Theo Công văn số 84/SPS-BNNMT gửi từ Văn phòng SPS Việt Nam, 7 quốc gia Ả Rập gồm UAE, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê-út và Yemen đồng loạt đề xuất bổ sung 988 mức MRL áp dụng cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Danh sách này liên quan trực tiếp đến 97 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), với phạm vi bao phủ hàng trăm sản phẩm nông sản như gạo, cà phê, xoài, đậu nành, trà, tiêu, cà chua, dưa chuột, hành, khoai tây, sữa, trứng, thịt gia súc gia cầm, cùng nhiều loại dầu thực vật và gia vị khác.

Nhiều hoạt chất thuốc BVTV được thị trường Ả Rập đề xuất ở mức rất thấp. Ảnh: minh họa.
Đánh giá sơ bộ của Văn phòng SPS Việt Nam, các sản phẩm nằm trong danh mục bổ sung MRL đều là những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang khu vực Trung Đông.
"Việc các quốc gia Ả Rập nâng cao quy chuẩn an toàn thực phẩm đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Nếu không kịp thời cập nhật, rà soát và điều chỉnh quy trình sản xuất, cũng như giám sát dư lượng tồn dư trong sản phẩm, nguy cơ hàng Việt vướng rào cản kỹ thuật có thể xảy ra", TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh.
Trong nhóm các hoạt chất thay đổi mức MRL, đáng chú ý có nhiều hoạt chất đã và đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam trong canh tác nông nghiệp.
Nay các quốc gia Ả Rập đề xuất thiết lập mức MRL rất thấp, thậm chí tiệm cận ngưỡng giới hạn định lượng (LOD), đồng nghĩa với yêu cầu “không phát hiện dư lượng”. Điều này đòi hỏi các đơn vị sản xuất, thu mua và chế biến phải sớm thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng thuốc BVTV, hướng tới các biện pháp canh tác an toàn hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Lãnh đạo Văn phòng SPS VIệt Nam lưu ý thêm 3 hoạt chất nữa, là Spinetoram trên thanh long, Pyriproxyfen trên xoài và Metalaxyl-M với hồ tiêu.
Thanh long là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực Trung Đông, đặc biệt nhờ vào sự chấp nhận của thị trường Halal. Tuy nhiên, hoạt chất Spinetoram (thuốc trừ sâu sinh học) được áp mức MRL chỉ 0,5 mg/kg. Đây là giới hạn rất chặt bởi nhiều người dân vẫn dùng hoạt chất này để xử lý bọ trĩ.
Với mức MRL đề xuất cho Pyriproxyfen chỉ 0,02 mg/kg, có thể coi thị trường Ả Rập gần như cấm sử dụng hoạt chất thường dùng để kiểm soát rầy mềm, rệp vừng trên xoài - mặt hàng có tiềm năng mở rộng mạnh tại UAE và Qatar trong 2 năm qua.
Cuối cùng là Metalaxyl-M, hoạt chất sử dụng để phòng nấm, chống bệnh chết nhanh trên hồ tiêu. Dù mức MRL là 2 mg/kg, với cả tiêu đen và tiêu trắng, người dân vẫn phải cẩn trọng, xét nghiệm dư lượng định kỳ bởi hồ tiêu rất được các nước Ả Rập ưa chuộng.
"Việc các nước nhập khẩu siết chặt các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) đang trở thành xu hướng tất yếu. Nếu doanh nghiệp và địa phương không nâng cao nhận thức và phối hợp hành động cùng hệ thống quản lý nhà nước, nguy cơ mất thị trường không chỉ còn là cảnh báo", ông Nam nhấn mạnh.
Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Halal, đặc biệt là khối GCC (Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh). Việc thích ứng với các quy định mới như bộ MRL này thể hiện sự chuyên nghiệp, trách nhiệm và cam kết minh bạch của chuỗi cung ứng Việt Nam.
Thông tin thay đổi mức MRL của thị trường Ả Rập được Văn phòng SPS Việt Nam gửi tới các cơ quan liên quan như: Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Các đề xuất, góp ý cần gửi về Văn phòng trước ngày 10/6 để tổng hợp, trước khi gửi lên Ban thư ký Ủy ban SPS-WTO theo quy trình tham vấn quốc tế.