| Hotline: 0983.970.780

EU tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới lên 20%

Thứ Ba 24/12/2024 , 13:42 (GMT+7)

Do sầu riêng không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc BVTV, căn cứ Quy định (EU) 2019/1793, châu Âu tăng tần suất kiểm tra biên giới từ 10% lên 20%.

Sầu riêng bị EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới lên 20%. Ảnh: Huyền My.

Sầu riêng bị EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới lên 20%. Ảnh: Huyền My.

Thông tin được nêu trong Công văn số 592 được Văn phòng SPS Việt Nam gửi Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trích từ văn bản G/SPS/N/EU/804 của Ban Thư ký Ủy ban SPS/WTO thông báo về Quy định (EU) 2024/3153 ban hành ngày 18/12.

Theo đó, đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc BVTV, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.

Đối với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới. Cụ thể: thanh long: 30%, ớt: 50%, đậu bắp: 50%. Cả 3 sản phẩm này khi nhập khẩu vào EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV.

Chia sẻ thêm về sầu riêng, TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, nhiều hoạt chất thuốc BVTV còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid...

Các hoạt chất này được EU quy định mức dư lượng tối đa (MRL) từ 0,005 - 0,1 mg/kg. Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này, có mức tồn dư từ 0,021 - 6,3 mg/kg, cao gấp nhiều lần.

Bên cạnh sầu riêng Việt Nam, một số nông sản xuất khẩu từ các quốc gia khác như hạt thì là Ấn Độ, đậu bắp Ấn Độ, đậu mắt đen Madagascar, ớt (không phải ớt ngọt) Rwanda... cũng bị EU tăng tần suất kiểm tra.

Dù vậy, EU chưa chuyển các mặt hàng này, bao gồm sầu riêng Việt Nam, sang Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu), mà vẫn giữ ở Phụ lục I (chỉ kiểm soát tại cửa khẩu).

Nếu bị chuyển sang Phụ lục II, sầu riêng xuất EU cần có thêm chứng thư (Giấy kiểm định an toàn thực phẩm) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, ở đây là Cục BVTV (Bộ NN-PTNT). Một số nông sản của Việt Nam đang ở Phụ lục II, như thanh long, ớt, đậu bắp.

Định kỳ, 6 tháng một lần, EU sẽ xem xét việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu để sửa đổi tần suất kiểm tra biên giới đối với từng sản phẩm.

Nếu tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, mặt hàng nhập khẩu sẽ được "nới lỏng", bao gồm các biện pháp: không bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm và có chứng nhận chính thức khi xuất khẩu sang EU, đồng thời tần suất lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu cũng giảm đi.

Tại văn bản G/SPS/N/EU/804, EU đã nới lỏng kiểm tra với một số sản phẩm, trong đó có đưa đậu măng tây Dominica khỏi Phụ lục I, hay giảm tần suất kiểm tra của cam Ai Cập từ 30% xuống 20%.

Xem thêm
Giá sò huyết và tôm nuôi nước lợ đồng loạt giảm

Kiên Giang Từ đầu tháng 4 cho đến nay, giá sò huyết và tôm nuôi nước lợ đồng loạt giảm, với mức giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg.

Gian lận bảo hiểm thất nghiệp người lao động sẽ gặp rắc rối lớn

Nhiều lao động cố tình gian lận để hưởng trợ cấp thất nghiệp đang đối mặt nguy cơ bị thu hồi tiền, xử phạt hành chính và mất toàn bộ quyền lợi bảo hiểm.

Chủ tịch TH đề xuất 3 trụ cột phát huy vai trò hợp tác công- tư

Bà Thái Hương là một trong các doanh nhân tiêu biểu được cùng các lãnh đạo cấp cao phân tích tầm nhìn chiến lược sâu sắc, toàn diện về hợp tác công - tư.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.