Truyền thông là công cụ quan trọng nhất
Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường và các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội nói chung, để thành công, cần triển khai đồng loạt 4 nhóm công cụ bao gồm: Chính sách pháp luật, Kỹ thuật, Kinh tế và Truyền thông, nâng cao nhận thức.
Trong đó, tôi đánh giá cao vai trò của công cụ truyền thông. Bởi mọi hoạt động nghiên cứu, nếu muốn truyền tải đến được mọi đối tượng, tất cả các bên liên quan trong xã hội, việc đầu tiên cần làm là phải có truyền thông, nâng cao nhận thức. Từ đó, chuyển từ nhận thức thành hành vi, hành động cụ thể, dẫn đến sự thay đổi trong hành động thực tế.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đối với nông nghiệp và môi trường, có rất nhiều chủ đề để nghiên cứu như nghiên cứu về chính sách, về kỹ thuật công nghệ, về giải pháp kinh tế, về lợi ích kinh tế xã hội và môi trường. Để đưa những thông tin này đến với người dân, chắc chắn cần có truyền thông, cần có hoạt động của cơ quan báo chí.
Ngành tài nguyên và môi trường quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, khí tượng thuỷ văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, viễn thám, về sự cố môi trường…
Trong khi đó, đối với nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp thực tế cũng có liên quan tới những vấn đề nêu trên. Muốn sản xuất, cần có đất, có nước, không khí sạch, cũng cần chú ý đến các yếu tố khí tượng thuỷ văn, điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc biệt cần quan tâm tới biến đổi khí hậu như hạn mặn ra sao hay tình hình sạt lở thế nào. Thiên tai sự cố là những vấn đề đặc biệt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, hai lĩnh vực nông nghiệp và môi trường thực chất đã gắn bó hữu cơ, mật thiết với nhau từ lâu. Do đó, tôi tin rằng việc hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một định hướng đúng đắn.
Để phát triển nông nghiệp, chúng ta cũng phải gắn với môi trường, những vấn đề như sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng ra sao tới môi trường, hay các loại chất thải chăn nuôi, chất thải trồng trọt… Về lĩnh vực môi trường, chúng ta thường quan tâm tới thiên tai, biến đổi khí hậu, những vấn đề này cũng tạo ra sự thay đổi đối với ngành trồng trọt, chăn nuôi.
Chính vì vậy, việc hợp nhất 2 ngành này sẽ mở ra hướng đi mới tích hợp giữa nông nghiệp và môi trường, chúng ta không chỉ phản ánh riêng lẻ về nông nghiệp hay môi trường mà sẽ hướng tới truyền thông tổng thể hơn trong mối quan hệ hữu cơ giữa hai lĩnh vực này. Qua đó, mở rộng phạm vi, nhận thức, những vấn đề rộng hơn rất nhiều so với trước kia và những lĩnh vực này sẽ hỗ trợ nhau để phản ánh toàn diện hơn.
Sứ mệnh truyền thông của Báo Nông nghiệp và Môi trường
Khi tờ Báo Nông nghiệp và Môi trường ra đời, tôi cho rằng chúng ta vẫn cần phản ánh các hoạt động liên quan tới tài nguyên môi trường và nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Trước hết phải phản ánh cho đầy đủ, chính xác, dễ hiểu hệ thống chính sách về phát triền nông nghiệp, phát triển môi trường, những cơ chế, chính sách mới, cơ chế chính sách đặc thù, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và môi trường.

Bài viết của PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trên Báo Nông nghiệp và Môi trường số ra đầu tiên.
Thứ hai, phản ánh hoạt động liên quan đến các giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp và môi trường, những thành tựu mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, những điểm mới trong luật bảo vệ môi trường. Hiện nay, cũng có thêm nhiều phạm vi, lĩnh vực mới được đề cập, chúng ta cũng đã nghe tới rất nhiều, như sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, phát triển bền vững,.
Tiếp theo, phản ánh về các công cụ kinh tế. Như chúng ta thấy, có nhiều công cụ kinh tế được áp dụng đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường như thuế, phí, công cụ hỗ trợ bao gồm ưu đãi về đất, về tài nguyên, môi trường, công cụ kiểm soát như cơ chế xử phạt, khen thưởng kỷ luật… tất cả những công cụ kinh tế thúc đẩy phát triển, đối với báo mình, cũng cần tập trung vào công cụ được áp dụng thực tế. Trong lĩnh vực quản lý nói chung, cũng cần phản ánh những công cụ kinh tế mà người dân cần tuân thủ và những công cụ khuyến khích, hỗ trợ người dân đã được Đảng, Nhà nước ban hành.
Và cuối cùng là về truyền thông, nâng cao nhận thức. Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để làm sao tất cả đối tượng trong xã hội, từ nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, các nhà khoa học, cho đến người dân, cần thấu hiểu và nắm bắt được, nâng cao nhận thức, nâng cao hiểu biết để hướng tới thay đổi hành động làm cho môi trường sạch hơn, sử dụng tài nguyên tiết kiệm hơn, nông nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững, cuối cùng mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đặc biệt là người nông dân.
Tôi vốn là độc giả trung thành của cả Báo Tài nguyên và Môi trường và Báo Nông nghiệp Việt Nam trước đây. Tôi cũng tham gia viết một số bài cho cả hai tờ báo. Và tới đây, tôi sẽ tiếp tục là độc giả theo dõi, đồng thời là cộng tác viên cho tờ Nông nghiệp và Môi trường.
Nhân sự kiện Báo Nông nghiệp và Môi trường ra số đầu tiên, trước hết tôi xin chúc toàn bộ nhân sự, những người tham gia vào quá trình phát triển hai tờ báo, từ ban biên tập, tới các phóng viên, biên tập viên và cả cộng tác viên của báo, có sức khoẻ, nhiệt huyết, thành công trong công tác. Khi đi vào lĩnh vực mới, chúng ta đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, do đó, mỗi người cần có đam mê, có cách tiếp cận lĩnh vực thực tế, báo chí phải gắn với thực tế, gắn liền với hoạt động của người dân, phản ánh một cách trung thực tất cả hơi thở cuộc sống, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và nông nghiệp, lĩnh vực gắn với người nông dân nhiều nhất, chiếm khoảng 70-80% dân số cả nước.

Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tiếp theo, tôi hy vọng tờ báo của chúng ta sẽ có nhiều động lực hơn tiếp tục phát triển theo định hướng mới, hướng tới xây dựng một kênh thông tin quan trọng nhất, là công cụ thúc đấy sự phát triển kinh tế, xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Khi chúng ta phát huy tối đa tiềm năng của tờ báo, đây sẽ là một đóng góp vô cùng xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế trong cơ hội mới, vận hội mới, hướng tới phát triển đến 2 con số trong thời gian tới. Trong tiến trình này, các phóng viên, biên tập viên đóng vai trò vô cùng quan trọng, là lực lượng đi đầu.
Dù không đơn giản, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi lĩnh vực của chúng ta mở rộng hơn về phạm vi, về mức độ tiếp cận độc giả, nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta có thể gắn hoạt động báo chí, truyền thông với thực tế, phản ảnh những mô hình sinh động, gần gũi, dễ tiếp cận với người dân thì hiệu quả truyền thông sẽ ngày càng cao.