| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/04/2025 , 13:47 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 13:47 - 08/04/2025

Kẹo rau Kera và lời nhắc nhở thị trường thực phẩm

Kẹo rau Kera trở thành một từ khóa gây sửng sốt cộng đồng, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án 'sản xuất hàng giả là thực phẩm' và 'lừa dối khách hàng'.

Kẹo rau Kera gây sốt thị trường, khi được nhóm Chị Em Rọt với hai đối tượng chủ chốt là Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs phối hợp hoa hậu Thùy Tiên quảng bá qua các buổi livestream. Tổng cộng, 135 nghìn sản phẩm kẹo rau Kera đã được đưa đến tay hơn 30 nghìn khách hàng, thu được lợi nhuận gần 20 tỷ đồng.

Sau khi bị dư luận phản ánh sự quảng cáo quá lố, lực lượng chức năng đã vào cuộc và phát hiện kẹo rau Kera không đảm bảo chất lượng và có dấu hiệu lừa gạt người tiêu dùng. Hiện tại, 5 đối tượng trong đường dây khuất tất này đã bị khởi tố và hoa hậu Thùy Tiên bị cấm xuất cảnh để mở rộng điều tra. Hành vi gian dối của họ chắc chắn sẽ nhận được hình phạt thích đáng, nhưng câu chuyện kẹo rau Kera lại mang tính nhắc nhở nghiêm khắc cho thị trường thực phẩm, nhất là những sản phẩm liên quan đến nông sản.

Trước hết, sản phẩm kẹo rau Kera không phải “sáng tạo” của nhóm Chị Em Rọt hay Công ty Asia Life. Lại kẹo rau này khá phổ biến tại Trung Quốc, được rao bán rất nhiều trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc. Cho nên, phải nói trắng ra là nhóm Chị Em Rọt đã “ăn cắp ý tưởng” để đặt hàng Công ty Asia Life có trụ sở tại Đắk Lắk sản xuất hàng loạt với thương hiệu riêng. Oái oăm hơn, Công ty Asia Life thay vì dùng rau sạch từ các trang trại VietGAP để chế biến (như quảng cáo) thì lại thu mua bột rau trôi nổi có hàm lượng chỉ 0,61% để làm ra kẹo Kera được công bố hàm lượng 28%.

Ngoài việc tuyên bố “một viên kẹo tương đương một đĩa rau luộc”, nhóm Chị Em Rọt còn cam kết “không có đường, vị ngọt từ rau củ”. Thực tế, trong kẹo rau Kera có đến 35% chất sorbitol là một loại rượu đường tạo ngọt. Chất sorbitol không độc hại, nhưng nếu sử dụng hơn 10g mỗi ngày sẽ dẫn đến tình trạng đau bụng tiêu chảy. Thậm chí, nếu sử dụng hơn 50g chất sorbitol mỗi ngày sẽ gây rối loạn tiêu hóa và mất cân bằng đường ruột.

Tại sao một sản phẩm như kẹo rau Kera được tung ra thị trường một cách dễ dãi như vậy? Thứ nhất, do Nghị định 15/2018 cho phép các sản phẩm thuộc dạng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chỉ cần đăng ký bản công bố và tự công bố, sau đó mới hậu kiểm khi có phản hồi không hài lòng của người tiêu dùng. Thứ hai, nhóm Chị Em Rọt đã khéo léo phát huy ưu điểm “chiến thần livestresm” để chiêu dụ khách hàng tin tưởng chốt đơn mua sản phẩm.

Xưa nay, thực phẩm rất quan trọng với sức khỏe con người, vì “họa từ miệng vào”. Đặc biệt, sản phẩm đã qua chế biến có kèm theo những hoạt chất hỗ trợ, thì người tiêu dùng càng khó kiểm soát. Vì vậy, Luật An toàn thực phẩm cần phải chỉnh sửa quy định, theo hướng thắt chặt chế độ tiền kiểm để bảo vệ cộng đồng. Bởi lẽ, bên cạnh việc đề phòng những sản phẩm chế biến lạm dụng lòng tin khách hàng gây ảnh hưởng đến nông sản Việt, còn phải giám sát những loại vitamin có hạn sử dụng được đưa vào thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung một cách vô tội vạ.