Nhiều hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận
Trong buổi sáng ngày 3/7, bộ phận hồ sơ đất đai, địa chính của Điểm phục vụ hành chính công số 1 - khu vực Tứ Liên (thuộc UBND phường Hồng Hà - TP Hà Nội) đã tiếp nhận khoảng 80 phiếu yêu cầu của làm thủ tục hành chính của các công dân. Trong đó, 20 yêu cầu liên quan đế kê khai hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu.
Bà Trần Thị Đức (SN 1957, phường Hồng Hà) cho biết, bà đã mua ngôi nhà cũ từ năm 2009 và chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi Nhà nước có quy định UBND cấp phường sẽ là nơi cấp giấy chứng nhận lần đầu, bà đã ra Điểm phục vụ hành chính công để xin được hướng dẫn làm hồ sơ.
“Sau khi được cán bộ hướng dẫn, tôi biết hồ sơ còn bị thiếu một số giấy tờ như giấy mua bán viết tay, thiếu trích đo địa chính. Sau khi bổ sung đủ hồ sơ, tôi sẽ trở lại phường để được cán bộ tiếp tục hướng dẫn kê khai”, bà Đức chia sẻ.

Người dân phường Hồng Hà kê khai thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu. Ảnh Thùy Linh.
Phường Hồng Hà là đơn vị hành chính đặc biệt của TP Hà Nội với quy mô diện tích và dân số lớn nhất thành phố bởi sáp nhập liên quan địa giới của 12 phường, diện tích tự nhiên khoảng 15 km2, dân số 124 nghìn dân. Do vậy, lượng người dân đến làm thủ tục hành chính rất lớn. Để đáp ứng yêu cầu, UBND phường Hồng Hà đã bố trí cán bộ địa chính có chuyên môn và đội ngũ hướng dẫn từ đoàn luật sư Hà Nội.
Luật sư Trần Thị Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội) được huy trộng trực ở Điểm phục vụ hành chính công số 1- khu vực Tứ Liên từ rất sớm. Theo luật sư Ngọc, người dân đến hỏi thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận rất đông. Trong đó, nhiều người cao tuổi, không biết sử dụng công nghệ thông tin cũng như không biết cách làm hồ sơ giấy tờ. Vấn đề nổi cộm đối với các hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận lần đầu là người dân không có đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, chứng minh nguồn gốc đất. Nhiều trường hợp có giấy tờ mua bán viết tay nhưng lại là giấy photo. Việc này gây khó khăn cho cơ quan hành chính tiếp nhận hồ sơ.
Mong mỏi việc bàn giao hồ sơ thông suốt
Các thủ tục, hồ sơ pháp lý về đất đai vốn rất phức tạp do quá trình sử dụng đất, hồ sơ các công trình xây dựng, công tác quản lý đất đai, các công trình vi phạm nhiều nên các cán bộ phường, xã cũng phải tập hợp, nghiên cứu, sắp xếp quản lý khoa học để phục vụ người dân được tốt hơn. Điều mong mỏi nhất của các cán bộ chính là hệ thống dữ liệu đất đai được kết nối hoàn chỉnh, không bị gián đoạn.
Đồng thời, công tác bàn giao hồ sơ được hoàn thành sớm để kịp trả hồ sơ về cho người dân theo đúng lịch hẹn. Với quyết tâm phục vụ người dân tốt nhất, các địa phương đang tập trung cao độ, bắt tay vào làm việc ngay, đặc biệt là xử lý hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai một cách nhanh nhất.

Các địa phương đang tập trung cao độ để xử lý hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai một cách nhanh nhất. Ảnh: Thùy Linh.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Hà cho biết, để chuẩn bị vận hành mô hình mới, từ 20/6, phường đã tổ chức thực hành giả định các tình huống trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Từ 1/7, phường bố trí 4 điểm hành chính công là điểm Hồng Hà, Phúc Xá, Chương Dương, Bạch Đằng, mỗi chi nhánh có 4 cán bộ tiếp nhận tất cả các hồ sơ của công dân. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là do địa bàn trải rộng, sau khi thu hồ sơ của công dân, phải chuyển về UBND phường để đóng dấu. Do vậy, phường bố trí hai khung giờ tiếp nhận hồ sơ để đóng dấu và trả hồ sơ cho cán bộ. Ngoài ra, việc bàn giao hồ sơ giữa quận và các phường phải rà soát và đối chiếu hồ sơ với thực địa. Trên cơ sở đó, những hồ sơ nào đang làm dang dở, phường sẽ tiếp nhận và xử lý sao cho không bị gián đoạn về thời gian hẹn với công dân.
Chính quyền 2 cấp chính thức vận hành là bước chuyển mình quan trọng của TP. Hà Nội trong tiến trình phát triển. Khó khăn sẽ còn đó nhưng các cấp chính quyền luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, phát huy tinh thần làm việc hiệu năng, hiệu quả phục vụ người dân.