| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên quản lý bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ Ba 13/05/2025 , 15:49 (GMT+7)

Tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cấm săn bắt trái phép, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật hoang dã.

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có hơn 423.000ha rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Hệ thực vật rừng gồm 948 loài, trong đó có 41 loài thực vật được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Các hệ sinh thái cây bụi, tre nứa có 405 loài thực vật, gồm 3 loài quý hiếm là kim cang nhiều tán, kim cang petelo và hà thủ ô đỏ. Hệ sinh thái trảng cỏ có 259 loài, phần lớn hình thành sau cháy rừng, đốt nương rẫy hoặc các hoạt động đốt cỏ vào mùa khô.

Thả cá thể Khỉ vàng tại Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé. Ảnh: Trần Hương.

Thả cá thể Khỉ vàng tại Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé. Ảnh: Trần Hương.

Diện tích rừng rộng lớn là môi trường sống của nhiều loài động vật, trong đó có những loài quý hiếm và nguy cấp. Toàn tỉnh hiện có 3.255 cá thể động vật hoang dã. Trong đó, 889 cá thể thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; còn lại 2.366 cá thể là động vật rừng thông thường.

Đặc biệt, Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé và rừng di tích lịch sử, cảnh quan môi trường Mường Phăng là hai khu vực có sự đa dạng sinh học cao, cảnh quan tự nhiên độc đáo, chứa đựng nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé hiện có 27 bộ, 95 họ và 133 loài động vật rừng. Trong đó, 55 loài là động vật quý hiếm như gấu chó, gấu ngựa, vượn bạc má, voọc, khỉ, công, niệc cổ hung… Về chim và bò sát, đã ghi nhận 210 loài chim thuộc 13 bộ, 46 họ, trong đó có hai loài được ghi trong Sách đỏ IUCN là bồng chanh rừng và sẻ đồng ngực vàng.

Khu rừng đặc dụng Mường Phăng đa dang sinh học được bảo vệ chặt chẽ. Ảnh: Trần Hương.

Khu rừng đặc dụng Mường Phăng đa dang sinh học được bảo vệ chặt chẽ. Ảnh: Trần Hương.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Những năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan rừng, tạo điều kiện để các loài động thực vật phát triển. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về vai trò của việc bảo vệ hệ sinh thái, thực vật, động vật rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Đơn vị cũng phối hợp với cơ quan chức năng duy trì, phát triển nguồn gen quý hiếm của các loài động vật rừng.

Để tiếp tục phát triển giá trị hệ sinh thái rừng, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm soát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Lực lượng kiểm lâm Mường Nhé thả cá thể động vật hoang dã. Ảnh: Trần Hương.

Lực lượng kiểm lâm Mường Nhé thả cá thể động vật hoang dã. Ảnh: Trần Hương.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng các dự án hỗ trợ, chương trình và hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển, khai thác, chế biến bền vững lâm sản ngoài gỗ và dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư sống gần rừng. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cũng là giải pháp quan trọng nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Chính thức kiểm tra 53 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi

NGHỆ AN Ngày 6/5, Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 53 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại tỉnh Nghệ An đã chính thức được bắt đầu.

Tăng trữ nước, giảm rủi ro vụ hè thu

ĐBSCL Nhiều tỉnh ĐBSCL đang khẩn trương tích trữ nước, nạo vét kênh mương, điều chỉnh thời vụ sản xuất nhằm ứng phó xâm nhập mặn và bảo đảm nước tưới trong vụ hè thu 2025.

Lan tỏa nhận thức, khơi dậy hành động vì biển xanh

Thông qua các hoạt động của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, sẽ tạo những giải pháp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển Việt Nam.