Hiệu quả bước đầu
Vườn nho thung lũng Nam Yên của anh Lê Quốc Hiền tại xã Hòa Bắc là một trong những mô hình thí điểm kinh doanh dịch vụ du lịch trên đất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang, thực hiện theo Nghị quyết 82/2021 của HĐND thành phố Đà Nẵng về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Nông trại có diện tích gần 9.000 m2, vào vụ thu hoạch nho mỗi tháng đón từ 1.600-2000 lượt khách đến đến tham quan. Du khách được trải nghiệm các hoạt động như: chăm sóc, trải nghiệm hái nho, cắm trại, tận hưởng không khí trong lành. Tại đây còn bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Hòa Vang.

Vườn nho của anh Hiền là một trong những mô hình thí điểm kinh doanh dịch vụ du lịch trên đất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang. Ảnh: Lan Anh
Anh Hiền cho biết, việc kết hợp nông nghiệp gắn với du lịch là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị nông sản và rất phù hợp với xu thế hiện nay.
“Toàn bộ khu đất trước đây trồng cây không hiệu quả nên việc tham gia vào mô hình của huyện Hòa Vang phê duyệt là hướng đi đúng nhằm tối ưu nguồn lực đất đai. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cải tạo lại vườn, phát triển thêm một số cây trồng kết hợp để hình thành mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp, kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến nổi bật, thúc đẩy phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp bền vững tại Hòa Vang”, anh Hiền chia sẻ.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, nhu cầu phát triển du lịch trên đất nông-lâm nghiệp ở Hòa Vang rất lớn. Sau khi Nghị quyết số 82/NQ-HĐND của HĐND thành phố Đà Nẵng ngày 17/12/2021 về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được ban hành, địa phương đã tiếp nhận 61 hồ sơ đăng ký thực hiện, trong đó, có 15 mô hình được thẩm định và chấp thuận chủ trương.
Qua hơn 2 năm triển khai, Hòa Vang trở thành địa phương cung cấp dịch vụ giáo dục trải nghiệm nông nghiệp, vui chơi cho học sinh phổ thông các cấp của toàn thành phố. Đồng thời, việc phát triển du lịch trên đất nông nghiệp làm cho đất đai sinh lời tốt hơn so với sản xuất nông nghiệp và huyện có thêm khoản thu cho ngân sách. Quan trọng nhất, các mô hình này đã giải quyết “việc làm tại chỗ” và một phần đầu ra cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP địa phương.
Còn nhiều vướng mắc
Theo Nghị quyết 82, mô hình thực hiện thí điểm đối với đất nông nghiệp phải có diện tích từ 3.000m2 trở lên. Trong đó, tối thiểu 70% diện tích đất phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp và 30% còn lại phục vụ du lịch. Áp dụng vào thực tế, những tiêu chí này rất khó để thực hiện.
Ông Bùi Đức Vũ, chủ khu du lịch Yên Retreat, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Theo Nghị quyết 82, 70% làm nông nghiệp, 30% là phục vụ du lịch, như cơ sở của chúng tôi đây nằm dọc bờ sông, không thể trồng nông nghiệp được về mùa mưa lũ. Diện tích 70% phục vụ nông nghiệp thì quá khó mà thực hiện”.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình phụ trợ như đường nội bộ, bãi đỗ xe, khu ăn uống, vệ sinh… là cần thiết để phục vụ du khách. Tuy nhiên, để xây dựng các hạng mục này cần phải san gạt mặt bằng hoặc xây dựng có phần kiên cố, làm thay đổi hiện trạng đất, từ đó phát sinh nguy cơ vi phạm quy định về đất đai và xây dựng theo Nghị quyết 82.

Mô hình du lịch nông nghiệp ở Hòa Vang đang mang lại nhiều giá trị bước đầu. Ảnh: Lan Anh.
Đặc biệt, mô hình thí điểm không được cung cấp dịch vụ lưu trú. Trong khi đó, nhiều du khách có nhu cầu trải nghiệm cắm trại và lưu trú qua đêm từ 1 đến 2 đêm. Luật Du lịch cũng chưa có quy định cụ thể đối với loại hình lưu trú này. Điều này khiến các tổ chức, cá nhân gặp lúng túng trong quá trình tổ chức và triển khai mô hình, dẫn đến tâm lý e ngại, chậm triển khai thực tế.
Trước những khó khăn trong triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, địa phương đã kiến nghị với thành phố điều chỉnh Nghị quyết cho phép tổ chức lưu trú qua đêm tại các mô hình du lịch nông nghiệp đang triển khai. Nhu cầu này xuất phát từ thực tế du khách có xu hướng muốn trải nghiệm dài ngày, trong khi nhiều điểm đến chưa thể cung cấp dịch vụ lưu trú do chưa được quy định. Nếu được cho phép, chủ đầu tư phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và dịch vụ theo Điều 49 của Luật Du lịch mới được phép hoạt động.
Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh Khoản 4, Điều 1 của Nghị quyết 82, cho phép nhà đầu tư được thay đổi hiện trạng đất với quy mô nhỏ, cục bộ. Việc này nhằm phục vụ xây dựng các hạng mục thiết yếu như lối đi nội bộ, bãi đỗ xe, hồ chứa nước tưới, công trình vệ sinh, bể xử lý nước thải.
“Với những điều chỉnh hợp lý, mô hình du lịch nông nghiệp ở Hòa Vang có thể phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, bền vững, đồng thời khai thác hiệu quả đất nông nghiệp và nâng cao giá trị nông sản địa phương”, ông Dũng chia sẻ.