| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội cải cách bộ máy, củng cố niềm tin

Thứ Ba 01/07/2025 , 18:16 (GMT+7)

Mô hình chính quyền đô thị hai cấp tại Thủ đô Hà Nội, khẳng định mạnh mẽ một tư duy quản trị, từ cải cách bộ máy đến cải cách niềm tin của nhân dân.

Bộ máy hành chính linh hoạt, gần dân

Trong dòng chảy đổi mới không ngừng của Thủ đô Hà Nội, mô hình chính quyền đô thị hai cấp, thành phố và phường không đơn thuần là một cấu trúc hành chính mới. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ cho một tư duy quản trị hiện đại, đặt người dân vào trung tâm và coi sự phục vụ là mục tiêu tối thượng.

Người dân đến làm việc tại UBND phường Lĩnh Nam. Ảnh: Xuân Hà.

Người dân đến làm việc tại UBND phường Lĩnh Nam. Ảnh: Xuân Hà.

Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp tại Hà Nội căn cứ theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, từ ngày 01/7/2025, ở thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương chỉ tồn tại ở hai cấp là cấp thành phố và xã, phường.

Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, sau khi mô hình được vận hành sẽ cắt giảm trên 500 vị trí đại biểu HĐND cấp quận, huyện, đồng thời giảm từ 15 đến 20% biên chế gián tiếp tại các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, tương đương khoảng 2.000 người.

Nhân sự dôi dư sẽ được sắp xếp lại một cách bài bản, chuyển về tăng cường cho cơ sở hoặc điều chuyển phù hợp về các cơ quan chuyên môn của thành phố. Để đáp ứng yêu cầu này, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phường/ xã. Trên 70% cán bộ cơ sở bắt buộc phải đạt chuẩn về chuyên môn, tin học và kỹ năng hành chính trước ngày 1/7/2025. Gần 5.000 cán bộ, công chức cấp xã đã và đang được tổ chức tập huấn, đào tạo lại. Bên cạnh đó, 100% xã, phường được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, bảo đảm vận hành nền hành chính số hiện đại, kết nối xuyên suốt.

Anh Ngô Đức Hòa - Tổ 21 phường Lĩnh Nam chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Xuân Hà.

Anh Ngô Đức Hòa - Tổ 21 phường Lĩnh Nam chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Xuân Hà.

Một điểm nhấn trong kỳ vọng của người dân Thủ đô là chính quyền đô thị không chỉ phục vụ, mà còn phải được “kiến tạo” cùng người dân.

Người dân không đòi hỏi điều gì quá lớn, họ chỉ mong một bộ máy hành chính hiểu việc, hiểu người, giải quyết đúng, trúng và kịp thời những bức xúc từ cơ sở. Như anh Ngô Đức Hòa ở tổ dân phố 21, phường Lĩnh Nam mong mỏi lớn nhất là bộ máy hành chính sau tinh gọn sẽ vận hành thực sự hiệu quả, gần dân hơn, phục vụ dân nhanh hơn và minh bạch hơn.

Theo anh Hòa, mô hình mới tạo điều kiện để Chủ tịch UBND phường chủ động trong chỉ đạo, điều hành, không còn phải qua nhiều bước xin ý kiến như trước đây. Đây không đơn thuần là sự thay đổi về mặt tổ chức, mà là chuyển biến sâu sắc về tư duy phục vụ. Chính quyền phải là người đồng hành cùng dân, giải quyết nhanh, sát, đúng những bức xúc từ cơ sở.

Còn chị Nguyễn Ngọc Linh Đan, cư dân phố Ô Chợ Dừa, phường Đống Đa, bày tỏ mong muốn chính quyền cấp phường cần thật sự trở thành ‘bạn đồng hành’ của người dân - không làm việc kiểu hành chính khô khan mà phải linh hoạt, thấu hiểu và gần gũi. Chỉ cần khi đến UBND phường, thủ tục được hướng dẫn rõ ràng, giải quyết minh bạch, không mất nhiều thời gian và công sức đi lại.

Kiến tạo nền hành chính gần dân hơn

Với dân số hơn 12 triệu người, mật độ đô thị hóa cao và tốc độ tăng trưởng nhanh, thành phố Hà Nội cần một mô hình quản trị hiện đại, linh hoạt và thân thiện hơn với người dân.

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, được thể chế hóa tại Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 sẽ tạo điều kiện rút ngắn tầng nấc trung gian, tăng quyền tự chủ cho cấp xã, phường, giúp giải quyết nhanh các vấn đề dân sinh.

Người dân đến làm việc tại UBND phường Đống Đa. Ảnh: Xuân Hà.

Người dân đến làm việc tại UBND phường Đống Đa. Ảnh: Xuân Hà.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ ngày 13/6 đến ngày 19/6/2025, thành phố Hà Nội cam kết duy trì chất lượng phục vụ như trước và sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công, công khai - minh bạch - lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Và quan trọng hơn hết, người dân không còn là “khán giả” thụ hưởng, mà đang từng bước trở thành chủ thể kiến tạo. Họ tham gia giám sát, phản biện, đồng hành, không phải để gây khó dễ, mà để cùng vun đắp một chính quyền liêm chính, minh bạch. Bởi chính lòng tin của nhân dân là cốt lõi của sự phát triển bền vững. Một chính quyền hiện đại không thể thành hình nếu thiếu đi sự tin tưởng, hợp tác và phản hồi từ người dân.

Thành công của mô hình chính quyền đô thị 2 cấp tại Hà Nội nếu được đo đếm sẽ không chỉ bằng số lượng thủ tục hành chính rút gọn hay ứng dụng công nghệ triển khai, mà bằng chỉ số hài lòng thầm lặng trong mỗi người dân.

Xem thêm

Bình luận mới nhất