
Lượng lớn rác thải ứ đọng tại xi phông thuộc hệ thống kênh Nam do Công ty Thủy nông Ninh Thuận quản lý. Ảnh: Phương Chi.
Anh Huỳnh Văn Ánh, cụm trưởng cụm thủy nông Phước Thái - Phước Hữu thuộc Trạm Thủy nông Ninh Phước (Công ty Thủy nông Ninh Thuận) cho biết, nước tại các công trình thủy lợi không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ sinh hoạt cho người dân, cấp nước uống cho gia súc và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Ví như tại đoạn kênh chính Nam do cụm phụ trách quản lý có 3 nhà máy nước sạch nông thôn lấy nước từ kênh này để xử lý và cấp cho người dân sinh hoạt.
Việc xả rác xuống kênh mương đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuyên môn. “Đáng lẽ chúng tôi dùng thời gian để đi điều tiết nước, vận hành các cống, đi kiểm tra để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng bây giờ các công việc đó phải dừng lại để tập trung xử lý lượng rác thải hàng ngày dưới kênh mương”, ông Huỳnh Văn Ánh nói.

Rác thải sinh hoạt đe dọa hệ thống kênh mương thủy lợi ở Ninh Thuận. Ảnh: Phương Chi.
Đặc biệt, rác thải sinh hoạt, nhất là xác gia súc, gia cầm chết, nội tạng gia súc vứt xuống kênh mương ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng nước, không tốt cho sức khỏe người dân cũng như cho sản xuất nông nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Ông Phùng Đình Thanh, Phó Giám đốc Công ty Thủy nông Ninh Thuận cho biết, trước nạn rác thải xả xuống kênh mương, trong nhiều năm qua công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức để không vứt rác xuống kênh mương. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức được tác hại của vấn đề này, do đó công ty phải phân công người lao động túc trực tại các công trình đầu mối, các xi phông, cống lấy nước để vớt rác và điều tiết đảm bảo đủ nguồn nước cho sản xuất.

Rác thải sinh hoạt phủ kín đoạn kênh dài hơn 10m. Ảnh: Phương Chi.
“Điều quan trọng nhất là công tác thu gom rác thải tại vùng nông thôn phải được triển khai mạnh. Hiện nay hầu hết các thôn, xã, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã có nhân viên thu gom rác thải sinh hoạt của người dân, tuy nhiên ở một số địa phương nông thôn có khi 1 tuần nhân viên chỉ thu gom rác 2 lần. Chính vì vậy rác sinh hoạt không được thu gom liên tục, nếu để trong nhà sẽ bốc mùi hôi thối nên người dân vứt xuống dòng kênh mương”, ông Phùng Đình Thanh nói và cho biết, công ty đề nghị nhân viên vệ sinh môi trường tăng tần suất thu gom rác mỗi tuần ít nhất 3 lần, như vậy mới giảm được tình trạng vứt rác xuống kênh mương.
Bên cạnh đó, để hạn chế người dân vứt rác xuống kênh mương, công ty đề nghị các địa phương đã lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các đường làng, ngõ xóm phối hợp với công ty lập danh sách hộ dân vứt rác xuống kênh mương để xử phạt theo quy định tại Nghị định 03 ngày 6/1/2022 của Chính phủ về vi phạm các công trình thủy lợi trong phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Cần nghiêm khắc xử phạt người dân xả rác xuống hệ thống kênh mương thủy lợi. Ảnh: Phương Chi.
“Đối với Công ty Thủy nông Ninh Thuận, thời gian tới sẽ bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống camera giám sát kênh mương tại một số khu vực đông dân cư sinh sống để ghi lại hình ảnh của người dân xả thải rác xuống kênh mương và các công trình thủy lợi. Từ đó phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm”, ông Phùng Đình Thanh chia sẻ.
Những giải pháp của Công ty Thủy nông Ninh Thuận rất cần các sở, ban ngành, địa phương cùng vào cuộc để giảm lượng rác thải xuống kênh mương, cũng như làm trong sạch nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước theo kết luận 36 của Bộ Chính trị nhằm phục vụ xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân cũng như bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi ngày càng tốt hơn.