Xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài từ cuối năm 2024 đã khiến nhiều con suối, khe nước cạn khô, trong khi hệ thống cấp nước tự phát được người dân và các đơn vị tự lắp đặt đã hư hỏng nặng, không còn khả năng cấp nước ổn định.
Tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sa Lông và Trường THCS Sa Lông, thầy và trò phải chia sẻ chung một nguồn nước từ đầu nguồn cách gần 4km. Dòng nước yếu, thường xuyên bị gián đoạn, không thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, ăn uống và vệ sinh cho hàng trăm học sinh.

Người dân vùng cao Mường Chà thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Ảnh: Trần Hương.
Theo thầy Lê Xuân Vỹ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sa Lông, mỗi ngày trường cần khoảng 100m³ nước để phục vụ cho hơn 480 học sinh và giáo viên, trong đó có hơn 200 em ở bán trú. Thời điểm hiện tại, trường phải xin dùng chung nước sản xuất của người dân trong bản. Tuy nhiên, lượng nước ít, bà con khi đồng ý, khi không, dẫn đến tình trạng thiếu nước.
Dù nhà trường đã chủ động lắp đặt một số bồn chứa nước tạm thời, tích trữ khi có nước, nhưng chỉ mang tính ứng phó. Về lâu dài, trường đang đề xuất được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước lớn hơn và rất mong được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư công trình nước sinh hoạt bền vững, ổn định cho nhà trường cũng như người dân trên địa bàn.
Không chỉ các trường học, mà nhiều cơ quan, đơn vị và hộ dân trên địa bàn xã Sa Lông cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trạm y tế, trụ sở UBND xã và các bản như Sa Lông 1, Sa Lông 2 thường xuyên trong tình trạng thiếu nước kéo dài.

Học sinh trường Tiểu học Sa Lông sử dung chung nguồn nước của người dân. Ảnh: Trần Hương.
Ông Hồ A Thào, Chủ tịch UBND xã Sa Lông cho biết: Trước đây, nguồn nước sinh hoạt được dẫn từ khe suối cách trung tâm xã khoảng 4 - 5km, đủ cung cấp cho hơn 160 hộ dân và các cơ quan. Nhưng nay, do nắng hạn kéo dài, nguồn nước đã khô cạn. Việc chia sẻ nguồn nước sản xuất với người dân cũng gặp nhiều khó khăn, một số hộ dân không đồng tình, thậm chí có người còn phá hoại đường ống dẫn nước.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, chính quyền xã Sa Lông đã chủ động khảo sát các khe suối khác trên địa bàn để tìm nguồn thay thế, bước đầu xác định được một đầu nguồn nước tiềm năng tại bản Sa Lông 1. Xã đã hoàn thiện báo cáo gửi huyện, đề xuất triển khai khảo sát thiết kế và lập kế hoạch đầu tư công trình nước sinh hoạt quy mô lớn, phục vụ ổn định cho toàn xã.

Đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt mang lại nguồn nước an toàn cho người dân. Ảnh: Trần Hương.
Theo Chủ tịch UBND xã, công trình nước sinh hoạt không chỉ cấp thiết trước mắt mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện chất lượng đời sống người dân là điều kiện bắt buộc, để hoàn thành tiêu chí hạ tầng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tư hạ tầng nước sinh hoạt ở những vùng khó khăn như Sa Lông là yêu cầu cấp thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển bền vững vùng cao.