| Hotline: 0983.970.780

Sơn La yêu cầu lắp camera giám sát khu vực khoáng sản chưa khai thác

Thứ Tư 09/04/2025 , 20:14 (GMT+7)

Sơn La giao huyện Mường La khẩn trương lắp camera an ninh tại khu vực khoáng sản chưa khai thác; phân công cán bộ trực, giám sát, truyền hình ảnh dữ liệu về huyện, xã.

Ngày 9/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Đặng Ngọc Hậu cùng đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiểm tra thực địa việc đề nghị xác nhận sử dụng mặt nước của Công ty cổ phần cá tầm Sơn La và công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Mường La.

70.000m2 mặt nước cho nuôi cá tầm

Dự án Nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La do Công ty cổ phần cá tầm Sơn La là chủ đầu tư, triển khai tại xã Mường Trai, huyện Mường La với tổng vốn đầu tư khoảng 296 tỷ đồng; quy mô hàng năm khoảng 90-95 tấn cá tươi, 150 tấn cá cấp đông và 23 tấn trứng cá đen.

Đoàn công tác kiểm tra hiện trạng khu vực mặt nước nuôi cá tầm. Ảnh: Nguyễn Nga.

Đoàn công tác kiểm tra hiện trạng khu vực mặt nước nuôi cá tầm. Ảnh: Nguyễn Nga.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã kiểm tra hiện trạng khu vực mặt nước được dùng để nuôi cá tầm của đơn vị. Qua đó, xác định vị trí sử dụng mặt nước tại bản Lả Búng, xã Mường Trai, huyện Mường La. Nguồn nước sử dụng từ suối Nậm Mu, phụ lưu thuộc hệ thống sông Đà. Mục đích sử dụng cho nuôi trồng thủy sản, trên tổng diện tích mặt nước là 70.000m2; thời gian sử dụng mặt nước là 24h/ngày, 365 ngày/năm.

Trên cơ sở buổi kiểm tra, ông Đặng Ngọc Hậu đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, cấp Giấy xác nhận đăng ký sử dụng mặt nước cho Công ty cổ phần cá tầm Sơn La đảm bảo theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023, Nghị định 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần cá tầm Sơn La sử dụng mặt nước theo đúng cam kết, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa, chất lượng nguồn nước, nhiệm vụ phòng, chống lũ, cấp nước cho hạ du của đập, hồ chứa thủy điện Sơn La; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Đoàn công tác họp với huyện Mường La về công tác quản lý khoáng sản tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Nga.

Đoàn công tác họp với huyện Mường La về công tác quản lý khoáng sản tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Nga.

Lắp camera tại khu vực có khoáng sản

Theo báo cáo của UBND huyện Mường La, trên địa bàn huyện hiện có 9 vị trí quy hoạch mỏ cát, đá, sỏi. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép cho 4 đơn vị hoạt động khai thác cát, đá, sỏi làm VLXD thông thường.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Ngay từ đầu năm nay, UBND huyện đã tổ chức ký kết giao ước thi đua về tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp xã với UBND cấp huyện trong quản lý, bảo vệ khoáng sản, trong đó, căn cứ vào mức độ các vụ việc vi phạm sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nếu để xảy ra khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép.

Chỉ đạo các xã tổ chức ký cam kết với từng hộ dân không thực hiện khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép. Bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ tại các xã phối hợp kiểm tra, giám sát việc khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Tuy nhiên, do đặc thù địa hình huyện có nhiều sông, suối, nơi được bồi đắp trữ lượng cát, sỏi làm VLXD thông thường nhiều dẫn đến còn tình trạng một số đối tượng lợi dụng vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp giáp với các huyện khác hoặc đêm tối để khai thác, vận chuyển cát trái phép.  

UBND huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm về đất đai, khoáng sản. Tổ chức đẩy đuổi các đối tượng khai thác trái phép, thu giữ các tang vật phục vụ hành vi vi phạm. Huyện Mường La đề nghị UBND tỉnh giao Công an tỉnh tăng cường lực lượng nắm bắt địa bàn; sớm bổ sung vào quy hoạch các điểm mỏ mới phát hiện để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện, xã tập trung cao cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, khoáng sản. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; giám sát việc triển khai ký cam kết về quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường giữa huyện với xã, giữa xã với bản, giữa bản với hộ gia đình, cá nhân. Khẩn trương lắp camera an ninh tại khu vực có khoáng sản chưa khai thác, phân công cán bộ trực, truyền hình ảnh dữ liệu về huyện, xã.

Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn huyện Mường La xử lý vi phạm về đất đai, khoáng sản. Đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản với những điểm mỏ chưa được hoạch định, cấp phép. Nghiên cứu, đề xuất với Cục viễn thám để sử dụng ảnh viễn thám nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản chưa khai thác. Tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước về khoáng sản; hoàn thành trước ngày 15/4/2025.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo công an xã hỗ trợ các địa phương phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an ninh trật tự, hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Tăng cường lực lượng bám nắm địa bàn có khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa khai thác.

Xem thêm
Đề xuất dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa ĐBSCL để đào hồ trữ nước

Kiên Giang Nếu dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ, có thể tích trữ được 1,1 - 1,82 tỷ m3 nước, giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn.

Nghiên cứu sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo ngày 2/4.