Ngày 18/4, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức “Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics thành phố Đà Nẵng”.
Cần một gói hỗ trợ riêng cho các ngành xuất khẩu
Bà Lê Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, doanh nghiệp hiện xuất khẩu khoảng 30% sản lượng tôm sang Hoa Kỳ, nên việc bị áp thuế cao đã gây nhiều khó khăn. Theo bà Thảo, ngành tôm Việt Nam đã bị áp thuế chống bán phá giá hơn 20 năm qua. Hiện dù thuế đối ứng tạm hoãn, doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế chống phá giá, thuế cơ sở 10% và thuế chống trợ cấp 2,84%, nâng tổng mức thuế gần 20%. Điều này đồng nghĩa với việc "cánh cửa" vào thị trường Mỹ gần như bị đóng lại.
Bà Thảo kiến nghị cần có ngay một quỹ hỗ trợ hoặc gói hỗ trợ riêng cho các ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là những ngành đang cùng lúc chịu cả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Đồng thời, trong quá trình đàm phán thương mại, cần nêu rõ những ngành đã bị áp các loại thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp để tránh tình trạng “thuế chồng thuế”, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng chia sẻ khó khăn và kiến nghị. Ảnh: Lan Anh.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng, cho biết xuất khẩu chiếm 65% doanh thu của doanh nghiệp, trong đó Hoa Kỳ là thị trường chủ lực. Trước biến động kinh tế toàn cầu, công ty đã chuyển hướng một phần đơn hàng sang Nga, Nam Mỹ, EU… để bù đắp sản lượng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào chi phí vận chuyển chiếm 5-15% giá trị lô hàng và hoàn toàn bị động khi cước phí tăng. Ông Nhựt kiến nghị Đà Nẵng cần hỗ trợ phí bến bãi, nâng hạ, đồng thời xem xét xây dựng một hãng tàu trong nước đủ năng lực cạnh tranh để ổn định chi phí.
Ông Nhựt cũng đề xuất thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng sản phẩm trong nước theo tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt” nhằm giảm chi phí đầu vào. Thành phố cần có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp và quản lý giá sàn với doanh nghiệp FDI để bảo vệ thương hiệu nội địa trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá khi sản phẩm bị bán quá thấp.
Nâng giá trị sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm cho biết, địa phương có hơn 70 doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố trong năm 2024. Nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng xuất sang Hoa Kỳ lớn, chiếm từ 30-60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp.

Đà Nẵng đối thoại, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Ảnh: Lan Anh.
Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên, theo thông tin của một số doanh nghiệp, khách hàng Hoa Kỳ vẫn yêu cầu tạm ngừng xuất hàng đối với các lô hàng chưa xuất xưởng; yêu cầu tạm dừng sản xuất, chưa thực hiện xuất hàng để quan sát thêm hoặc tạm ngừng giao thêm đơn hàng mới hoặc chậm nhập hàng.
“Nhìn chung, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động; ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và dự kiến còn tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như logistics, cảng biển và vận tải; các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, du lịch…”, bà Trâm cho hay
Để ứng phó với khó khăn, thách thức này, Đà Nẵng đang khuyến khích doanh nghiệp tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước, tham gia chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường Halal.

Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang bị ảnh hưởng theo chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Ảnh: Lan Anh.
Đặc biệt, Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đầu mối của Bộ Công Thương để kịp thời cập nhật thông tin đến doanh nghiệp về các quy định thuế quan, rào cản thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật từ thị trường Hoa Kỳ và các thị trường xuất khẩu trọng điểm để giúp doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với bối cảnh thị trường biến động; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả FTA đã ký nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển thị trường mới.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực logistics thành phố Đà Nẵng như: tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực; định hướng phát triển các nhóm ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao; sớm hình thành triển khai, thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; khuyến khích đầu tư, hình thành các trung tâm logistics, trung tâm phân phối hiện đại…