7 cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản
Theo UBND TP. Hải Phòng, để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp hữu cơ nâng cao giá trị gia tăng, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách mới khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp. UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố nâng từ 3 cơ chế hỗ trợ lên thành 7 bảy cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.

Hải Phòng sẽ mở rộng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thuỷ sản hàng hoá. Ảnh: minh họa.
7 chính sách hỗ trợ gồm hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản thông minh gắn với chuyển đổi số; chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; chính sách hỗ trợ chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và quy định mức vốn sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp (theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ).
UBND TP. Hải Phòng cho rằng với 7 cơ chế, chính sách hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn để triển khai thực hiện các phương án đầu tư sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy cơ giới hiện đại và nông ngư cụ đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trong đó, thay vì hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng như quy định cũ, các cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay. Mức vay cũng được điều chỉnh tăng lên thành tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ
Với mức hỗ trợ mới sẽ nâng mức hỗ trợ tối đa 600 triệu đồng đối với cơ sở trồng trọt và 1 tỷ đồng đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Hạng mục đầu tư được hỗ trợ lãi suất vay cũng được mở rộng đến tất cả các đối tượng đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản.
Cụ thể, các cơ sở đủ điều kiện hỗ trợ gồm: cơ sở đầu tư nhà lưới, nhà màng, nhà kính có diện tích 1.000 m2; cơ sở chăn nuôi từ 200 con lợn, 10.000 con gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm từ 100 lợn hoặc 1.500 gia cầm hoặc 50 con trâu bò/ngày; tàu cá có chiều dài lớn nhất 15m; đầu tư mới máy làm đất, máy gieo trồng, máy chăm sóc và bảo vệ thực vật, máy thu hoạch…
Tương tự, chính sách hỗ trợ cũng được thực hiện với các cơ sở sản xuất nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng, hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu trên đất lâm nghiệp.

Vườn rau hữu cơ tại HTX công nghệ cao Đại Đồng, TP. Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.
Ngoài ra, còn hỗ trợ tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP và hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư dự án vào nông nghiệp, nông thôn.
UBND TP. Hải Phòng dự kiến trong giai đoạn 2026 – 2030, mỗi năm số tiền hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản khoảng 375 tỷ đồng. Thành phố kỳ vọng nguồn hỗ trợ này sẽ là động lực để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản bình quân 0,9%/năm, thu nhập người lao động lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 558 triệu đồng/người/năm, nền nông nghiệp hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại.