| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất cán bộ, công chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thứ Tư 07/05/2025 , 16:43 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cán bộ, công chức, viên chức vào diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi trong bối cảnh tinh giản biên chế.

Ngày 7/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó nhiều đại biểu đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người hiện nay chưa thuộc diện tham gia chính sách này.

Kiến nghị bổ sung cán bộ, công chức, viên chức vào diện tham gia BHTN

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, trong bối cảnh bộ máy hành chính đang từng bước tinh gọn, tiến tới xóa bỏ “biên chế suốt đời”, nguy cơ mất việc đối với cán bộ, công chức, viên chức là có thật nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo bà Trân, để khuyến khích họ nỗ lực giữ việc làm, có ý thức hoàn thành tốt công vụ, cần xem xét bổ sung nhóm “cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” vào đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: Phạm Thắng.

“Đây sẽ là bước đi chủ động của Nhà nước nhằm bảo vệ lực lượng lao động trong khu vực công trước những thay đổi về cơ chế, chính sách”, đại biểu nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng đã đến lúc thay đổi cách tiếp cận của Luật Việc làm khi chỉ điều chỉnh người lao động theo hợp đồng, mà chưa tính đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức – những người thực chất cũng đang lao động và cống hiến.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: Phạm Thắng.

Linh hoạt hơn trong điều kiện hưởng BHTN

Một điểm khác được đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân lưu tâm là quy định hiện hành về điều kiện hưởng BHTN còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo dự thảo luật, người đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không được hưởng BHTN, dẫn tới nhiều trường hợp người lao động dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng vì lý do khách quan như ốm đau, bệnh tật buộc phải nghỉ việc vẫn không có nguồn hỗ trợ trong thời gian chờ nhận lương hưu.

“Tôi đề nghị nên cho phép nhóm này được hưởng BHTN theo thời gian quy định, nhằm giúp họ có chi phí trang trải trong giai đoạn khó khăn”, bà Trân phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật không nên là lý do để tước quyền hưởng BHTN, nếu họ đã tham gia và đóng đầy đủ. “Chỉ khi người lao động không đóng hoặc trốn đóng BHTN thì mới không đủ điều kiện hưởng. Cần có cách tiếp cận khuyến khích hơn, thay vì mang tính ràng buộc quá cứng nhắc”, bà Tâm nói.

Tạo đòn bẩy cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển việc làm

Cũng tại phiên thảo luận, TS. Trần Văn Khải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn Hà Nam) nêu quan ngại về việc dự thảo luật chưa thể hiện rõ vai trò chủ lực của khu vực kinh tế tư nhân trong tạo việc làm.

Đại biểu Trần Văn Khải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn Hà Nam). Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu Trần Văn Khải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn Hà Nam). Ảnh: Phạm Thắng.

Theo đại biểu Khải, khu vực tư nhân hiện thu hút đến 82% lực lượng lao động, dự kiến tăng lên 84-85% vào năm 2030. Tuy nhiên, các chính sách trong dự thảo vẫn thiên về hỗ trợ chung, thiếu định hướng cụ thể cho khối này. “Nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho khu vực tư nhân, thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng việc làm bền vững”, ông nhận định.

Đại biểu đề xuất bổ sung chính sách “ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững”. Bên cạnh đó, cần mở rộng ưu đãi cho các doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể các hình thức hỗ trợ tương ứng.

Để đáp ứng xu thế chuyển đổi số, ông Khải cũng kiến nghị bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm được vay vốn ưu đãi, và cần phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc. Song song, phải có cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương trong triển khai chính sách việc làm, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi.

Các ý kiến tại phiên thảo luận cho thấy sự đồng thuận cao về nhu cầu phải thiết kế lại chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bao trùm, công bằng và bám sát thực tiễn chuyển động của thị trường lao động. Việc bổ sung cán bộ, công chức, viên chức vào diện tham gia BHTN không chỉ là sự điều chỉnh cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho lực lượng lao động khu vực công, mà còn là một bước tiến trong tiến trình cải cách hành chính và xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.

Xem thêm
Gia cố hồ chứa bùn thải trước mùa mưa lũ

YÊN BÁI Huyện Trấn Yên chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tập trung gia cố hồ đập, hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại trong mùa mưa lũ đang cận kề.