
Nước thải sinh hoạt hiện nay chủ yếu phát sinh từ 3 nguồn (Ảnh minh họa).
Theo Sở TN-MT Hưng Yên: Tổng lượng nước thải phát sinh trên địa bàn của tỉnh, khoảng 134.000 m3/ngày đêm, trong đó, lượng nước đã qua xử lý ước đạt trên 39.000 m3/ngày đêm, gồm nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt dân cư và làng nghề. Còn lại gần 95.000 m3/ngày đêm, chủ yếu là nước thải sinh hoạt dân cư chưa được xử lý đã đưa ra các ao hồ, sông trục.
Nguồn phát sinh và đặc điểm nước thải sinh hoạt
Nước thải sinh hoạt hiện nay chủ yếu phát sinh từ 3 nguồn, gồm từ khu vực vệ sinh của người và gia súc; từ các chất thải sinh hoạt; và từ nguồn nước thoát sàn.
Nước thải từ khu vực vệ sinh của người và gia súc chủ yếu chứa các chất hữu cơ có mùi hôi thối, có nồng độ ô nhiễm cao, như phân, nước tiểu, cặn bã hữu cơ và các vi sinh vật gây bệnh. Các chỉ số BOD5, COD, N và P có nồng độ ô nhiễm cao đã gây nên hiện tượng phú dưỡng nguồn nước mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nước trong các ao hồ, không khí và đời sống dân cư trong khu vực.
Nước thải từ chất thải sinh hoạt, gồm nước thải từ khu vực nhà bếp và khu vực tắm rửa, như nước rửa rau quả, bát đĩa, xoong nồi, cốc chén phục vụ cho đun nấu và giặt giũ quần áo, tắm rửa cá nhân,… thường chứa nhiều dầu mỡ, cặn bã, rác và các hóa chất tẩy rửa như xà phòng, bột giặt, thuốc tẩy, sữa tắm, dầu rửa bát, dầu gội đầu.
Nước thoát sàn thải ra từ quá trình lau, rửa sàn nhà, sàn bếp, ga ra xe cũng chứa các thành phần gây ô nhiễm như chất tẩy rửa, rác và cặn bẩn.
Hậu quả từ nước thải sinh hoạt không được xử lý
Nước thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đã hòa trộn vào các nguồn nước mặt tự nhiên, thấm xuống các mạch nước ngầm hoặc được động, thực vật hấp thu vào cơ thể.
Hậu quả là, không chỉ làm mất đi nguồn nước mặt đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhà nông còn phải tăng thêm chi phí đầu tư khai thác nguồn nước ngầm để duy trì sản xuất, làm đội giá thành sản phẩm, ảnh hưởng tới thu nhập của những người làm nghề nông.
Ngoài ra, nước mặt bị nhiễm bẩn từ nước thải sinh hoạt, còn gây mùi hôi thối ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, tạo nguồn lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, da liễu.
Theo thống kê từ các cơ quan y tế địa phương, trong một số năm gần đây, tỉ lệ người bị mắc các bệnh cấp và bệnh mãn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm kết mạc, tiêu chảy, viêm da… có xu hướng ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt và giải pháp khắc phục
Nước thải sinh hoạt là nguyên nhân ô nhiễm môi trường vì, trong một số năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa gia tăng mạnh mẽ, đã làm phát sinh nhiều loại chất thải khác nhau từ hoạt động sống của con người, như các hóa chất tẩy rửa, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn từ công nghiệp và rác y tế.
Mặt khác, vẫn còn không ít người dân hoặc là cố ý, hoặc chưa nhận thức được các mối nguy hại tiềm ẩn trong nước thải sinh hoạt, nên đã lạm dụng các hóa chất tẩy rửa trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, có một số nhà hàng ăn uống và cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại đã đổ cả thức ăn thừa, nước rửa chén bát, cặn bã rắn và rác các loại xuống cống rãnh, ao hồ, làm cho đường cống tắc nghẽn, nước thải ứ đọng, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ao hồ bị phú dưỡng.
Đặc biệt còn có nhiều hộ mang cả xác súc vật chết vứt xuống sông ngòi, ao làng. Ngoài ra cũng phải thẳng thắn thừa nhận, công tác thu gom, xử lý nước sinh hoạt chưa được chính quyền địa phương các cấp quan tâm xử lý đúng kỹ thuật.
Để giảm thiểu và tiến tới khắc phục triệt để nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt. Nhà nước cần xây dựng một chiến dịch truyền thông trường kỳ. Chỉ cho mọi người thấy rõ, nước thải sinh hoạt là nơi lưu dưỡng, phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm cho người và vật nuôi.
Hiện tượng xả thải tùy tiện các phế phẩm từ đời sống sinh hoạt hàng ngày, xuống các cống rãnh, sông ngòi sẽ làm cho nguồn nước mặt trên các sông ngòi bị ô nhiễm, chuyển màu đen thối; Chẳng những không thể khai thác phục vụ cho phát triển sinh kế mà còn bốc thoát qua không khí và thấm sâu vào lòng đất; Gây ô nhiễm môi trường và nước ngầm; Ảnh hưởng tới nghiêm trọng tới đời sống dân sinh,…
Đề nghị, các cấp các ngành cần dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Để công tác thu gom, xử lý nước sinh hoạt đạt hiệu quả cao, cần kết hợp nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ ngân sách và từ các nguồn tài trợ khác;
Nên ưu tiên đầu tư xây dựng công trình xử lý nước sinh hoạt cho các khu vực trọng điểm trước, như các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, khu vực có mật độ dân cư sống tập trung cao, các trung tâm dịch vụ thương mại lớn. Và có chính sách hỗ trợ vốn vay hoặc kinh phí cho các hộ, xây dựng nhà vệ sinh khép kín (bể phốt).
Đây là những nhiệm vụ vụ cấp bách, không chỉ của các cấp, các ngành chức năng, mà còn của mọi người dân sinh sống trên địa bàn.