| Hotline: 0983.970.780

Chống rác thải nhựa:

Rác thải nhựa trong nông nghiệp: xử lý từ đầu nguồn

Thứ Tư 28/05/2025 , 15:44 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp quyết tâm xử lý vấn đề rác thải nhựa bằng việc thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trước, trong và sau thu hoạch...

Những nguồn phát thải nhựa trong nông nghiệp

Theo Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (tháng 4/2025), các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường của ngành nông nghiệp được hình thành từ hai nguồn chính, gồm: các phụ phẩm từ nông nghiệp và chất thải từ các vật tư sử dụng trong nông nghiệp (nilon, vải bạt, lưới, dây nhựa, phao xốp, phao nhựa… và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ bao bì phân bón…

Nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương trên cả nước đang sử dụng rất nhiều vật liệu nhựa như phao xốp, lưới, dây nhựa... là những nguồn phát thải rác thải nhựa chủ yếu. Ảnh: Kiên Trung.

Nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương trên cả nước đang sử dụng rất nhiều vật liệu nhựa như phao xốp, lưới, dây nhựa... là những nguồn phát thải rác thải nhựa chủ yếu. Ảnh: Kiên Trung.

Đối với lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, kết quả điều tra, nghiên cứu và tính toán của Viện Môi trường Nông nghiệp cho thấy, trong năm 2024, tổng lượng phát sinh phụ phẩm ước tính là 93,61 triệu tấn, trong đó có 83,96 triệu tấn từ cây hàng năm; 2,67 triệu tấn từ cây ăn quả, 6,98 triệu tấn từ cây công nghiệp lâu năm. So với năm 2023, lượng phát sinh phụ phẩm giảm 1,9%.

Công tác xử lý phụ phẩm và chất thải hiện tại dưới các dạng: để lại ruộng đồng (rơm rạ, vỏ trấu…) chiếm 24,6%; thu gom xử lý (13,4%); chôn lấp (0,9%); tái sử dụng (29,7%), đốt (16,6%).

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, theo ước tính chất thải chăn nuôi có trên 80 triệu tấn/năm, có khoảng 36% tổng khối lượng được thải trực tiếp vào môi trường; với tỷ lệ từ 16% đối với chăn nuôi trang trại và 40% đối với chăn nuôi quy nông hộ.

Có 3,34% số cơ sở có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 7,83% có giấy phép môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường; 83,86% số cơ sở có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi; 4,97% số cơ sở chưa có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi.

Bể thu gom vỏ bao bì, chất thải nhựa từ thuốc BVTV trong nông nghiệp. Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận.

Bể thu gom vỏ bao bì, chất thải nhựa từ thuốc BVTV trong nông nghiệp. Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận.

Chất thải nhựa trong khai thác thủy sản gồm các nguồn thải như dây phao, lưới hư hỏng, dầu máy, khói bụi và các vật liệu nhựa bảo quản sản phẩm. Trung bình, nghề khai thác thủy sản thải ra biển 8.700 tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó 7.600 tấn từ tàu đánh bắt cá chiếm 87,4%.

Chất thải trong nuôi trồng thủy sản gồm nước thải, bùn thải và chất thải rắn, chủ yếu từ bao bì thức ăn, chai lọ hóa chất, thuốc thú y. Các đối tượng nuôi chủ lực như cá tra, tôm nước lợ và đối tượng có giá trị kinh tế (như cá rô phi, cá biển…) đã thải lượng chất thải đáng kể.

Trong hoạt động lâm nghiệp, lượng chất thải rắn phát sinh từ trồng rừng ước tính năm 2024 gồm túi bầu, bao bì phân bón là hơn 798 tấn; hoạt động khai thác rừng còn phát sinh 5,66 triệu m3 cành, lá và lượng mùn cưa khoảng 2,06 triệu m3 và một phần đã được tái sử dụng sang các mục đích khác.

Siết quản lý sử dụng, xử lý chất thải nhựa nông nghiệp

Trong các nguồn phát thải của lĩnh vực nông nghiệp, việc sử dụng các vật tư, nguyên liệu bằng nhựa và vỏ bao bì thuốc BVTV, bao bì thức ăn chăn nuôi… là những nguồn phát thải nhựa chủ yếu. Ngay từ năm 2016, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 05 hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt tại các vùng quê đang được xử lý dưới hình thức chôn lấp/đốt là chủ yếu. Ảnh: Thái Bình.

Rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt tại các vùng quê đang được xử lý dưới hình thức chôn lấp/đốt là chủ yếu. Ảnh: Thái Bình.

Theo đó, các doanh nghiệp, các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh triển khai và thực hiện Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” với mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị nông sản hướng tới nền sản xuất trồng trọt an toàn, hiệu quả và bền vững… Cả nước đã xây dựng được 132 mô hình trên diện tích 6.500 ha với 5.483 nông dân tham gia và đặt 623 bể chứa bao bì thu gom.

Giai đoạn từ năm 2020-2024, các địa phương đã thực hiện 17.962 hội nghị, lớp tập huấn, với 816.028 lượt người tham gia để phổ biến, tuyên truyền xử lý rác thải nhựa trong nông nghiệp; xây dựng được 187.999 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; thu gom được 3.667.156 kg bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, trong đó xử lý tiêu hủy đúng theo quy định được 2.117.227 kg, tự tiêu hủy 764.199 kg, chưa tiêu hủy 785.680 kg.

Để quản lý chất thải nhựa trong lĩnh vực BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 2711 ngày 18/7/2022 ban hành Kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Tiếp đó, Cục Bảo vệ thực vật ra Công văn số 2810 triển khai kế hoạch với mục tiêu: Trong giai đoạn 2022 đến năm 2025 giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng tối thiểu 12% chất thải nhựa từ hoạt động sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV.

Bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV tại xã An Lạc, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Sỹ Quyết.

Bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV tại xã An Lạc, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Sỹ Quyết.

Trong giai đoạn 2026 đến năm 2030, sẽ giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom phân loại được 100% và tái sử dụng 20% chất thải nhựa từ hoạt động sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV; loại khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam 14 hoạt chất (gồm: carbendazim, thiophanate methyl, benomyl, 2,4D, paraquat, diazinon, malathion, zinc phosphide, acephate, trichlorfon, carbofuran, fipronil, chlorpyrifos ehyl và glyphosate); 1.706 tên thương phẩm thuốc BVTV và 1.261 hàm lượng hoạt chất.

Đây là những loại thuốc BVTV có độc tính cao, tồn dư trên nông sản, có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái và không đáp ứng các quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành. Chính thức loại bỏ 12 hoạt chất ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, và đưa 2 hoạt chất vào Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam (Trichlorfon và Carbofuran).

Không nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại thuốc BVTV khó phân hủy

Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định 1598 của Thủ tướng Chính phủ) quy định: các hoạt chất thuốc BVTV dạng hữu cơ khó phân hủy không được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Triển khai “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, kết quả tính đến ngày 15/6/2024, chương trình hợp tác “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học” giữa Cục BVTV và 12 doanh nghiệp thuốc BVTV đã triển khai tổ chức 3.886 lớp tập huấn với 97.842 nông dân tham dự, 62 lớp tập huấn với 3.349 cơ sở buôn bán, đại lý tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên khắp các tỉnh thành trong cả nước; xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học và mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả với 703 điểm trình diễn mô hình với tổng diện tích 5.634,4 ha trên lúa, cây ăn quả và cây rau…

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Đề xuất vớt rác 1 lần/tuần tại các tuyến kênh thoát nước TP HCM

TP HCM Sở Xây dựng TP HCM vừa đề xuất tổ chức vớt rác tối thiểu 1 lần/tuần trên toàn bộ 23 tuyến kênh thoát nước, với tổng chiều dài hơn 41 km.

Gian nan xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác thải Đông Vinh

Nghệ An Đã 14 năm trôi qua kể từ ngày bãi rác Đông Vinh chính thức đóng cửa, thế nhưng, công tác xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vẫn đang diễn ra khá chậm chạp.

Mưa dầm nhiều ngày, xâm nhập mặn ở Vĩnh Long, Trà Vinh giảm rõ rệt

ĐBSCL Mưa lớn liên tiếp trong tuần qua giúp giảm đáng kể tình trạng xâm nhập mặn tại Vĩnh Long và Trà Vinh so với cùng kỳ năm trước.

Nhà khoa học Việt phát triển công nghệ định vị vệ tinh

Hệ thống RTK-VIỆT, một ứng dụng được phát minh bởi các nhà khoa học Việt Nam, đang mở ra cơ hội làm chủ công nghệ định vị vệ tinh cho người dùng Việt Nam.

Giới thiệu Bộ nhận diện Ngày Môi trường thế giới (5/6/2025)

Bộ nhận diện góp phần chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức, định vị hình ảnh một chiến dịch môi trường quy mô quốc gia.

Bình luận mới nhất