Ngày 18/2, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy, cùng đoàn công tác của Thành ủy, UBND TP.HCM đã xuống kiểm tra và làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại đây ông Thăng đã có những chỉ đạo quyết liệt với mong muốn đời sống của người dân địa phương ngày càng phát triển.
Cụ thể, khi nghe ông Dương Văn Duyên (Trưởng ban Dân vận Huyện ủy) báo cáo người nuôi bò sữa trong huyện không bán được sữa; trong khi thế mạnh về nông nghiệp của huyện Củ Chi là đàn bò sữa lên gần 40 ngàn con nhưng người chăn nuôi hiện đã bán mười mấy ngàn con, không còn mặn mà với nghề nuôi bò sữa như trước đây nữa; ông Đinh La Thăng đã hỏi ngay: “Như vậy sữa đã bán cho ai? Bán không được thì lãnh đạo huyện đã làm việc với đơn vị mua sữa để tìm ra nguyên nhân chưa?”, rồi ông đề nghị gọi điện thoại cho chủ tịch Vinamilk để tìm nguyên nhân.
“Vậy các anh đã làm việc với Vinamilk chưa?”, ông Thăng hỏi tiếp. “Dạ, có làm việc với giám đốc thu mua”, ông Duyên trả lời. Ông Thăng xoay qua hỏi ông Chủ tịch huyện Nguyễn Hữu Hoài Phú: “Đồng chí chủ tịch đã gặp chủ tịch Vinamilk (bà Mai Kiều Liên -PV) chưa? Hãy gọi điện ngay cho tôi nói chuyện. Có số điện thoại không. Gọi kiểm tra là biết ngay”.
Ông Phú tỏ vẻ lúng túng do không có số ĐT của bà Liên, ông Thăng nói nếu chưa gặp được chủ tịch Vinamilk thì chưa thể biết được nguyên nhân.
“Tôi chỉ kiểm tra để hỏi anh có số điện thoại của chị Mai Kiều Liên không? Việc tiêu thụ này phải thường xuyên gọi điện nhắn tin. Chủ tịch mà chưa gặp thì chưa tìm được nguyên nhân. Nhu cầu Vinamilk thu mua sữa rất lớn, trong khi sản lượng bò sữa Củ Chi thì thấm tháp gì. Phải gặp người ta để biết cách làm của họ, phải truy đến cùng là do chất lượng hay do sản phẩm. Chủ tịch mà không đi gặp người thu mua lớn nhất cho mình thì làm sao mà giải quyết được” - ông Thăng nói.
Ngoài ra, ông Thăng còn căn dặn thêm với ông Duyên: “Làm dân vận là thế, anh nói dở mà làm được nhiều việc cho dân thì người ta cũng theo. Bớt nghị quyết hội họp đi, hành động ngay cái dân cần”.
Trước đó, trên đường đến trụ sở Huyện ủy Củ Chi làm việc, ông Thăng đã đến thăm các gia đình chính sách trên địa bàn. Đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em (SN 1935, có chồng và 1 con là liệt sĩ) ở xã Tân Thông Hội, thấy đường vào nhà còn là đường đất chưa được bê tông hóa ông Thăng đã gọi ngay chủ tịch xã Tân Thông Hội đến và chỉ đạo sớm làm đường bê tông rộng 3 m cho khu vực này.
Tại nhà bà Lê Thị Kiều Oanh (có cha và chồng là liệt sĩ), khi bà Oanh trình bày nhà tình nghĩa đã xuống cấp ông Thăng yêu cầu Bí thư Huyện ủy Củ Chi Lê Minh Tấn sớm triển khai xây nhà mới cho bà Oanh. Phát biểu tại cuộc làm việc với Huyện ủy Củ Chi, ông Thăng dẫn ngay câu chuyện nhà bà Oanh xuống cấp.
“Các đồng chí cần đánh giá theo quy định mới huyện có còn là huyện nông thôn mới. Báo cáo 100% gia đình chính sách đã xây nhà tình nghĩa, tình thương. Nhưng như bà má sáng nay tôi đi, xây từ 1992, chỉ khoảng 16 m2 thì có phải là nhà ở được không?”, ông nói.
Ông Thăng đề nghị huyện Củ Chi hãy quên chuyện thành tích vì danh hiệu nông thôn mới không quan trọng bằng việc người dân nhận được điều gì, đồng thời cho rằng cần phải xem xét lại một số tiêu chí của nông thôn mới, vì khi nông dân tập trung vào sản xuất lớn, hiện đại thì có thể đường sá, hạ tầng sẽ phải thay đổi để phù hợp. “Nếu cứ ôm khư khư danh hiệu, sợ mất danh hiệu mà không thay đổi để đáp ứng cho nhu cầu của người dân thì cũng không có tác dụng gì”.
Tương tự, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá việc huyện Củ Chi thu ngân sách được 500 tỷ là một con số lớn, gần ngang với một tỉnh nghèo. Nhưng “thu ngân sách bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là dân được chăm lo thế nào từ ngân sách”, ông nhấn mạnh.