Tin ở đất, đất không phụ người
Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa, vườn nho của anh Tạ Hữu Tình trồng trên đảo hồ Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái) sẽ bước vào vụ chín rộ. Với người đã dốc trọn bầu tâm huyết và tình yêu vào vườn nho như anh Tình thì 20 ngày với anh thật dài. Anh chỉ mong trong quãng thời gian ấy, mưa sẽ thuận, gió sẽ hòa để những chùm nho được an toàn, thu dưỡng đầy đủ nguồn năng lượng từ thiên nhiên và con người mang lại, cho trái đẫy, chất lượng cao.

Những chùm nho đang dần chuyển màu, trĩu quả dưới nắng sớm, báo hiệu một mùa thu hoạch đang đến rất gần. Ảnh: Thanh Ngà.
Nằm giữa đảo hồ Thác Bà, thuộc thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, trên diện tích 6.000m², vườn nho được anh Tạ Hữu Tình đồng sức gây dựng nay đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch thứ hai. Gần 3.000 gốc nho Hạ đen và nho Mẫu đơn trồng từ năm 2023, đến nay đã bắt đầu cho những chùm quả sai trĩu trịt, không khí trong vườn bỗng trở nên nhộn nhịp hơn khi mùa thu hoạch cận kề.

Anh Tạ Hữu Tình đưa gần 3.000 gốc nho Hạ đen và Mẫu đơn trồng thành công trên đảo hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Ngà.
Đưa tay nâng nhẹ những chùm nho căng mọng dưới nắng sớm, anh Tình không giấu được ánh mắt vui. Anh nói, mỗi gốc nho là một phần tâm huyết, là kết quả của bao ngày tháng vất vả, khi một mình lặng lẽ học hỏi, thử nghiệm, cải tạo đất đai và đánh vật với khí hậu, thời tiết. “Nơi này trước kia chỉ có keo, quế và cây lâm nghiệp. Đất có lúc trắng ra vì nhược chất. Nhưng tôi luôn tin đất không phụ người có lòng, cây cũng biết lắng nghe người chăm chút nó” anh chia sẻ.
Chăm cây như chăm những đứa con
Ý tưởng trồng nho đến với anh Tình sau một lần tình cờ tham quan mô hình trồng nho tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Từ chuyến đi ấy, anh bắt đầu nghiên cứu và quyết định đưa giống nho Mẫu đơn Hàn Quốc (còn gọi là nho sữa) và nho Hạ đen về trồng thử nghiệm trên đảo hồ Thác Bà.
“Tôi không cho phép mình xuề xòa trước việc “di cư” về một môi trường mới của cây nho. Ngay thời gian đầu, sau khi cảm thấy nho có thể thích ứng được với khí hậu, thổ nhưỡng, tôi đã dự tính thiết kế cho nho một ngôi nhà tươm tất”, anh Tình cho biết.

Giống nho Hạ đen tròn, không hạt, khi chín có màu tím thẫm, vỏ mỏng, thịt dày, vị ngọt đậm và mùi thơm dịu. Ảnh: Thanh Ngà.
Nói là làm. Trong quá trình canh tác, anh Tình áp dụng mô hình trồng nho công nghệ cao bằng cách trồng trong nhà màng (hệ thống mái che). Phương pháp này giúp kiểm soát tốt các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, đồng thời hạn chế tác động của sâu bệnh, côn trùng, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Những ngày đầu, người nông dân chăm cây như chăm những đứa con thơ. Để có thêm kiến thức, anh đọc sách, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn chăm sóc nho. Từ sự “chăm bẵm” ấy, cây nho sinh trưởng khỏe, cho quả đều, kích thước to, vị ngọt, màu sắc đẹp và vỏ bóng. So với trồng ngoài trời, năng suất tăng khoảng 30-50% do hạn chế sâu bệnh tấn công và khả năng đậu quả cao hơn.
Vụ đầu tiên năm ngoái, anh thu được hơn 1 tạ quả. Năm nay, với số lượng quả nhiều và chất lượng tốt hơn, anh dự kiến thu được trên 1 tấn. Với giá bán trung bình khoảng 150.000 đồng/kg, vườn nho có thể mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Trung bình mỗi năm có thể thu hoạch hai vụ, vào khoảng tháng 5 và tháng 8.
Nhưng đối với anh Tình, giá trị lớn nhất không nằm ở con số, mà là niềm vui khi thấy từng gốc nho bén rễ, từng chùm quả lớn lên từng ngày từ chính bàn tay mình vun đắp.
“Khi nhìn thấy màu xanh lan dần trên giàn, tôi cảm nhận như đất này đang hồi sinh, đang trò chuyện với tôi. Trồng cây không chỉ là công việc, mà là hành trình gắn bó, thấu hiểu và sẻ chia,” anh tâm sự. Mỗi lần trời đổ mưa, hay những hôm sương muối, anh lại thấp thỏm không yên như lo cho một đứa con thơ. Cái tình với đất, với cây ấy chính là động lực để anh không ngừng học hỏi, vượt qua mọi khó khăn.

Quá trình chăm sóc nho yêu cầu khá tỉ mỉ. Ảnh: Thanh Ngà.
Anh hiểu cái nết của cây để ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất đúng quy trình. Nào là khi cây phát triển được khoảng 7 lá thì bắt đầu tạo tán, cắt ngọn và sử dụng thuốc để hạn chế việc cây ra mầm. Nào là sau khoảng 20 ngày phải tiếp tục tạo tán lần nữa. Anh bấm tay, cười hồn nhiên như “kể xấu” đứa con của mình. “Mà chưa hết đâu, quy trình này được lặp lại liên tục trong vòng 3 tháng để giúp thân cây phát triển đủ chiều dài trước khi bước vào giai đoạn nuôi quả”.
Khi cây bắt đầu ra quả, việc cắt tỉa lại càng quan trọng. Những cành yếu, chồi nách sẽ được loại bỏ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Khi quả ra dày, phải chọn lọc, tỉa bớt những quả nhỏ, giữ lại số lượng vừa phải để đảm bảo chất lượng. Mỗi chùm thường chỉ để lại khoảng 60 đến 70 quả để quả phát triển đều và đẹp.
Những “người đẹp” không cô đơn
Cây không chỉ cho trái, cây còn cho con người vẻ đẹp để chiêm ngắm. Với quan niệm yêu thương ấy, ông chủ vườn đã hướng đến việc kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm. Vườn nho của anh giờ đây không chỉ là nơi lao động, mà đã trở thành điểm đến cho những người yêu thiên nhiên, muốn tìm về cảm giác bình yên giữa lòng hồ mênh mông.

Nho Mẫu đơn Hàn Quốc (còn gọi là nho sữa) phát triển rất tốt trên vùng đất này. Ảnh: Thanh Ngà.
Vào mùa quả chín, khách có thể đến tham quan, tận tay hái nho, thưởng thức những chùm nho tươi ngay tại vườn và tìm hiểu quy trình chăm sóc loại cây trồng đặc biệt này. Với cảnh quan xanh mát, khí hậu trong lành, những hàng nho gốc thẳng thớm, nhánh mềm mại như những nghệ sĩ múa, tán xanh ngát và trĩu quả, tạo nên không gian siêu cute để chụp ảnh check in, thư giãn và tận hưởng cảm giác yên bình giữa thiên nhiên.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, anh Tình còn hướng đến việc kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm. Ảnh: Thanh Ngà.
Rồi như sợ giàn nho đứng một mình thì cô đơn nên anh Tình đã gọi về những cherry, hoa và cây cảnh cho nho có bầu có bạn. Anh đầu tư thêm các khu vực vườn cho từng loại, hoặc xen canh, đầu tư khu nuôi cá kết hợp nhà nổi trên mặt hồ, bể bơi. Một không gian nhà sàn để nghỉ ngơi và sinh hoạt cộng đồng cũng đồng thời trình diện, vừa là điểm nhấn lại rất hài hòa với cảnh quan sẵn có của đảo hồ Thác Bà, mang đến cảm giác gần gũi, mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn.
Anh Tình kể, có những đoàn khách ở xa khi đến đây xúc động chia sẻ, họ tìm thấy sự kết nối với thiên nhiên, thấy lại những ký ức tuổi thơ gắn liền với mảnh vườn, với cỏ cây. Chính sự hồi sinh của đất đai và sự chuyển mình của vùng hồ đã giúp anh hiểu sâu sắc hơn: “Khi con người biết trân quý tự nhiên, đất sẽ cho lại quả ngọt không chỉ bằng sản vật, mà bằng cả những giá trị tinh thần sâu sắc”.

Để mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hơn, anh Tình đã đầu tư xây dựng thêm các khu vườn cherry, vườn hoa và cây cảnh, khu nuôi cá kết hợp nhà nổi trên mặt hồ, bể bơi, cùng với nhà sàn để nghỉ ngơi và sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Thanh Ngà.
Từ một vuông đảo nhỏ giữa lòng hồ Thác Bà, giờ đây, anh Tình đã tạo nên một câu chuyện đẹp về tình yêu đất, yêu cây, về niềm tin và khát vọng làm nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ thiên nhiên và phát triển cộng đồng. Một mô hình nông nghiệp không chỉ làm giàu cho người trồng mà còn làm giàu cho cả tâm hồn người đến.