Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, hạn hán nghiêm trọng ở Syria năm nay có thể khiến khoảng 75% vụ lúa mì địa phương mất mùa, đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người. Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Toni Ettel, đại diện FAO tại Syria cho biết, dự báo năm nay Syria sẽ thiếu hụt 2,7 triệu tấn lúa mì, ảnh hưởng khoảng 16,3 triệu người.

FAO cho biết, hạn hán nghiêm trọng ở Syria năm nay có thể khiến khoảng 75% vụ lúa mì địa phương mất mùa. Ảnh: Middle East Online.
Dưới thời cựu Tổng thống Bashar al-Assad, Damascus, thủ đô của Syria phụ thuộc vào việc nhập khẩu lúa mì từ Nga để hỗ trợ chương trình trợ cấp bánh mì trong những đợt hạn hán trước đây.
Những người trồng lúa mì như ông Asaad Ezzeldin, 45 tuổi, đã chứng kiến mùa màng thất bát do hạn hán. Điều này càng gây áp lực lên ngành nông nghiệp vốn đã gặp khó khăn do giao tranh và pháo kích dữ dội trong suốt 13 năm nội chiến Syria. Ông dẫn chứng, nền nông nghiệp ở vùng nông thôn phía Bắc Aleppo đã bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới, khu vực này không có mưa.
Trong một thông báo bất ngờ vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria. Washington DC có thể sẽ bắt đầu nới lỏng các lệnh trừng phạt trong những tuần tới. Trong bối cảnh đó, ông Ettel cho biết nguồn tài chính có thể phục hồi ngành nông nghiệp, hỗ trợ các công nghệ rất cần thiết cho việc cải tạo thủy lợi và cơ sở hạ tầng.
Với khó khăn trong việc nhập khẩu lúa mì và nhiên liệu, chính phủ mới của Syria đã vận động dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong nhiều năm vốn đã cô lập nền kinh tế của Syria và khiến nước này phụ thuộc vào Nga và Iran.
Ngày 20/5, Trưởng bộ phận chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas cho biết, bà hy vọng các bộ trưởng sẽ đạt được thỏa thuận về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của EU đối với Syria. EU đã nới lỏng các lệnh trừng phạt liên quan đến năng lượng, giao thông vận tải và tái thiết, cũng như các giao dịch tài chính liên quan, nhưng một số ý kiến cho rằng điều này là không đủ để hỗ trợ quá trình chuyển tiếp chính trị và phục hồi kinh tế của nước này.