| Hotline: 0983.970.780

Thể thao Việt Nam mất thế mạnh ở các môn võ

Thứ Hai 26/07/2021 , 15:09 (GMT+7)

Từng có thời, Việt Nam độc tôn khu vực Đông Nam Á về các môn võ như Wushu, Taekwondo, Boxing, cho tới cả Pencak Silat, vốn có nguồn có gốc từ Indonesia.

Panipak giành tấm HCV Olympic lịch sử cho Taekwondo Thái Lan. Ảnh: IOC.

Panipak giành tấm HCV Olympic lịch sử cho Taekwondo Thái Lan. Ảnh: IOC.

Những mốc son chói lọi của thể thao Việt Nam gắn liền với các môn võ, cụ thể là Teakwondo. Tại Asiad 1994, Trần Quang Hạ mang về tấm HCV đầu tiên trong lịch sử. 6 năm sau, tại Olympic Sydney, tới lượt Trần Hiếu Ngân lập kỳ tích với tấm HCB.

Các môn võ nói chung và Taekwondo nói riêng từng là niềm tự hào của thể thao Việt Nam, được xem là mỏ vàng ở các kỳ SEA Games. Ngoài lý do về quan hệ cá nhân của ông Trương Ngọc Để, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, còn nằm ở cách tổ chức bài bản. Hàng năm, ngoài giải vô địch quốc gia, những giải Taekwondo quốc tế được tổ chức thường xuyên, và là nơi rèn giũa các VĐV trẻ chất lượng cho đội tuyển.

Khi ấy, các quốc gia khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia nhìn sang chúng ta với ánh mắt thèm thuồng. Đã có lúc, họ phải xin suất mời để dự những giải giao hữu này, với thành tích khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, Taekwondo Việt Nam có dấu hiệu ngủ quên trong chiến thắng. Hơn 20 năm từ lúc Trần Hiếu Ngân đoạt HCB ở Sydney, bài toán ai sẽ giành vàng chưa có đáp án trả lời. Ngược lại, Thái Lan, dù đi sau chúng ta, đã vượt lên trước khi Panipak Wongpattanakit đoạt HCV Olympic lịch sử ở hạng 49kg dành cho nữ. Đáng nói hơn, trên đường đến ngôi số một, Panipak đã hạ một võ sĩ rất mạnh của Việt Nam là Trương Thị Kim Tuyền.

Thực tế, những lo ngại đã nảy ra từ trước, tại SEA Games 29. Lúc ấy, Việt Nam mất 2 HCV ở các trận chung kết trước người Thái. Tại Olympic Tokyo năm nay, thất bại của Kim Tuyền một lần nữa chứng minh, chúng ta đang làm thiếu bài bản. Trong khi Panipak càng đánh càng hay, chắc chân trong từng cú ghi điểm, thì Kim Tuyền lộ dấu hiệu luống cuống ở cuối trận, thậm chí đưa ánh mắt cầu cứu về phía ban huấn luyện.

Theo Siam Sport, tấm HCV Olympic của Panipak không phải đến một cách tự nhiên. Cô là VĐV đầu tư trọng điểm của thể thao xứ Chùa vàng, được sang Nhật Bản bằng vé hạng thương gia nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 - chế độ cao hơn so với vé thường của các VĐV khác. Trong quá trình chuẩn bị, ban huấn luyện Taekwondo Thái Lan nghiên cứu kỹ cả 7 đối thủ ở vòng tứ kết. Ngoài Kim Tuyền, họ còn nghiên cứu rất kỹ VĐV Nhật Bản Miyu Yamada để thắng thuyết phục 34-12.

HCV Olympic là mơ ước của bất kỳ VĐV nào trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, có vẻ như giấc mơ ấy đang được thực hiện hời hợt. Nó thể hiện qua cách thi đấu của đô cử Thạch Kim Tuấn. Anh thất bại trong cả 3 lần cử đẩy ở hạng 61kg, không có thành tích tổng cử, trong khi nếu giữ nguyên thành tích ở SEA Games 30, VĐV này có thể giành HCB. Đây là lần thứ hai Kim Tuấn bị như vậy, sau lần bước hụt tại Olympic Rio 2016.

Trước Kim Tuấn, những niềm hy vọng khác như Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Tiến Minh cũng đều thi đấu dưới kỳ vọng. Đó không phải là sự ngẫu nhiên, bởi ngành thể thao vốn đặt mục tiêu 20 suất dự Olympic, nhưng rốt cuộc chỉ có 18 vé, trong đó có nhiều vé mời.

Xem thêm
Phát hiện nhiều hiện vật cổ từ thời Trần và thời Nguyễn

Hà Giang Bảo tàng tỉnh Hà Giang vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực nền chùa Ba Tự, huyện Bắc Mê, trên diện tích 80m2.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng đón 50.000 lượt du khách dịp lễ 30/4

Chiều 17/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.