
Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: Sơn Trang.
Những ngày đầu tháng 4, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng sẽ áp dụng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, giá cà phê Việt Nam đã liên tục giảm mạnh. Ngày 1/4, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên đang ở mức 132.000 đồng/kg. Chỉ hơn 1 tuần sau đó, vào ngày 9/4, giá cà phê chỉ còn 118.000 đồng/kg. Riêng tại Lâm Đồng, giá cà phê còn 116.000 đồng/kg.
Trên thị trường cà phê thế giới, giá cà phê cũng liên tục giảm mạnh. Đến ngày 9/4, giá cà phê Robusta tại London chỉ còn 4.608 USD/tấn, giảm 1.251 USD/tấn so với mức giá kỷ lục 5.849 USD/tấn. Còn tại thị trường New York, giá cà phê Arabica chỉ còn 7.175 USD/tấn, giảm tới 2.356 USD/tấn so với mức đỉnh là 9.554 USD/tấn.
Ngay sau khi chính quyền Mỹ thông báo hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày, giá cà phê ở Việt Nam đã lập tức có những phản ứng tích cực. Tại các tỉnh Tây Nguyên, trong ngày 10/4, giá cà phê tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg lên mức 119.000 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, giá cà phê tăng 1.300 đồng/kg lên ở mức 117.300 đồng/kg.
Từ đó đến nay, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên liên tục tăng. Đến sáng ngày 16/4, giá cà phê đã ở mức 132.000 đồng/kg, tương đương với thời điểm trước ngày Mỹ công bố thuế đối ứng với các đối tác thương mại.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta và Arabica cũng liên tục tăng trở lại, và hiện cũng đã ở mức tương đương với thời điểm trước ngày 2/4.

Nguồn cung cà phê Robusta đang tăng lên khi Brazil, Indonesia bước vào thu hoạch. Ảnh: Sơn Trang.
Giá cà phê tăng có nguyên nhân từ việc nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để tranh thủ xuất hàng sang Mỹ trong quãng thời gian chính quyền Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng. Việc Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng cũng giúp cho hoạt động kinh doanh, mua bán cà phê trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích thị trường cà phê, nguyên nhân chính khiến cho giá cà phê tăng mạnh trở lại trong những ngày qua không phải do cung cầu mà do sự hạ giá của đồng USD. Chính sách thuế quan của ông Donald Trump đã gây ra những nguy cơ rủi ro lâu dài, dẫn tới sự mất niềm tin của giới đầu tư tài chính với USD và họ không còn quá mặn mà với đồng tiền này nữa. Kể cả sau này, khi USD mạnh trở lại, các nhà đầu tư có thể vẫn sẵn sàng “tháo chạy” khỏi đồng tiền này để tránh nguy cơ thua lỗ trong kinh doanh.
Khi USD không còn là nơi trú ẩn đáng tin cậy của giới đầu tư tài chính, lại là cơ hội cho giá hàng hóa trên các sàn giao dịch. Với cà phê, khi chỉ số USD/DXY giảm xuống dưới 100 điểm, các nhà đầu cơ thấy yên tâm hơn và tăng mua khống trên các sàn giao dịch cà phê.
Ở Việt Nam, giá USD có xu hướng tăng trong những ngày qua và đã vượt mốc 26.000 đồng, cũng là nguyên nhân chính làm tăng giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên.
Giá cà phê vẫn sẽ có xu hướng tăng lên trong những ngày tới. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng giá khó quay trở lại mức đỉnh 5.849 USD/tấn với cà phê Robusta trên sàn giao dịch London và 9.554 USD/tấn với cà phê Arabica trên sàn New York. Trước hết, Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch cà phê Robusta, khiến cho nguồn cung loại cà phê này đang tăng lên.
Mặt khác, Mỹ là quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới, do đó, giá cà phê tăng cao trên toàn cầu có thể sẽ gây sự chú ý của chính quyền của ông Donald Trump. Với những chính sách rất khó lường của chính quyền Mỹ, các nhà đầu cơ sẽ trở nên thận trọng hơn và tính toán giữ giá cà phê ở một mức nào đó trên các sàn giao dịch.
Theo Hải quan Việt Nam, trong quý 1 năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 15,3% về lượng khi chỉ đạt 496 nghìn tấn. Nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh nên kim ngạch đã đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2024.