Chiều tối 27/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm liên quan đến chủ trương xây dựng trường học cho các xã biên giới.
Cùng dự họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Trước đó, ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo kết luận số 81 về chủ trương đầu tư xây dựng trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học, trung học cơ sở tại 248 xã biên giới đất liền trên cả nước. Giai đoạn đầu sẽ thí điểm xây mới hoặc cải tạo 100 trường trong năm 2025, chậm nhất hoàn thành trước lễ khai giảng năm học mới. Đây sẽ là mô hình mẫu để triển khai diện rộng, hướng tới hoàn thiện toàn bộ 248 trường trong vòng 2–3 năm tới.
Các trường sẽ được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô trường lớp, điều kiện sinh hoạt, học tập, rèn luyện và tuyệt đối an toàn. Chủ trương này được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ người dân tộc tại chỗ, đồng thời góp phần củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 22 tỉnh, thành phố có biên giới đất liền với tổng số 248 xã biên giới. Tại đây, có 956 trường phổ thông, phục vụ hơn 625.000 học sinh. Tuy nhiên, trong số hơn 332.000 học sinh có nhu cầu học nội trú hoặc bán trú, mới có gần 59.000 em đang học tại 22 trường phổ thông dân tộc nội trú và 160 trường phổ thông dân tộc bán trú. Như vậy, còn khoảng 273.000 học sinh chiếm 43,7% tổng số học sinh, chưa được đáp ứng nhu cầu học tập tại các trường nội trú hoặc bán trú.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo các trường tại 248 xã biên giới từ năm 2025 đến 2027, với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, phục vụ nhu cầu học tập và sinh hoạt cho cả học sinh và giáo viên. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Trung ương, kết hợp ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.
Bộ cũng kiến nghị hoàn thiện các chính sách để học sinh vùng biên được hưởng đầy đủ chế độ nội trú, bán trú phù hợp với điều kiện địa hình khó khăn, đồng thời có cơ chế bố trí giáo viên, đảm bảo duy trì hoạt động của trường học và chế độ cho giáo viên trong điều kiện mới.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là quyết sách lớn, quan trọng, cần tổ chức triển khai khẩn trương, hiệu quả và có ý nghĩa sâu sắc. Thủ tướng chỉ đạo triển khai chiến dịch xây dựng 100 trường tại 100 xã biên giới đất liền với tinh thần thần tốc, táo bạo, phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 30/8/2026. Sau giai đoạn thí điểm, sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng, không cầu toàn, không nóng vội, nhưng quyết tâm hoàn thành toàn bộ chương trình.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chương trình này, trình ban hành trước ngày 10/8. Nghị quyết cần quy định rõ các cơ chế, chính sách linh hoạt như hình thức đấu thầu, chỉ định thầu, giao việc.
UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quy hoạch, xác định địa điểm xây dựng trường với diện tích từ 5–10 ha, đảm bảo hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông thuận lợi, đồng thời vận động người dân hiến đất.

Thủ tướng yêu cầu triển khai chiến dịch xây dựng 100 trường tại 100 xã biên giới đất liền, chậm nhất tới 30/8/2026 phải hoàn thành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ Xây dựng được giao thiết kế mẫu trường học theo hướng mở, phù hợp với đặc điểm vùng miền, điều kiện tự nhiên, đảm bảo công năng, khả năng ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia của quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Nguồn lực Nhà nước là chủ yếu, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí, huy động nguồn vốn; đồng thời vận động người dân hiến đất, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tham gia đóng góp với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của”.
“Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phân công công việc theo nguyên tắc “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền. Trong quá trình triển khai cần thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.