
Pakistan đối mặt với mất an ninh nguồn nước sau khi Ấn Độ tuyên bố tạm dừng Hiệp ước Thủy lợi Indus.
Vừa qua, Ấn Độ tuyên bố đình chỉ Hiệp ước Thủy lợi Indus (IWT) năm 1960 về chia sẻ nguồn nước từ các phụ lưu của dãy Himalaya, cũng như ngừng chia sẻ dữ liệu thủy văn, cảnh báo lũ lụt và tổ chức các cuộc họp song phương.
Quan hệ giữa Islamabad và New Delhi đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây, sau vụ xả súng của phiến quân ở khu nghỉ dưỡng tại vùng Kashmir khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 25 công dân Ấn Độ, hồi tuần trước.
Việc tạm dừng Hiệp ước Thủy lợi Indus là một trong những động thái mà hai nước đã tiến hành nhắm vào nhau sau vụ xả súng. Pakistan cũng đã trục xuất một số quan chức Ấn Độ và đóng không phận với các hãng hàng không của nước láng giềng.
Dọc bờ sông Ấn cạn khô, người dân vẫn tắm rửa, giặt giũ và sản xuất nông nghiệp trong dòng nước yếu. Phía sau những hoạt động thường nhật là nỗi sợ hãi về một tương lai không còn nước. Với 240 triệu dân phụ thuộc vào sông Indus, căng thẳng ngoại giao Ấn Độ - Pakistan hiện nay không chỉ đe dọa nông nghiệp mà còn là nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Ở phía đông nam Pakistan, hạ nguồn sông Ấn, nhiều nông dân tỏ ra lo lắng khi mực nước ngày càng giảm. Nguồn nước phục vụ sản xuất trồng trọt, thủy sản trở nên khan hiếm sau mùa khô kéo dài.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif ngày 29/4 bày tỏ lo ngại về khả năng quân đội Ấn Độ phát động chiến dịch nhằm vào nước này, buộc Thủ đô Islamabad đưa ra "một số quyết định chiến lược" nhưng không nêu cụ thể. Ông cho biết, Pakistan đang duy trì cảnh giác cao độ, song sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xuất hiện "mối đe dọa trực tiếp với sự tồn vong của đất nước".
Bộ trưởng Asif nhấn mạnh: Tước đoạt nguồn nước của các khu vực dễ bị tổn thương là "hành động gây chiến", thêm rằng Hiệp ước Thủy lợi Indus được cộng đồng quốc tế bảo trợ.
Indus là một trong những con sông dài nhất châu Á, chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan trước khi đổ ra Biển Arab. 5 phụ lưu của sông Indus gồm Ravi, Sutlej, Beas, Chenab và Jhelum cũng chạy qua Ấn Độ trước khi hợp dòng.
Sau khi thực dân Anh trao trả độc lập cho hai nước tháng 8/1947, hai bên ký thỏa thuận cho phép nguồn nước tiếp tục chảy qua biên giới vào Pakistan. Khi thỏa thuận hết hiệu lực năm 1948, Ấn Độ đã chặn dòng chảy, buộc Pakistan phải đàm phán khẩn cấp về chia sẻ nguồn nước. Hai bên mất nhiều năm thương lượng, trước khi ký hiệp ước IWT vào tháng 9/1960, với Ngân hàng Thế giới (WB) là trung gian.
Hiệp ước trao cho Ấn Độ quyền kiểm soát nguồn nước của ba con sông phía Đông (Beas, Ravi và Sutlej) có tổng lưu lượng trung bình năm là 41 tỷ mét khối. Quyền kiểm soát ba sông phía Tây (Indus , Chenab và Jhelum) có tổng lưu lượng trung bình năm là 99 tỷ mét khối, được trao cho Pakistan.
Ấn Độ được khai thác 30% tổng lưu lượng, trong khi Pakistan được khai thác 70%. Hiệp ước cho phép Ấn Độ sử dụng nước của các Sông phía Tây cho mục đích tưới tiêu trong mức giới hạn và khai thác không giới hạn các dịch vụ nước như phát điện, giao thông, v.v.