Từ ngày 7 đến 9/7, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC), phối hợp cùng Trung tâm BSA đưa 11 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Nhập khẩu Hàn Quốc KIF 2025 (Korea Import Fair 2025) tại Trung tâm Triển lãm COEX, Seoul, Hàn Quốc.

Các sản phẩm có yếu tố bản địa, tự nhiên và bền vững được các nhà mua hàng quốc tế đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trần Quỳnh.
Đây là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại nhập khẩu lớn nhất châu Á, do Hiệp hội các Nhà Nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) tổ chức thường niên dưới sự bảo trợ của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.
Điểm nhấn đặc biệt tại Hội chợ Nhập khẩu Hàn Quốc KIF 2025 là lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và KOIMA, đánh dấu bước phát triển chiến lược trong quan hệ thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.

Lễ ký kết MOU giữa Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và KOIMA. Ảnh: Trần Quỳnh.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, việc ký kết MOU thể hiện sự đánh giá tích cực từ phía Hàn Quốc đối với nỗ lực nâng cao chất lượng, minh bạch nguồn gốc và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế của hàng Việt. Các doanh nghiệp Việt đến với hội chợ không chỉ để bán hàng, mà còn để học hỏi, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, và tìm kiếm khách hàng chiến lược.
Tại khu trưng bày mang tên “Ngôi nhà chung Việt Nam”, các gian hàng mang màu xanh bản địa đã thu hút sự quan tâm nhờ thông điệp thân thiện môi trường, bền vững và tập trung vào sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên, đúng khẩu vị người tiêu dùng Hàn Quốc.
Các sản phẩm giới thiệu bao gồm thực phẩm, đồ uống, sản vật địa phương, thực phẩm tự nhiên và hàng tiêu dùng nhanh, đại diện cho xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp Việt: từ sản xuất truyền thống sang phát triển xanh, sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Nhập khẩu Hàn Quốc KIF 2025 đón tiếp ông Phạm Khắc Tuyên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc (đứng giữa) cùng đoàn công tác từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Trần Quỳnh.
Công ty TNHH Tân Nhiên gây ấn tượng với dòng bánh tráng không cần nhúng nước - một cải tiến độc đáo trong ngành thực phẩm tiện dụng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Kinh doanh chia sẻ, sản phẩm thu hút sự chú ý nhờ sự tiện lợi, sáng tạo và vẫn giữ được chất Việt rõ nét. Công ty hiện sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000 và FSSC 22000, sẵn sàng cho xuất khẩu.
Trong khi đó, doanh nghiệp Tiến Anh đến từ An Giang giới thiệu bánh hạnh nhân không chất phụ gia, được khách hàng Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến thành phần và tính minh bạch trên bao bì. Ông Trần Lê Hùng, Giám đốc công ty cho biết, nhiều đối tác đã tiếp cận, đặt vấn đề về hợp tác lâu dài.
Công ty TNHH Datafa giới thiệu loạt sản phẩm từ yến, nước nha đam, chanh dây đến cà phê, đều có nguồn gốc tự nhiên, phù hợp thị hiếu tiêu dùng lành mạnh của Hàn Quốc. "Chúng tôi đã hết toàn bộ mẫu thử trong buổi sáng đầu tiên, nhiều khách hẹn gặp tiếp tại Việt Nam", ông Phạm Thành Danh, Tổng Giám đốc công ty cho biết.

Các nhà mua hàng quốc tế tìm hiểu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam. Ảnh: Trần Quỳnh.
Tại khu vực kết nối B2B, hàng loạt cuộc gặp 1:1 giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu diễn ra sôi động. Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Trưởng đoàn, cho biết, các sản phẩm có yếu tố bản địa, tự nhiên và bền vững được các nhà mua hàng quốc tế đặc biệt quan tâm. Một số thương hiệu như Tây Cát, Con Tôm Rừng, Eherbal, Jamy Green... ghi nhận phản hồi tích cực về bao bì, thông điệp thương hiệu và sự cam kết với môi trường tại Hội chợ Nhập khẩu Hàn Quốc KIF 2025.
Trước đó, một số doanh nghiệp trong đoàn đã có cuộc tiếp xúc với ông Park Dae Keun, lãnh đạo Công ty xuất nhập khẩu hiện là nhà cung ứng cho Walmart và Costco, mở ra triển vọng hàng Việt xuất hiện tại hệ thống bán lẻ toàn cầu.