Nhiều kết quả đạt được
Quý I/2025, ngành Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục ổn định và phát triển; một số chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá với cùng kỳ, cơ bản đạt và vượt kế hoạch tăng trưởng dự kiến như: Thu ngân sách, sản lượng hàng qua cảng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn...
Trong lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường, TP Hải Phòng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về quản lý chất thải rắn, công tác vệ sinh môi trường; tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí lập đề án chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải TP Hải Phòng. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cũng đang hoàn thiện dự thảo, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết về chuyển đổi xanh.
Đối với sản xuất nông, lâm và thủy sản, diện tích lúa vụ Xuân đã cấy ước đạt 26.954,3 ha, bằng 98,9 % kế hoạch; diện tích rau màu vụ Xuân đã trồng ước 4.059,8 ha, đạt 50,8 % kế hoạch; cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường, chưa có diện tích bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại và sinh vật gây hại cây trồng. Đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi phát triển ổn định, không phát hiện các ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi; sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 50,55 nghìn tấn; tổng số 852 tàu cá đã đăng ký vào hệ thống VN-Fishbase được đánh dấu theo đúng quy định…

TP Hải Phòng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đối với 15/15 quận, huyện. Ảnh: Hoàng Phong.
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% xã (77 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; 45/77 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đang triển khai xây dựng hoàn thành các chỉ tiêu tiêu chí xã nông thôn mới tại 32 xã còn lại, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Có 5/6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 2 huyện (An Lão, Tiên Lãng) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đối với 3 huyện (Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Bạch Long Vĩ), đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới đặc thù gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Cũng trong quý I/2025, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 đối với 15/15 quận, huyện; ban hành 8 quyết định cho thuê đất với tổng diện tích 125,7 ha; 2 quyết định giao đất có tổng diện tích 22,7 ha và 3 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 4,7 ha. Cùng với đó, địa phương cũng tập trung triển khai Đề án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai TP Hải Phòng; thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng trên địa bàn TP. năm 2025…
Đồng loạt triển khai các nhiệm vụ
Để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị các ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công việc và kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, quyết liệt trong thu ngân sách và phát huy vai trò của hệ thống camera giám sát, xử phạt nghiêm các vi phạm về trật tự đường hè, an toàn giao thông…
UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung chỉ đạo theo dõi, bám sát đồng ruộng, chủ động điều tra phát hiện dự tính dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi; tiếp tục thực hiện công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện và tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật cũng như đề xuất đưa quỹ đất đã thu hồi vào khai thác, sử dụng theo quy định. Đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 đảm bảo nội dung và tiến độ yêu cầu.

Làng nghề trồng hoa, cây cảnh tại quận An Dương, TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.
Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường năm 2025 của UBND TP; tiếp tục triển khai nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản 2024; nghiên cứu, đề xuất các định hướng, giải pháp lâu dài bảo vệ nguồn nước ngọt, bảo vệ các dòng sông cung cấp nước ngọt cho TP; điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ bãi sông…
UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị UBND các địa phương rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp và đất hành lang giao thông. Tích cực vận động, tuyên truyền giải thích cho các hộ dân hiểu, chấp hành các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất thực hiện công trình, dự án. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2024 cũng như tăng tốc tiến độ quyết toán các dự án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021-2023.
Năm 2025, TP Hải Phòng đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,5% so với năm 2024; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17% so với năm 2024; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 118.079 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 37 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 4,5 tỷ USD…