
Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam Đặng Văn Bảo: "Báo Nông nghiệp và Môi trường là cầu nối tri thức của phát triển bền vững". Ảnh: CLV.
Đem khoa học đến gần nông dân
Nông nghiệp và môi trường ngày càng trở thành chủ đề quan tâm lớn của toàn xã hội, khiến vai trò của truyền thông trở nên thiết yếu trong việc kết nối khoa học với thực tiễn. Truyền thông không chỉ là “cầu nối” giúp nông dân tiếp cận thông tin và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về sản xuất bền vững.
Tôi cho rằng báo chí - với cơ chế truyền thông đa chiều như hiện nay - đang ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc tăng cường nhận thức, góp phần quan trọng tạo ra thêm giá trị cho nền kinh tế nông nghiệp. Các kênh báo chí đang đóng vai trò là nguồn thông tin đáng tin cậy, vừa truyền tải chính sách; vừa giải thích, làm rõ những ứng dụng khoa học theo hướng dễ tiếp cận với nông dân.
Song song đó, truyền thông số và mạng xã hội cũng cần định hướng là nền tảng ưu tiên để đưa thông tin đến với nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là thế hệ nông dân trẻ và các doanh nghiệp trong ngành.
Những câu chuyện thành công từ nông dân và hợp tác xã cũng nên được lan tỏa rộng rãi, giúp truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi nhận thức xã hội về thực hành sản xuất bền vững.
Bên cạnh việc phổ biến thông tin, chúng tôi mong muốn báo chí và các cơ quan truyền thông tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp và hiệp hội để phát huy vai trò phản biện chính sách, góp phần xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các giải pháp khoa học đi vào thực tiễn.
Việc hợp nhất hai tờ Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Tài nguyên & Môi trường thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin về nông nghiệp và môi trường, đồng thời mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả truyền thông trong lĩnh vực này.
Qua đây, CropLife Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Báo Nông nghiệp và Môi trường nhằm truyền tải kịp thời các giải pháp khoa học và thực hành nông nghiệp bền vững. Sự phối hợp giữa các bên được kỳ vọng sẽ đem khoa học đến gần hơn với nông dân, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, cân bằng lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng.

Hiệp hội CropLife Việt Nam tổ chức khóa tập huấn vận hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái. Ảnh: Quỳnh Chi.
Để khoa học phát huy hiệu quả thực tiễn
Biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm đang đặt ra những áp lực lớn cho ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, khoa học kỹ thuật không chỉ là “chìa khóa” mà còn là động lực then chốt giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng nông sản và hướng tới phát triển bền vững.
Để khoa học thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tôi cho rằng điều quan trọng là cần tiếp tục thúc đẩy sự kết nối giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong đó lợi ích dành cho nông dân được xem là trọng tâm.
Một trong những yếu tố quan trọng là đảm bảo nông dân có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về các giải pháp khoa học, vai trò của mỗi giải pháp và cách thức ứng dụng những giải pháp này trong thực hành canh tác nông nghiệp đặc thù của Việt Nam. Để có thể đưa ra quyết định đúng đắn, nông dân cần có đủ thông tin về lợi ích kinh tế cũng như cách thức sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật này một cách an toàn, bền vững.
Định hướng trong những năm gần đây trong việc thay đổi từ tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đang phát huy tác dụng, trong đó tăng cường tri thức và kỹ năng cho nông dân trong việc áp dụng công nghệ mới luôn được ưu tiên hàng đầu.
Đây vừa là cơ hội khi chúng ta có điều kiện thuận lợi để giới thiệu tới nông dân nhiều giải pháp và công nghệ khác nhau; nhưng cũng là thách thức bởi việc tiếp nhận và ứng dụng những công nghệ luôn là một quá trình thích nghi theo thời gian với nhiều mô hình triển khai thí điểm thực tiễn.
Khi có kiến thức và kỹ năng đầy đủ, nông dân cũng sẽ nắm được các thức để quản lý các rủi ro có thể có trong quá trình áp dụng, từ đó duy trì được giá trị các giải pháp và công nghệ này và đảm bảo canh tác bền vững.

Báo chí có vai trò đảm bảo nông dân có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về các giải pháp khoa học. Ảnh: Hùng Khang.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực cũng là một yếu tố then chốt. Hiện nay, trình độ chuyên môn của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại, các chương trình đào tạo chuyên sâu vẫn cần được ưu tiên triển khai, đặc biệt về cách vận hành thiết bị công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần đem lại lợi ích về lâu dài.
Ngoài ra, các cơ chế hỗ trợ tài chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới nông nghiệp. Mặc dù nhiều mô hình hợp tác đã giúp tăng khả năng tiếp cận về công nghệ kỹ thuật, nhưng việc mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi và liên kết chuỗi giá trị sẽ giúp nông dân chủ động hơn trong việc tiếp cận vốn và áp dụng khoa học vào sản xuất.
Đồng thời, để ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cao, việc triển khai cần được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống hơn. Hiện nay, các sáng kiến hỗ trợ liên kết vùng và hợp tác công - tư đã và đang góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương, giúp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Hệ thống chính sách cũng là yếu tố quyết định trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học ứng dụng vào thực tế. Sự song hành giữa khoa học và chính sách giúp đảm bảo rằng các sáng kiến tiên tiến không chỉ an toàn mà còn phát huy tối đa tiềm năng khi triển khai. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, việc cập nhật khung pháp lý cần cân bằng giữa tính chặt chẽ và sự linh hoạt, từ đó tạo điều kiện để những giải pháp hiệu quả được áp dụng kịp thời.
Khi các yếu tố này được thực hiện đồng bộ – từ nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng hỗ trợ tài chính cho đến hoàn thiện chính sách, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn và tiến gần hơn đến mục tiêu hiện đại hóa.