
Lực lượng chức năng kiểm tra và bắt giữ lô hàng 10 tấn nội tạng đông lạnh hồi đầu tháng 7/2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công thương sẽ chuyển mạnh sang công tác hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, đảm bảo hài hòa với các chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, Bộ sẽ thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên hệ thống phần mềm Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, theo phạm vị chức năng được phân công.
Ba đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm trong 6 tháng cuối năm, là Tết Trung thu, dịp cuối năm, và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Với mục tiêu quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các kho hàng thực phẩm đông lạnh sẽ được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Một số cơ quan chức năng gắn bó mật thiết như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an...sẽ được các cơ quan Quản lý thị trường địa phương chủ động phối hợp, nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Để hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được nâng lên một bước.
Về xuất khẩu nông sản, Bộ Công thương đang đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, đồng thời phối hợp với các quốc gia khác để kiểm tra thực phẩm tại nguồn. Những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được Bộ hứa tháo gỡ.
Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ, phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm. Lũy tích đến nay, 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước được thành lập. Trong đó, 13 cơ sở ngoài công lập, 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu được chỉ định/ủy quyền, 6 cơ quan kiểm tra ngoài công lập, và 3 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng.
Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 8 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nam Định và Thái Bình. Kết quả, trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố không xảy ra ngộ độc thực phẩm.