| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ địa chất ven biển Quảng Ninh dưới tác động của bão số 3

Thứ Hai 21/07/2025 , 16:45 (GMT+7)

Khi bão số 3 có khả năng tiến nhanh vào đất liền, giới chuyên gia đặc biệt lo ngại nguy cơ sạt lở ven biển tại nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh.

Với đặc điểm địa hình và địa chất phức tạp, chịu sức ép lớn từ đô thị hóa, khai thác khoáng sản và xây dựng hạ tầng ven biển, Quảng Ninh đang đứng trước thách thức kép: vừa phòng chống bão, vừa ứng phó với nguy cơ sạt trượt, lũ ống, lũ quét, sập sụt và ngập úng do đặc điểm tự nhiên, biến đổi khí hậu và dưới tác động con người.

Lúc 9h sáng 21/7, khu âu cảng đảo Bạch Long Vỹ, gió đã mạnh cấp 7. Ảnh: Đinh Mười.

Lúc 9h sáng 21/7, khu âu cảng đảo Bạch Long Vỹ, gió đã mạnh cấp 7. Ảnh: Đinh Mười.

Sạt lở, lũ quét rình rập

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 (bão Wipha) đang hoạt động mạnh trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, có khả năng đổ bộ vào đất liền nước ta trong ngày 22/7. Dự báo cho thấy bão sẽ gây mưa lớn kéo dài ở khu vực Đông Bắc Bộ, trong đó Quảng Ninh, tỉnh ven biển với địa hình đa dạng và đặc điểm địa chất đặc biệt, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Không chỉ nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu mưa lớn, Quảng Ninh còn đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn nhiều tai biến địa chất. Các khu vực như Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn... vốn có nền địa chất phức tạp, dễ xảy ra các tai biến địa chất. Trong điều kiện thời tiết cực đoan, lượng nước lớn ngấm sâu vào đất đá làm giảm độ bền cơ học, khiến các khối đất đá dễ trượt xuống, gây sạt lở quy mô lớn.

Không thể phủ nhận tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tại Quảng Ninh trong những năm gần đây, đặc biệt ở các đô thị ven biển. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng đó cũng đặt ra nguy cơ địa chất rõ rệt khi nhiều dự án thi công ở vùng có nền địa chất yếu, chưa được xử lý hoặc khảo sát kỹ lưỡng.

TS. Nguyễn Văn Tuấn, Quyền Trưởng phòng Kiến tạo và Địa mạo, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cảnh báo, khu vực ven biển Quảng Ninh có cấu trúc địa chất rất đặc thù, phần lớn là các thành tạo trầm tích lục nguyên, đứt gãy địa chất tồn tại ở nhiều nơi. Các khu vực có hoạt động khai thác than, khoáng sản như Cẩm Phả, Uông Bí còn phát sinh các hầm lò ngầm, làm rỗng tầng đá gốc, gây mất ổn định địa chất bề mặt.

“Khi mưa lớn kéo dài, các khe nứt, hố sụt có thể phát triển nhanh chóng nếu không có biện pháp cảnh báo và gia cố kịp thời. Đặc biệt, đường ven biển chạy dọc theo các triền đồi hoặc khu đô thị lấn biển đang đối mặt nguy cơ sạt lở kép: từ phía đồi dốc xuống và từ biển xâm thực vào”, TS. Tuấn phân tích.

Thực tế cho thấy, Quảng Ninh từng nhiều lần hứng chịu sạt lở nghiêm trọng trong các trận mưa bão lớn. Đáng chú ý là năm 2015, một trận mưa lịch sử kéo dài đã gây ra hàng chục điểm sạt lở, vùi lấp nhà dân, công trình, thiệt hại nặng về người và tài sản. Bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi công tác kiểm tra, đánh giá nguy cơ sạt lở chưa được thực hiện đồng bộ tại tất cả các điểm tiềm ẩn nguy cơ.

Mưa to kèm theo gió mạnh đã làm đổ gãy một số công trình trên địa bàn phường Bãi Cháy, Quảng Ninh. Ảnh: Báo Nhân dân.

Mưa to kèm theo gió mạnh đã làm đổ gãy một số công trình trên địa bàn phường Bãi Cháy, Quảng Ninh. Ảnh: Báo Nhân dân.

TS. Nguyễn Văn Tuấn chỉ rõ, nhiều vị trí ven biển đang trong quá trình thi công hạ tầng giao thông, khu nghỉ dưỡng, đô thị mới... nhưng chưa hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước hoặc chưa đánh giá đầy đủ khả năng chịu lực nền móng:

“Các công trình lớn thường xây dựng trên nền đất yếu cần xử lý kỹ bằng giếng cát, cọc xi măng đất, song nếu không đồng bộ hoặc cắt giảm hạng mục kỹ thuật vì lý do kinh phí, những rủi ro tiềm ẩn sẽ ngày càng lớn”, chuyên gia nói thêm.

Ông cũng cảnh báo: “Không thể xem nhẹ những dấu hiệu như: mặt đường có vết nứt, nền móng bị lún, nứt tường, nứt mặt đất, nước đọng bất thường quanh chân công trình - đó là tín hiệu cảnh báo sự dịch chuyển của các vật liệu đất đá có thể gây sụt lún hoặc sạt lở”.

Chủ động ứng phó - từ giám sát đến hành động

Trước cảnh báo bão Wipha sắp đổ bộ, bên cạnh việc triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương chủ động sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn các công trình xung yếu, các công trình đang thi công dở dang, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư và các hoạt động sản xuất khu vực trũng thấp... 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Văn Tuấn, những hành động đó mới chỉ là ứng phó khẩn cấp. Về lâu dài, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giám sát, cảnh báo tai biến địa chất: cảm biến đo độ dịch chuyển mái dốc, dịch chuyển mặt đất, hệ thống giám sát từ xa (công nghệ viễn thám)… và đặc biệt là xây dựng hệ thống bản đồ tai biến địa chất cập nhật thường xuyên. Việc tích hợp dữ liệu này vào quy hoạch đô thị và hạ tầng sẽ giúp xác định sớm các khu vực rủi ro, từ đó thiết kế và thi công phù hợp.

TS. Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, việc phòng ngừa sạt lở không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà thầu và cộng đồng dân cư.

“Chúng ta phải thay đổi tư duy từ “chống khi xảy ra sự cố” sang “phòng từ gốc rễ”. Trước mỗi dự án ven biển, nhất thiết phải có báo cáo địa chất công trình đầy đủ, có giải pháp kỹ thuật xử lý nền móng rõ ràng, đánh giá nguy cơ tai biến địa chất và có các giải pháp phòng tránh cụ thể, quan trọng hơn là không được phép bỏ qua các khuyến cáo chuyên môn vì lý do chi phí hay tiến độ”, chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đề xuất.

Khi thiên nhiên trở nên bất định và biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng cực đoan ngày càng gia tăng, các tỉnh ven biển như Quảng Ninh không còn nhiều thời gian để do dự. Sạt lở, sập sụt không phải là tai biến đột ngột không thể lường trước, đó là hệ quả của những chuỗi yếu tố có thể giám sát, cảnh báo và giảm nhẹ nếu có sự chuẩn bị tốt.

Bão số 3 có thể sẽ qua đi trong vài ngày tới. Nhưng nếu không hành động ngay từ bây giờ, hậu quả của nó - từ những trận mưa dồn dập làm lở đất, xói lở bờ biển, phá hủy hạ tầng - sẽ còn kéo dài rất lâu sau đó.

Xem thêm

Bình luận mới nhất