 độ C trong ít nhất 3,6 giây, để loại trừ nguy cơ tồn tại virus cúm gia cầm và bệnh Newcastle. Đây là điều kiện bắt buộc, và mỗi lô hàng xuất khẩu đều phải đi kèm Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp, với nội dung thể hiện rõ các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, quy trình xử lý, điều kiện vệ sinh và tình trạng dịch bệnh.
Không dừng lại ở yêu cầu kiểm dịch, Nghị định thư cũng quy định chặt chẽ về hệ thống truy xuất nguồn gốc, vốn là yếu tố then chốt trong thương mại nông sản hiện đại. Các cơ sở nuôi yến phải tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hàng năm, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với virus cúm gia cầm và Newcastle, đồng thời lưu giữ đầy đủ hồ sơ để gửi báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý phía Trung Quốc. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là cách để xây dựng niềm tin lâu dài từ thị trường nhập khẩu.

Lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn hồi tháng 11/2023. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong khi đó, bao bì và nhãn mác sản phẩm, vốn bị coi nhẹ ở nhiều khâu xuất khẩu trước đây, lại là điểm có thể dẫn đến việc bị từ chối thông quan nếu không tuân thủ đúng quy định.
Theo Nghị định thư, sản phẩm tổ yến phải được đóng gói bằng vật liệu mới, đảm bảo vệ sinh, niêm phong chặt chẽ. Thông tin ghi trên bao bì phải có đủ hai ngôn ngữ: tiếng Trung và tiếng Anh, thể hiện rõ mã số đăng ký nhà yến, cơ sở chế biến, tên sản phẩm, trọng lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản. Riêng đối với tổ yến thô, bao bì phải ghi rõ dòng chữ “Chỉ dùng cho chế biến, không được bán lẻ”.
Nghị định thư cũng xác lập cơ chế phối hợp trong giám sát, thanh tra và xử lý sự cố. Trong trường hợp phía Trung Quốc phát hiện lô hàng vi phạm quy định, họ có quyền yêu cầu trả lại hoặc tiêu hủy, đồng thời yêu cầu Việt Nam xác minh nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục. Nếu các cơ sở vi phạm không sửa chữa kịp thời và hiệu quả, hoạt động xuất khẩu có thể bị đình chỉ.
Ngược lại, trong trường hợp có rủi ro phát sinh từ phía Việt Nam - như dịch bệnh bùng phát hoặc vi phạm quy định an toàn thực phẩm - Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm chủ động thông báo cho GACC trong vòng 24 giờ, đồng thời có thể tạm ngừng xuất khẩu sản phẩm có liên quan.

Tổ yến được xem là mũi nhọn xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong tương lai gần. Ảnh: NNVN.
Gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp rõ ràng cần chủ động rà soát lại toàn bộ chuỗi sản xuất và xuất khẩu của mình. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện kỹ thuật là không thể thương lượng. Các cơ sở chưa được cấp mã số cần sớm phối hợp với cơ quan chức năng để hoàn tất hồ sơ đăng ký. Những doanh nghiệp đã có mã số nhưng chưa xuất khẩu cần rà soát lại năng lực xử lý nhiệt, hệ thống truy xuất, quy trình giám sát dịch bệnh và kiểm soát tồn dư hóa chất. Việc thiếu sót dù nhỏ cũng có thể khiến các lô hàng bị từ chối thông quan.
Điều đáng ghi nhận ở Nghị định thư ký tháng 4/2025 là việc thống nhất biểu mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch, đơn giản hóa quy trình cập nhật hồ sơ và thiết lập cơ chế giám sát từ xa (qua hình thức kiểm tra video) giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm áp lực về thủ tục hành chính. Những điều chỉnh này được dự báo là có ý nghĩa thực tiễn lớn trong việc gỡ bỏ các điểm nghẽn mà doanh nghiệp từng gặp phải trong giai đoạn đầu triển khai xuất khẩu chính ngạch.
Với tiềm năng lớn từ thị trường Trung Quốc và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao đối với các sản phẩm từ tổ yến, Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ nếu biết nắm bắt thời cơ và tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, chuẩn hóa và truy xuất được.
Những yêu cầu cao, chặt chẽ từ phía Trung Quốc không phải là rào cản mà là tiêu chuẩn thị trường. Một khi đáp ứng tốt, doanh nghiệp không chỉ giữ được thị phần mà còn có thể mở rộng sang các thị trường từ lâu được xem là khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước Trung Đông.
Tổ yến là mặt hàng giàu tiềm năng nhưng không dành cho lối làm ăn chụp giật, thiếu chuẩn mực. Nếu doanh nghiệp có thể đồng hành với cơ quan quản lý, tuân thủ chặt chẽ các quy định đã được hai bên thống nhất, tổ yến Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định được vị thế tại thị trường Trung Quốc và vươn xa hơn trong tương lai.