Tỷ lệ nợ xấu tăng cao tại nhiều ngân hàng
Hơn ¼ quãng đường năm 2024 đi qua, bức tranh kết quả kinh doanh của các ngân hàng phần nào được định hình với đủ các “gam màu” sáng tối. Dù vẫn là một trong những ngành ghi nhận kết quả khả quan, tăng trưởng lợi nhuận ở nhiều ngân hàng đã ghi nhận sự giảm tốc khi các yếu tố vĩ mô chưa có nhiều cải thiện rõ rệt, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn mà một trong những biểu hiện rõ nét là tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 3/2024, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 1,34%, trong đó tăng trưởng ghi nhận âm trong 2 tháng đầu năm (-0,72%). Đây là con số thấp nhất từng ghi nhận kể từ năm 2016 đến nay, cho thấy nhu cầu tín trong nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi.
Và theo cập nhật mới nhất từ Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đến ngày 10/5/2024, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2024, tức dư nợ tín dụng mới tăng được thêm khoảng hơn 264 nghìn tỷ đồng, trong số hơn 2 triệu tỷ đồng dự kiến được “bơm” ra nền kinh tế trong năm nay.
Tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong khi chất lượng tài sản cũng là một điều đáng lưu ý khi nợ xấu tại nhiều thành viên tăng nhanh trở lại sau khi có dấu hiệu chững lại trong 2 quý cuối của năm 2023.
Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý I/2024 của 29 ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của 29 ngân hàng ở mức hơn 228 nghìn tỷ đồng, tăng tới 14,2% chỉ sau 3 tháng đầu năm.
MB là ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng mạnh nhất hệ thống, tới 56% chỉ sau 3 tháng, đạt 15.294 tỷ đồng vào cuối tháng 3, trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm nợ có khả năng mất vốn khi tăng gấp đôi so với đầu năm, lên 6.048 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó bị kéo mạnh lên 2,49%, so với mức 1,6% hồi đầu năm.
Tại VietABank, theo con số báo cáo, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 3/2024 cũng tăng tới 52,5%, lên 1.678 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 36% lên 779 tỷ; nợ có khả năng mất vốn tăng tới 73,6% lên 875 tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng tăng từ 1,59% hồi đầu năm lên 2,35% khi kết thúc quý I/2024.
HDBank cũng chứng kiến số nợ xấu tăng khá mạnh trong kỳ qua, với mức tăng 32,3%, lên 8.152 tỷ đồng, con số này tại Kienlongbank là 30,9%, tại NamABank là 30,6%,…
Con số nợ xấu tăng nhanh trong khi tốc độ mở rộng của tín dụng ở mức thấp kỷ lục như đã đề cập ở trên khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm tăng khá mạnh từ 3,2% hồi đầu năm lên 3,47% khi kết thúc tháng 3/2024. Trong đó, có tới 24/28 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua, chỉ có 3 thành viên ghi nhận giảm và 2 thành viên đi ngang.

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của các ngân hàng vào cuối tháng 3/2024. Tổng hợp: HM
NCB, VPBank và BaoVietBank đang là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhóm khảo sát, trong đó NCB là trường hợp đáng chú ý nhất khi tỷ lệ nợ xấu lên tới 29%, tức cứ 100 đồng ngân hàng cho vay ra thì có tới 29 đồng trở thành nợ xấu. Đặc biệt, nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tăng 11,6% so với đầu năm và chiếm tới 90,1% trong tổng số 16.920 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng.
Cũng cần lưu ý, ngoài con số gần 17 nghìn tỷ đồng nợ xấu nội bảng, NCB vẫn còn thêm khoản nợ xấu gần 5.321 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu đặc biệt tại Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam – DATC và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam.
Với VPBank, tỷ lệ nợ xấu tại báo cáo hợp nhất đang là 4,83% và tại ngân hàng mẹ là 3,31% do bị ảnh hưởng lớn từ mảng cho vay tiêu dùng. Còn tại BaovietBank, nợ xấu gia tăng 5,2% trong khi tăng trưởng tín dụng âm tới 4,17% đã kéo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng từ 4% hồi đầu năm lên 4,39% khi kết thúc quý I/2024.
Tương tự, một loạt nhà băng khác cũng đồng loạt ghi nhận tỷ lệ nợ xấu/cho vay ở mức cao bao gồm PVCombank (3,96%), ABBank (3,91%), BVBank (3,91%), MSB (3,17%), VietBank (3,1%) và SHB (3%).
Như trên, thống kê cho thấy nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh. Dù vậy, với cơ chế hiện hành, những con số trên chỉ mới phản ánh tương đối chất lượng tài sản của hệ thống. Vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng khó khăn theo Thông tư 02.
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ phía cơ quan quản lý, dư nợ được tái cơ cấu của toàn hệ thống đạt 183,5 nghìn tỷ tại cuối năm 2023 và chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ.
Gia hạn Thông tư 02, ngân hàng “bớt gánh”?
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN theo hướng kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng.
Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024 thay vì thời hạn 30/6/2024 như quy định trước đó.
Theo lý giải của Nhà điều hành, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024.
Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.
Đối với hệ thống TCTD, Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào ngày 31/12/2024.
Vì vậy, đến ngày 31/12/2024, tổ chức tín dụng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết ngày 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.
Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc gia hạn Thông tư 02 cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều khi nhiều chuyên gia cho rằng, việc gia hạn giữ nguyên nhóm nợ có thể khiến bức tranh tài chính của nền kinh tế không rõ ràng, minh bạch. Các ngân hàng cần phân loại đầy đủ các nhóm nợ để chất lượng tín dụng rõ hơn, vì việc này liên quan đến các chính sách điều hành tiền tệ nói riêng và chính sách kinh tế chung của nhà nước.