| Hotline: 0983.970.780

Quần thể di tích Yên Tử- Côn Sơn Kiếp Bạc- Vĩnh Nghiêm thành Di sản thế giới

Thứ Bảy 12/07/2025 , 21:14 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Ngày 12/7, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được UNESCO vinh danh Di sản thế giới.

Đoàn công tác của Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Đoàn công tác của Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Lúc 13h (giờ Paris, Pháp), tức khoảng 18h (Việt Nam) ngày 12/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được các quốc gia thành viên xem xét và đồng thuận ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới.

Sự kiện này đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng, khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của một di sản văn hóa, lịch sử và tôn giáo độc đáo của Việt Nam.

Quần thể trải dài trên địa bàn ba tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, bao gồm 12 điểm di tích hợp thành một chỉnh thể thống nhất, phản ánh rõ nét sự ra đời và phát triển rực rỡ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - gắn liền với triều đại nhà Trần vào thế kỷ XIII-XIV.

Toàn cảnh khu di tích Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Toàn cảnh khu di tích Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Trước khi quần thể di tích được công nhận, đoàn công tác của Việt Nam, với sự tham gia của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo và các chuyên gia từ ba địa phương liên quan, đã có mặt tại Paris để bảo vệ hồ sơ.

Sự chuẩn bị công phu, khoa học cùng những giá trị đặc sắc của Quần thể đã thuyết phục Ủy ban Di sản Thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh dựa trên việc đáp ứng xuất sắc hai trong số các tiêu chí quan trọng về giá trị nổi bật toàn cầu.

Lễ Rước nước tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT- DL Hải Phòng.

Lễ Rước nước tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT- DL Hải Phòng.

Đầu tiên là tiêu chí (iii), UNESCO đánh giá, quần thể là minh chứng sống động về sự liên minh chiến lược đặc biệt giữa Nhà nước (Hoàng gia nhà Trần), tôn giáo (Phật giáo Trúc Lâm) và nhân dân. Sự liên minh này phát triển từ quê hương tâm linh là dãy núi Yên Tử, tạo nên một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu.

Truyền thống này không chỉ định hình bản sắc dân tộc Việt Nam mà còn thúc đẩy hòa bình, an ninh cho cả khu vực rộng lớn hơn trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của thế kỷ 13-14.

Việc các vị vua Trần từ bỏ ngai vàng để trở thành Phật hoàng, sáng lập và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, thể hiện tinh thần "nhập thế", gắn đạo với đời, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho toàn dân đánh bại quân Nguyên Mông.

Cửu phẩm Liên Hoa, chùa Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT- DL Hải Phòng.

Cửu phẩm Liên Hoa, chùa Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT- DL Hải Phòng.

Thứ hai là tiêu chí (vi), UNESCO đánh giá, phật giáo ở Trúc Lâm, được khởi xướng và phát triển chủ yếu bởi các thành viên Hoàng gia nhà Trần, là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo bản địa, được hình thành từ sự dung hợp nhiều tín ngưỡng (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian), đã bắt nguồn và phát triển từ "quê hương tâm linh" là dãy núi Yên Tử.

Từ đây, tư tưởng phật giáo ở đây đã ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội thế tục, góp phần củng cố quốc gia Đại Việt, đảm bảo hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Đây là một trường hợp hiếm hoi trên thế giới về sự gắn kết chặt chẽ giữa quyền lực thế tục và sức mạnh tinh thần tôn giáo vì mục tiêu chung là bảo vệ độc lập và phát triển quốc gia.

Bảo vật Quốc gia 'Bia Thanh Hư Động, tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT- DL Hải Phòng.

Bảo vật Quốc gia "Bia Thanh Hư Động, tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT- DL Hải Phòng.

Quần thể bao gồm 12 điểm di tích tiêu biểu:

Tại Quảng Ninh, thái Miếu nhà Trần, chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử), chùa Hoa Yên (trung tâm Phật giáo Trúc Lâm), chùa Ngọa Vân (nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn), và bãi cọc Yên Giang (gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử).

Tại Bắc Ninh, chùa Vĩnh Nghiêm (nơi lưu giữ mộc bản kinh Phật, Bảo vật quốc gia, trung tâm in ấn, truyền bá kinh điển Trúc Lâm) và chùa Bổ Đà.

Tại Hải Phòng, chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương. Năm điểm di tích tại Hải Phòng đóng vai trò quan trọng, làm rõ thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể.

Chùa Đồng ở Yên Tử. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Chùa Đồng ở Yên Tử. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Thứ nhất là chùa Côn Sơn, tọa lạc tại thành phố Hải Phòng, chùa Côn Sơn được khởi dựng từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10-11). Thời Trần, Côn Sơn là một trong ba trung tâm quan trọng nhất của Thiền phái Trúc Lâm, nơi Tam Tổ Trúc Lâm từng tu hành, thuyết pháp.

Đặc biệt, nơi đây gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả. Chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật, kiến trúc quý giá và ba Bảo vật quốc gia. Khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích liên tục từ thời Trần đến Nguyễn.

Cùng với đền thờ Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán và cảnh quan thiên nhiên, Côn Sơn là một quần thể di tích danh thắng nổi tiếng. Lễ hội chùa Côn Sơn là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Thứ hai, đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự. Nơi đây từng là phủ đệ, thái ấp và đại bản doanh quân sự, quân cảng lớn nhất Đại Việt thời Trần, nơi Trần Hưng Đạo biên soạn các tác phẩm bất hủ và huấn luyện quân sỹ.

Vị trí chiến lược quan trọng tại cửa sông Lục Đầu khiến Kiếp Bạc trở thành đầu mối huyết mạch giao thông và phòng thủ bậc nhất. Sau khi Trần Hưng Đạo mất, đền thờ được lập trên nền nhà cũ, dần trở thành trung tâm tín ngưỡng linh thiêng.

Kiến trúc đền thể hiện sự dung hợp tín ngưỡng đa dạng. Lễ hội đền Kiếp Bạc, với nhiều hoạt động tôn vinh Đức Thánh Trần, là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và từng là điển lễ quốc gia.

Chùa Thanh Mai, nơi còn giữ nhiều tháp đá cổ và văn bia quý giá. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Chùa Thanh Mai, nơi còn giữ nhiều tháp đá cổ và văn bia quý giá. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Thứ ba, chùa Thanh Mai, nằm trên núi Phật Tích , chùa được khởi dựng thời Trần, sau được Thiền sư Pháp Loa mở rộng, trở thành đại danh lam gắn liền với Pháp Loa và Huyền Quang.

Chùa còn giữ nhiều tháp đá cổ (nổi bật là Viên Thông bảo tháp chứa xá lỵ Pháp Loa) và văn bia quý giá. Bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" là Bảo vật quốc gia, ghi lại lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và có thơ của vua Trần Minh Tông. Khảo cổ học chứng minh sự phát triển liên tục của chùa qua các thời kỳ.

Thứ tư, chùa Nhẫm Dương, được khởi dựng thời Trần với tên Thánh Quang tự, thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Từ thế kỷ 17, chùa trở thành chốn tổ phái Tào Động Việt Nam. Chùa có các hang động quan trọng như Thánh Hóa, nơi Đệ Nhất Tổ Thủy Nguyệt viên tịch.

Đặc biệt, động Thánh Hóa là di chỉ cổ sinh - khảo cổ học quý giá với tầng văn hóa dày 4m, chứa xương răng động vật cổ và di vật khảo cổ từ nhiều thời kỳ, chứng minh lịch sử định cư liên tục của con người từ tiền sử đến hiện đại tại khu vực này.

Động có chùa cổ, ban thờ và hệ thống hơn 50 bia ma nhai khắc trên vách đá của các danh nhân văn hóa qua nhiều thời kỳ. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Động có chùa cổ, ban thờ và hệ thống hơn 50 bia ma nhai khắc trên vách đá của các danh nhân văn hóa qua nhiều thời kỳ. Ảnh: Sở VH-TT-DL Hải Phòng.

Thứ năm, động Kính Chủ, nằm trên núi Dương Nham, được vua Lý Thần Tông ban tên và xưng tụng "Nam Thiên đệ lục động". Động có chùa cổ, ban thờ và hệ thống hơn 50 bia ma nhai khắc trên vách đá của các danh nhân văn hóa qua nhiều thời kỳ.

Hai bia thời Trần của Phạm Sư Mạnh (Bảo vật quốc gia) khắc năm 1368 mô tả cảnh chuẩn bị cho chiến trận Bạch Đằng năm 1288 tại chính khu vực này, là minh chứng vật thể cho hào khí Đông A.

Việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh là sự công nhận xứng đáng cho những giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo và cảnh quan độc đáo mà Việt Nam đã dày công bảo tồn.

Danh hiệu này không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là trách nhiệm lớn lao trong việc bảo vệ, quản lý và phát huy bền vững giá trị của di sản theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Xem thêm

Bình luận mới nhất