Mưa dài ngày, cực đoan và bất thường
Mùa hè năm 2025, người dân nhiều tỉnh miền Bắc cảm nhận rõ rệt nắng nóng ít gay gắt hơn. Mưa xảy ra thường xuyên hơn và đặc biệt, có nhiều nơi xuất hiện lượng mưa trong một ngày lên tới hàng trăm mm.
Đáng chú ý, nếu những năm trước, ngập cục bộ do mưa lớn chủ yếu xảy ra ở các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh; hoặc có vị trí ven sông, ven biển ở duyên hải miền Trung thì thời gian gần đây, nhiều đô thị, khu vực tập trung đông dân ở miền núi và trung du phía Bắc cũng bắt đầu xảy ra ngập úng do mưa cực đoan xuất hiện.
Điển hình vào tháng 6 vừa qua, các thành phố cũ của tỉnh Thái Nguyên như Sông Công, Phổ Yên, Thái Nguyên đã hai lần ngập úng do các đợt mưa vào ngày 20-21/6 và 30-31/6. Các đô thị khác thuộc Lào Cai (Yên Bái cũ), Lạng Sơn, Bắc Ninh (Bắc Giang cũ), Tuyên Quang... đều đã xảy ra ngập úng cục bộ. Ngập bủa vây các tuyến đường dân sinh, tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc, giao thông tê liệt và làm xáo trộn công việc, sinh hoạt của người dân.

Một đoạn đường ở thành phố Lào Cai (cũ) ngập sâu do mưa lớn sáng 27/6/2025. Ảnh: Minh Phúc.
Sắp tới từ 21-24/7, dự báo bão số 3 (bão Wipha) sẽ gây mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Nguy cơ cao xảy ra mưa cực đoan và lũ dâng cao trên các sông. Nhiều khả năng các đô thị sẽ tiếp tục đối mặt với ngập lụt.
Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường): Riêng tại Bắc Bộ, từ khoảng giữa tháng 5 đến nay, khu vực này mưa liên tục. Tổng lượng mưa tháng 5, tháng 6 ở các tỉnh đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-80%, trọng tâm là vùng núi và trung du Bắc Bộ. Sang tháng 7 tiếp tục có mưa diện rộng.
Điều này thể hiện sự bất thường của thời tiết, vì theo quy luật nhiều năm, mưa xảy ra tập trung chỉ trong vài ngày rồi tới một đợt nắng nóng kéo dài, sau đó mới có mưa tiếp.
Cùng với mưa kéo dài, Bắc Bộ cũng xuất hiện những điểm mưa lớn cực đoan (mưa cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn). Trong tháng 6, mưa to đã khiến lũ sông Cầu dâng lên tới báo động 3, dù chỉ mới vào đầu mùa mưa. Theo quy luật hàng năm, lũ các sông ở miền núi Bắc Bộ thường lên nhanh và xuống nhanh, nhưng lũ sông Cầu và thượng nguồn sông Thương lên cao, duy trì trong thời gian dài đồng nghĩa với việc khu vực này liên tục có mưa to.
“Nhờ vào mật độ trạm quan trắc mưa được tăng cường dày hơn, qua theo dõi những năm gần đây, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn ghi nhận mưa cực đoan tăng lên trên phạm vi cả nước. Nhiều nhất là tại khu vực miền núi phía Bắc do đặc trưng địa hình, thời tiết và ảnh hưởng từ các hình thái thời tiết xấu trên quy mô nhỏ” – ông Hoàng Văn Đại nhận định.
Mưa cực đoan rất nguy hiểm do xảy ra rất nhanh, bất ngờ với cường độ lớn nên rất khó ứng phó. Nguy cơ chủ yếu là sạt lở, lũ quét ở khu vực đồi núi dốc và ngập lụt ở khu vực đô thị, khu vực tập trung đân cư, vùng trũng thấp. Mưa lớn vượt quá công suất tiêu thoát nước cộng với lũ từ thượng nguồn đổ về, tất yếu sẽ gây ngập úng cục bộ.
Không để ngập lụt “đến hẹn lại lên”
Thực tế chỉ ra, hàng năm cứ đến mùa mưa, vấn đề ngập úng đô thị lại càng trở nên "nóng" hơn. Mỗi khu vực đô thị lại có những nguyên nhân khác nhau nhưng phần lớn có điểm chung là do hệ thống tiêu thoát nước đô thị đã cũ và yếu kém.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), các thành phố trong quá trình phát triển, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt nếu có mưa cực đoan.

Người dân di chuyển trên đoạn đường ngập sâu ở TP Thái Nguyên (cũ) hôm 21/6/2025. Ảnh: Quang Linh.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đã được Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung tại QCVN 07:2023/BXD và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó, quy chuẩn đối với công trình thoát nước nhấn mạnh: Mọi loại đô thị - nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và đô thị loại I trực thuộc Trung ương, phải đảm bảo thời gian ngập úng không quá 120 phút với chiều cao lớp nước ngập không quá 30cm.
Quy chuẩn làm rõ các quy định kỹ thuật liên quan và yêu cầu các đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp phải dành quỹ đất để xây dựng các hồ điều hòa nước mưa. Đồng thời, phải đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa diện tích hồ điều hòa trên tổng diện tích đô thị, khu dân cư tập trung để hạn chế úng ngập. Việc kiểm tra, thu thập số liệu khí tượng thủy văn, xác định lưu lượng tính toán nhằm phù hợp với chu kỳ tràn cống theo QCXDVN 01:2021/BXD. Đối với những trận mưa với cường độ và lưu lượng vượt quá giá trị tính toán với chu kỳ tràn cống đã lựa chọn, cần có giải pháp phù hợp để hạn chế, giảm thiểu úng ngập, hướng tới mô hình thoát nước bền vững.
Nhận định ngập úng do khả năng thoát nước kém là một trong những thách thức lớn nhất của khu vực đô thị, quy chuẩn của Bộ Xây dựng cũng đề xuất giải pháp/yêu cầu thiết kế kỹ thuật chung đối với các công trình thoát nước, xử lý nước thải đô thị. Các giải pháp khác nhau tùy theo vị trí đô thị xây dựng ở vùng ven biển và hải đảo, vùng đồng bằng hay vùng trung du và miền núi.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, để nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu và ngập úng, hành động của chính quyền đô thị các cấp rất quan trọng. Trong bối cảnh thực hiện chính quyền 2 cấp, các tỉnh/thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện những giải pháp chống ngập mang tính dài hạn, liên kết vùng và tăng cường tính chủ động ở chính quyền cấp xã. Các nhiệm vụ được xem xét trong bài toán phân tích chi phí, lợi ích tổng thể của xã hội (đối tượng bị ngập, khả năng chống chịu) và chi phí đầu tư xây dựng, lợi ích kinh tế, xã hội mà các giải pháp chống ngập đem lại.

Đoạn đường đang thi công dang dở tiềm ẩn nguy cơ tai nạn tại TP Yên Bái (cũ) trong trận mưa sáng 21/6/2025. Ảnh: Thanh Ngà.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng, bản đồ dự báo ngập úng đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch; lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị để quản lý các hoạt động xây dựng. Công tác rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị cần được thực hiện theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi với biến đổi khí hậu, đặc biệt là dự phòng khả năng xảy ra mưa lũ cực đoan, dành không gian cho thoát nước.
Việc phân lưu vực thoát nước hợp lý cần tính đến yếu tố liên kết vùng, đề xuất các khu vực không ngập úng để có các giải pháp bảo vệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước. Khả năng sẽ có các khu vực phải chấp nhận việc sống chung với ngập úng để có giải pháp cảnh báo cho người dân khu vực này phòng tránh an toàn và hiệu quả... Mặt khác, các địa phương cũng sẽ phải tính đến phương án số hóa toàn bộ hệ thống các đường ống, ga thoát nước, mương, hồ điều hòa… làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
“Quy định phân cấp quản lý thoát nước đã có, nhưng vẫn cần thời gian để các cấp chính quyền vận hành chức năng, nhiệm vụ này trong thực tiễn. Với tinh thần kiên quyết, cùng nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền hai cấp, tôi kỳ vọng tình trạng ngập úng đô thị sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ.