Từ chối "cò đất
Mới đây, trong một lần tìm hiểu thực tế để tác nghiệp, tôi nghe được câu chuyện kể lại việc đi làm thủ tục đất đai ở Yên Bái của một người dân khiến tôi liên tưởng đến tấm biển kia.

Thái độ của cán bộ, nhân viên là yếu tố đầu tiên quyết định tiến độ hoàn thành chất lượng công việc. Ảnh: Thanh Ngà.
Hôm đó, trên tay cũng ôm tập hồ sơ giấy tờ chờ đến lượt như ai, tôi ngồi vào hàng ghế dành cho khách đến làm việc. Ngồi đối diện là một người phụ nữ tầm tuổi tôi, chị chủ động bắt chuyện với người bên cạnh.
Qua câu chuyện của người phụ nữ, tôi được biết, sau bao năm chắt chiu, dành dụm từng đồng, rồi nhờ sự đỡ đần của hai bên gia đình nội ngoại, vợ chồng chị cũng mạnh dạn vay mượn thêm, mua được một mảnh đất nho nhỏ giữa lòng thành phố Yên Bái.
Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán, chị được người quen giới thiệu cho một “cò đất” chuyên nhận làm giấy tờ liên quan đến đất đai, nhận “thầu” thủ tục sang tên sổ đỏ với mức "bồi dưỡng" 4 triệu đồng. Phần đắn đo vì tiếc tiền, phần vì sợ mất tiền mà hỏng việc nên chị từ chối việc “giúp đỡ” này.

Nhiều thông điệp tích cực tại hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Ngà.
Cuối cùng, chị ấy tìm hiểu kỹ hơn và quyết định tự mình ra bộ phận một cửa của thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) để làm thủ tục. Điều bất ngờ là mọi thứ diễn ra thuận lợi hơn hình dung khiến chị vừa ngạc nhiên xen lẫn vui mừng: “Không nghĩ ra đây lại được hướng dẫn tận tình và làm việc đúng hẹn như vậy. Trước giờ ai cũng bảo mấy thủ tục này rắc rối lắm”…
Thái độ của nhân viên là yếu tố quyết định tiến độ công việc
Tôi mang câu chuyện này trao đổi lại với anh Bùi Bằng Đoàn, Trưởng phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Yên Bái). Anh Đoàn nghe xong chậm rãi nói: “Giờ mọi thứ thay đổi nhiều rồi, thứ nhất là tất cả các thủ tục của chúng tôi đều được quản lý bằng hệ thống máy tính, từng ngày, từng giờ đều được theo dõi rất chặt chẽ; thứ hai là hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai vẫn có câu “Thái độ hơn trình độ”, thái độ đối với công việc của nhân viên là yếu tố đầu tiên quyết định tiến độ hoàn thành”.

Các thủ tục đều được quản lý bằng hệ thống máy tính, từng ngày, từng giờ đều được theo dõi rất chặt chẽ. Ảnh: Thanh Ngà.
Nói rõ hơn về công cụ giám sát thái độ, anh Đoàn cho biết, ví dụ quy định về thay đổi quyền sử dụng đất là 7 ngày, còn thay đổi thông tin về người sử dụng đất chỉ 5 ngày là xong…Văn phòng quản lý nhân viên bằng hệ thống tài khoản cá nhân. Cán bộ nào không hoàn thành đúng thời hạn sẽ bị hệ thống đánh dấu là quá hạn, tài khoản cá nhân giải quyết hồ sơ của viên chức sẽ bị báo đỏ. Khi bị báo đỏ, cán bộ không chỉ phải giải trình lý do chậm trễ mà còn phải gửi thư xin lỗi đến người dân.
Chính vì vậy mà cán bộ văn phòng, các chi nhánh không chỉ “lăn ra” làm việc mà còn phải sắp xếp công việc một cách rất khoa học để rút ngắn thời gian hoàn thành. Thế nhưng với lượng hồ sơ như hiện tại vẫn là một thử thách đối với cán bộ, nhân viên. Với tinh thần làm hết việc chứ không hết giờ, nhiều hôm 19 - 20 giờ tối mà đèn trong phòng làm việc vẫn còn sáng, từng người vẫn cặm cụi bên máy tính, bên đống hồ sơ chưa hoàn tất. “Các cô còn bảo với tôi, tối ngủ cũng mơ thấy thủ tục sắp hết hạn mà giật mình tỉnh giấc”, anh Đoàn chia sẻ.

Các cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Yên Bái thường xuyên làm việc đến 19 - 20 giờ tối để kịp thời gian hoàn thành công việc. Ảnh: Thanh Ngà.
Cũng trong chuyến công tác hồi tháng 2 đầu năm, tôi được nghe kể về trường hợp anh Nguyễn Xuân Vỹ - cán bộ đo đạc của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Yên Bái. Chiều hôm đó, anh Vỹ hoàn tất công tác đo đạc ngoài thực địa về, nhưng khi lồng ghép kết quả lên bản đồ thì lại không khớp với thực tế. Không ngủ được vì sự sai số ấy, trong khi đèn trên hệ thống gần báo đỏ, vì vậy, 2 giờ sáng, anh Vỹ quyết định vác máy ra hiện trường khu đất để kiểm tra lại.
Việc của mình, mình không làm thì ai làm
“Thái độ hơn trình độ” rõ ràng đang làm thay đổi về chất kết quả hoàn thành nhiệm vụ tại hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Yên Bái. Tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Bình, cùng với “Thái độ hơn trình độ”, một số thông điệp tích cực đang là động lực nâng chất lượng hoàn thành công việc của cán bộ nhân viên và tăng mức độ hài lòng của người dân.
Đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Bình, ấn tượng đầu tiên là không gian nơi đây, ở các khu vực dễ nhận biết đều treo những khẩu hiệu rất ý nghĩa: “Làm hết việc chứ không hết giờ”, “Thái độ hơn trình độ”, “Kỷ luật là sức mạnh”, “Làm việc có tâm ắt có tầm”. Những thông điệp này không chỉ nằm trên tường mà đã "ăn" vào thái độ, phương pháp, phong cách, tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên Chi nhánh, tạo nên một tập thể nghiêm túc, trách nhiệm.

Tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Bình được treo những khẩu hiệu rất ý nghĩa. Ảnh: Thanh Ngà.
Trao đổi với chị Lê Mai Phương, cán bộ của chi nhánh, chị cho biết: “Với tôi, làm hết việc chứ không hết giờ không phải là khẩu hiệu suông vì đó là khối lượng công việc thuộc trách nhiệm của mình, mình không làm thì ai làm. Tôi thường đến cơ quan sớm hơn giờ làm việc 1 tiếng đồng hồ. Đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất, tập trung nhất, và cũng là lúc tôi có thể xử lý hồ sơ nhanh nhất cho người dân”.
Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, nhân viên tích cực, hết mình, đâu đó vẫn còn những câu chuyện khiến người dân chưa thực sự yên tâm, thậm chí có phần nản lòng. Như câu chuyện về việc xin chuyển mục đích sử dụng đất, có trường hợp người dân đã nộp đủ tiền, hoàn tất mọi giấy tờ, nhưng hồ sơ lại chậm chuyển lên cấp tỉnh.
Hay có những thủ tục hành chính phải trải qua nhiều bước và có những phát sinh như yêu cầu thu thập thêm hồ sơ để xác định tính xác thực của thửa đất, việc thu thập thêm hồ sơ cần thêm thời gian để xử lý. Tuy nhiên, có trường hợp nhân viên tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chưa giải thích cặn kẽ khiến người dân không nắm rõ quy trình, cứ thấy chờ lâu là nghĩ ngay đến chuyện bị gây khó dễ. Chính từ sự chậm cập nhật thông tin, tương tác hạn chế với người dân mà nảy sinh hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cả một tập thể những người đang ngày đêm cố gắng cải thiện chất lượng phục vụ.
Về điều này, ông Tạ Văn Bình, xã Tân Hương, huyện Yên Bình cho biết: “Những sự việc như thế tuy không phải phổ biến, nhưng mỗi lần xảy ra đều để lại trong lòng người dân sự nghi ngại, đôi khi là mất niềm tin. Để khẳng định được niềm tin trong dân, rất cần một sự thay đổi đồng bộ, toàn diện, từ thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm đến cả cơ chế vận hành minh bạch, rõ ràng trong từng bước xử lý hồ sơ”.

Khi người dân được hướng dẫn tận tình, khi hồ sơ được giải quyết đúng hẹn, khi nụ cười và sự chân thành hiện diện nơi công sở, thì cũng là lúc tư tưởng "thủ tục hành chính là rào cản" dần biến mất trong dân. Ảnh: Thanh Ngà.
Và chính từ những quan điểm nhận thức ấy, từ những nỗ lực âm thầm của mỗi cán bộ, nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai Yên Bái, từng chút một đang góp phần tháo gỡ vướng mắc, dần cởi bỏ những định kiến lâu nay của người dân về sự rườm rà, khó khăn của thủ tục hành chính. Khi người dân được hướng dẫn tận tình, khi hồ sơ được giải quyết đúng hẹn, khi nụ cười và sự chân thành hiện diện nơi công sở, thì cũng là lúc tư tưởng "thủ tục hành chính là rào cản" dần biến mất trong dân.
Kỳ vọng một ngày không xa, những băn khoăn của người dân khi bước chân vào cơ quan công quyền sẽ được hoàn toàn thay bằng sự tin tưởng, an tâm, bởi từ thực tiễn, người dân biết rằng họ đang được phục vụ bằng sự tận tâm, minh bạch và trách nhiệm.