Ngày 13/5, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường, nhiều nơi trong tỉnh đã xuất hiện mưa rào và giông, cục bộ có mưa to, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đặc biệt, trong chiều ngày 10 và rạng sáng 11/5, mưa lớn, gió mạnh trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất tại nhiều địa phương, trong đó các huyện Quỳnh Nhai, Yên Châu, Sông Mã, Thuận Châu là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Mưa giông tại huyện Quỳnh Nhai làm 3 người bị thương, 2 nhà bán kiên cố sập đổ hoàn toàn. Ảnh: Văn Thiệu.
Qua tổng hợp từ các huyện, mưa giông đã làm 3 người tại xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai) bị thương do đá lăn vào lán trại. Toàn tỉnh có 107 ngôi nhà bị hư hại, trong đó 96 nhà tốc mái dưới 30%, 2 nhà bị sập hoàn toàn...
Sản xuất nông nghiệp cũng chịu thiệt hại lớn. Gần 19 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, bao gồm 8,75 ha xoài bị rụng quả, ước thiệt hại trên 30 tấn, chủ yếu tại huyện Yên Châu; 10 ha mận hậu rụng quả tới 70% tại Thuận Châu. Ngoài ra, nhiều diện tích cây trồng hàng năm, cây lâu năm như ngô, cà phê, chè… cũng bị hư hại. Một số công trình công cộng, hạ tầng như lớp học, nhà văn hóa, cột điện, thiết bị năng lượng mặt trời bị hư hỏng.
Tổng thiệt hại ước tính trên 2,1 tỷ đồng, trong đó, huyện Yên Châu thiệt hại 970,4 triệu đồng; Quỳnh Nhai 870 triệu đồng; Sông Mã 300 triệu đồng; huyện Thuận Châu đang tiếp tục rà soát.

Nhiều diện tích xoài ở Yên Châu bị thiệt hại nặng. Ảnh: Trung tâm TT-VH Yên Châu.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, từ đêm 14 - 17/5 và đêm 19 - 21/5, khu vực tỉnh có khả năng xảy ra mưa vừa, cục bộ có mưa to và giông. Cuối tháng 5, dự báo sẽ xuất hiện một đợt nắng nóng diện rộng, nguy cơ xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật kịp thời thông tin cảnh báo mưa giông, mưa đá tới người dân; rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó. Đặc biệt, các xã vùng sâu, vùng xa cần bảo đảm đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Người dân cần chủ động gia cố nhà cửa, chuồng trại, nhất là tại khu vực đồi dốc, vùng thường xảy ra gió lốc; che chắn cây trồng, vật nuôi và tích trữ nước phục vụ sinh hoạt. Đồng thời, hạn chế lao động ngoài trời vào thời điểm nắng nóng cực điểm từ 10h đến 16h; nâng cao cảnh giác khi có cảnh báo mưa giông để hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất.