| Hotline: 0983.970.780

Nợ xấu tăng nhanh, bộ đệm dự phòng sụt giảm tại nhiều ngân hàng

Thứ Sáu 07/06/2024 , 14:41 (GMT+7)

Tỷ lệ nợ xấu cao cho thấy dấu hiệu rủi ro liên quan đến nguy cơ mất vốn, ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản của nhà băng...

Sẽ bị vướng nhiều giới hạn hoạt động

Tỷ lệ nợ xấu là một thước đo quan trọng đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng. Một tỷ lệ nợ xấu thấp cho thấy ngân hàng đang kiểm soát và khai thác tín dụng hiệu quả. Ngược lại, tỷ lệ nợ xấu cao cho thấy dấu hiệu rủi ro liên quan đến nguy cơ mất vốn, ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản của nhà băng. Hiện nay, theo thông lệ quốc tế và của Việt Nam, tỷ lệ an toàn cho phép là dưới 3%.

Một khi không thể kiểm soát tỷ lệ này dưới mức “lằn ranh đỏ” 3%, ngân hàng sẽ bị vướng nhiều giới hạn hoạt động theo các quy định của cơ quan quản lý, như mở rộng chi nhánh, mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác...

Như đã phản ánh trong bài trước, những con số thống kê mới nhất cho thấy nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh tại nhiều ngân hàng. Khảo sát cho thấy có tới 24/28 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu/cho vay gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2024.

NCB, VPBank và BaoVietBank đang là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/cho vay cao nhất, trong đó NCB là trường hợp đáng chú ý nhất khi tỷ lệ nợ xấu lên tới 29%, tức cứ 100 đồng ngân hàng cho vay ra thì có tới 29 đồng trở thành nợ xấu.

Với VPBank, tỷ lệ nợ xấu/cho vay tại báo cáo hợp nhất đang là 4,83% và tại ngân hàng mẹ là 3,31% do bị ảnh hưởng lớn từ mảng cho vay tiêu dùng. Tại BaovietBank, tỷ lệ nợ xấu/cho vay vào cuối quý I/2024 là 4,39%, tại PVCombank là 3,96%, tại ABBank là 3,91%, BVBank là 3,91%, MSB là 3,17%,…

Cũng cần phải nhấn mạnh, với cơ chế hiện hành, những con số nợ xấu trên báo cáo tài chính mới phản ánh tương đối chất lượng tài sản của hệ thống. Vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng khó khăn theo Thông tư 02.

Bộ đệm dự phòng đang “mỏng” dần

Theo quy định, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Đây là số tiền được xác định để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của ngân hàng.

Số dự phòng rủi ro cần phải trích lập bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Trong đó, dự phòng chung là khoản tiền được xác định để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra nhưng chưa xác định được khi trích lập dự phòng cụ thể, được tính bằng 0,75% tổng dư nợ được phân loại từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Còn dự phòng cụ thể là khoản tiền được trích lập trên cơ sở phân loại cụ thể các khoản nợ, trong đó, nợ nhóm 2 trích lập 5%, nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%.

Là “thước đo” đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu, nhưng thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2024 lại không mấy khả quan khi có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này sụt giảm trong 3 tháng đầu năm.

 

Trong đó, MB ghi nhận tỷ lệ dự phòng đã giảm tới 36,9 điểm % so với mức cao 117% hồi cuối năm 2023.

Tương tự, tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu tại Vietcombank dù vẫn đang dẫn đầu hệ thống nhưng cũng giảm tới 30,5 điểm % so với cuối năm trước, tại BIDV giảm 28,1 điểm %, tại VietinBank giảm 16,3 điểm %,…

Bên cạnh đó, có tới 24/29 ngân hàng (tương đương 82,8%) trong nhóm khảo sát hiện đang sở hữu tỷ lệ này dưới 100%. 11 thành viên trong nhóm này có tỷ lệ trích dự phòng bao phủ nợ xấu thậm chí ở dưới mức 50%.

Điều đáng lưu ý, khảo sát cho thấy, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất lại là những thành viên sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Tại NCB, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 3/2024 mới chỉ ở mức 6,4% (giảm 0,1 điểm % so với đầu năm), tức với mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng mới chỉ có 0,064 đồng để dự phòng. Tương tự, tỷ lệ này tại Baovietbank mới chỉ dừng ở mức 19,4%, tại PGBank là 32% và VietBank là 34,4%,…

Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống được dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Trong khi, những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu, đặc biệt là sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực, dự kiến vào cuối tháng 12 tới. Theo đó, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của các ngân hàng lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Xem thêm

Bình luận mới nhất