Kể từ khi thành lập Trung tâm Văn hoá doanh nhân đến nay, có tới 700 người đã đến làm việc và công tác với Lê Lựu nhưng bây giờ trụ lại nơi đây được mấy người? Nghe giám đốc Lê Lựu nói mà xót xa. Nhà văn cười trong nước mắt.
Ông bảo, từ khi ốm vẫn thế, muốn cười mà lại khóc, mình không làm chủ được mình nữa rồi, trách gì kẻ sĩ cũng phải dứt áo ra đi, cũng vì chuyện cơm gạo bạc tiền mà thôi, thời loạn mà. "À, đấy là anh đang nói về cái “Thời loạn” tiểu thuyết của anh mới xuất bản đầu năm nay. Anh tặng em “Cô bé rang cơm" cho "Mở rừng" ở Trường Sơn nhé".
Thế là tôi có tiểu thuyết “Thời loạn” của nhà văn Lê Lựu.
Lâu lắm rồi tôi không có hứng thú đọc tiểu thuyết, nhưng tôi đã đọc “Thời loạn” một mạch. “Thời loạn” cuốn hút tôi bởi sự thành đạt và nổi tiếng của nữ doanh nhân có cái tên là Lẫm Liệt. Con đường thăng tiến, sự nghiệp của nàng, đọc rồi nổi gai ốc. Con đường ấy, “vốn tự có" ấy cứ dắt dẫn nữ chủ nhân thăng tiến, mà chỉ trong giới doanh nhân mới hiểu.
Hành trình trên chặng đường văn hóa doanh nhân 8 năm, vui buồn, đủ cả. Ông đau đớn nhận ra, chân dung một số người cộng sự của mình, với cái vỏ là doanh nghiệp - doanh nhân, nhân phẩm của họ thế nào? Cứ đọc “Thời loạn” của Lê Lựu thì rõ. Đằng sau cái vẻ bên ngoài hòa nhoáng, bằng cấp, tiền của của những doanh nhân như Lẫm Liệt, hay anh em nhà Mai Hu trong “Thời loạn”, Lê Lựu vẽ ra chân dung ấy, có phải vì ông là người thông minh nên nhận ra nhân phẩm doanh nhân thời loạn là thế?
Ông bảo, dù sao cũng phải cảm ơn người nguyên mẫu trong chân dung nữ doanh nghiệp Lẫm Liệt, để ông có thêm một ánh mắt về doanh nghiệp - doanh nhân, trong ánh hào quang màu hồng của họ xưa nay và để ông có một nhân vật nữ doanh nhân doanh nghiệp đương thời trong tiểu thuyết “Thời loạn”. Nếu như nhà văn đã phải cảm ơn cái con người là nguyên mẫu ấy, thì đọc “Thời loạn” lại phải cảm ơn nhà văn, trước hết là cảm ơn một người lính dũng cảm, dẫu sức khỏe yếu, trí thông minh giảm sút do bệnh tật tuổi già, ông vẫn dũng cảm hơn người, minh mẫn hơn người, để cho đời một tác phẩm “Thời loạn”, nói về giới doanh nghiệp doanh nhân, ở đó có những con sâu đang làm rầu nồi canh. Để giúp chúng ta nhận ra những con sâu đó sớm loại bỏ cho đời.
Ông nói: “Tôi không thể không viết khi xung quanh thói vô đạo đức, sự tan rã những nếp sống và hiện tượng con người coi thường luân lý đang ngày một nhiều thêm. Tiểu thuyết “Thời loạn” của tôi ra đời như thế đó, nó mỏng thôi, chỉ 132 trang và chưa phải là tiếng nói đại diện phản ánh những vấn đề xã hội thời điểm này, nó cũng báo động một cách sống của một bộ phận loạn về đạo đức, loạn về luật lệ. Tôi hy vọng vào những người viết có tâm, họ sẽ dành thời gian, sẽ phản ánh được điều cần thiết đó trong văn chương. Nhà văn mà còn không dám nói, dám viết, thì còn ai dám nói dám viết nữa?"