Theo nội dung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã quy định đầy đủ tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là chính sách môi trường yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thu gom, xử lý hoặc đóng góp tài chính để tái chế các sản phẩm, bao bì do mình đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Phan, Văn phòng EPR, nhấn mạnh việc kê khai đầy đủ và đúng hạn trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.
Trước khi có các quy định cụ thể về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), phần lớn bao bì sau sử dụng bị thải bỏ trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, khi Việt Nam thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, các nhà sản xuất, nhập khẩu buộc phải tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
"Một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định 05/2025/NĐ-CP vừa ban hành, đó là quy định rõ việc loại trừ trách nhiệm EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì. Trong đó bao gồm nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm...", ông Nguyễn Văn Phan, Văn phòng EPR cho biết.
Cụ thể, nghị định số 05/2025/NĐ-CP vừa ban hành, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy làm 2 nội dung. Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và một số loại bao bì có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.
Đối với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, kẹo cao su, thuốc lá,… một số sản phẩm nhựa tổng hợp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01/01/2022. Bao bì, pin sạc - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, sản phẩm điện, điện tử, phương tiện giao thông nằm trong nhóm danh mục bắt buộc phải đóng góp EPR. Trong đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì chịu ảnh hưởng chính.
Ngoài ra, Nghị định 05 cũng quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc, là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được thu gom và tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trong năm thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng dần tỷ lệ này, 3 năm một lần.

Doanh nghiệp cần nắm rõ quy định EPR để thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm sau sử dụng theo đúng lộ trình. Ảnh minh hoạ.
Việc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được xác định bằng công thức: F = R x V x Fs, trong đó R là tỷ lệ tái chế bắt buộc, V là lượng sản phẩm, bao bì đưa ra thị trường, còn Fs là định mức chi phí tái chế.Fs được sửa đổi theo Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT ngày 28/2/2025. Ví dụ, với bao bì giấy, carton, Fs=1,938; bao bì nhôm, Fs=2,448; bao bì sắt và kim loại khác, Fs=3,672...
"Doanh nghiệp lưu ý kê khai và gửi bản kê khai số tiền đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải trên Hệ thống thông tin EPR quốc gia, đồng thời kê khai theo lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu đưa ra thị trường trong năm liền trước”, đại diện Văn phòng EPR cho biết.
Theo tinh thần của Nghị định 05, là tăng cường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Do đó, chi phí tái chế đa vật liệu mềm sẽ cao hơn. Nếu doanh nghiệp có vật liệu, bao bì thuộc vùng chuyển giao giữa 2 Thông tư, thì cần kê khai đầy đủ, theo cả 2 mục (đơn và đa vật liệu mềm). Nhưng chi phí sẽ đóng ở mức cao hơn, theo các quy định mới.
Việc quy định rõ nhóm doanh nghiệp được miễn trừ trách nhiệm EPR không chỉ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhỏ, mà còn góp phần khuyến khích sản xuất sạch hơn, giảm áp lực chi phí và thúc đẩy lộ trình thực thi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.