![]() |
COP 26 đang diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Ảnh: Unsplash/Stephen O'Donnell |
Diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11, COP 26 được kỳ vọng là cơ hội để các quốc gia trên thế giới đoàn kết và nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị, các nước cũng mong muốn tạo ra thể chế khí hậu mới giúp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
COP 26 sẽ tập trung thảo luận các nội dung chính gồm: Giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5 độ C trong giai đoạn công nghiệp hóa; bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; đảm bảo quỹ tài chính về biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu; khả năng hợp tác để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước cần đầu tư đáng kể cho việc chuyển đổi sản xuất, phát triển, triển khai công nghệ mới và chuyển đổi cơ cấu xã hội. Các quốc gia phát triển đã phát thải lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa vừa qua, nhưng ở cấp độ phát triển công nghiệp dịch vụ hiện nay, tác động đối với biến đổi khí hậu lại không lớn.
Trong khi đó, các nước đang phát triển đang trong quá trình công nghiệp hóa cần phải đẩy mạnh sản xuất nhưng các nước này gặp nhiều khó khăn trong quá trình tăng trưởng công nghiệp do chi phí dành cho biến đổi khí hậu còn thấp. Vấn đề đặt ra là, các nước phát triển phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với biến đổi khí hậu, nhưng hậu quả của biến đổi khí hậu thì toàn thế giới phải gánh chịu, trong khi các nước đang phát triển lại thiếu năng lực để thích ứng.
Do đó, để hỗ trợ các nước đang phát triển có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, Quỹ toàn cầu về biến đổi khí hậu được lập ra. Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí huy động 100 tỷ USD hàng năm từ năm 2020. Tại hội nghị lần này, các bên sẽ cùng thảo luận để xem xét lại cơ chế và các kế hoạch mới cho giai đoạn đến năm 2025.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu giảm thiểu và trung hòa khí thải carbon, các chính phủ cần phải thay đổi cơ bản phương pháp điều hành mọi mặt kinh tế - xã hội và sinh hoạt cuộc sống. Mặc dù việc này đòi hỏi chi phí rất lớn ở hiện tại nhưng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững trong tương lai như tạo cơ hội việc làm, giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện điều kiện sống cũng như sức khỏe của con người.
COP 26 là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi thỏa thuận lịch sử về khí hậu, Hiệp định Paris được 195 nước ký kết tại Hội nghị COP 21 ở thủ đô Paris (Pháp) vào năm 2015, với sự tham gia của hơn 30.000 đại biểu là đại diện các bên tham gia UNFCCC, các nhà đàm phán, doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và giới truyền thông.